Mobifone và Vinaphone sắp sập mạng

Thảo luận trong 'Tin Tức Chung' bắt đầu bởi nxc, 14 Tháng năm 2004.

  1. nxc Ex-SMod

    Nếu không được đầu tư nâng cấp, mở rộng tổng đài thì mạng di động Vinaphone và Mobifone chỉ cầm cự được khoảng vài tháng nữa. Ông Trần Mạnh Hùng, phó tổng giám đốc Tổng Cty Bưu chính viễn thông VN (VNPT), cho biết sau thời điểm đó, sự cố không chỉ là nghẽn mạch mà là nguy cơ mất liên lạc toàn bộ mạng do sập tổng đài.


    Sự thật của nghẽn mạch



    Theo thống kê, mạng di động Vinaphone hiện có số thuê bao đứng đầu trong danh sách các nhà cung cấp thông tin di động với 1,9 triệu thuê bao. Ra đời trước Vinaphone ba năm nhưng do trục trặc trong đầu tư nên Mobifone bị Vinaphone qua mặt và đành chấp nhận vị trí thứ hai với số thuê bao đến nay là 1,5 triệu. Tuy nhiên, đây thật sự là hai “đại gia” bởi tổng số thuê bao của cả S-Fone và Cityphone mới chỉ đạt con số 200.000.



    Ông Phạm Quang Hảo, phó giám đốc Công ty Dịch vụ viễn thông (GPC) - nhà cung cấp mạng di động Vinaphone, cho biết với số thuê bao nói trên, dung lượng tổng đài của Vinaphone đã bị chiếm tới 80%. Từ khi giảm cước thuê bao di động, dự báo mỗi tháng sẽ có thêm khoảng 35.000 thuê bao mới, tăng thêm khoảng 10.000 thuê bao so với thời điểm trước đó.



    Cũng tương tự như vậy, ông Lê Ngọc Minh, phó giám đốc Công ty Thông tin di động (VMS) - nhà cung cấp dịch vụ di động Mobifone, cho hay tổng số thuê bao Mobifone cũng đã chiếm 70% dung lượng mạng và ước tính thời gian tới sẽ tăng thêm 15% số thuê bao mới mỗi tháng.



    Dù số lượng thuê bao của cả Vinaphone và Mobifone hoàn toàn chưa lấp đầy dung lượng thiết kế của mạng nhưng theo ông Hùng, sự cố của hai mạng thời gian qua chính là do quá tải bởi nguyên tắc để một mạng di động hoạt động chất lượng chỉ cho phép số thuê bao chiếm dưới 65% dung lượng mạng. Trong trường hợp số thuê bao vượt quá 65% dung lượng, chỉ có cách nâng cấp và lắp mới tổng đài mới có thể đáp ứng được chất lượng cuộc gọi.



    Cả ông Hảo và ông Minh đều thừa nhận việc nghẽn mạch thường xuyên xảy ra vào ngày nghỉ và ở những khu vực tập trung nhiều thuê bao. Cụ thể, chỉ trong bốn ngày nghỉ lễ 30-4 và 1-5 vừa rồi, mạng Vinaphone đã không chuyển được tất cả các cuộc gọi ở Quảng Ninh, Cát Bà (Hải Phòng), Cửa Lò (Nghệ An), Mũi Né (Phan Thiết). Ông Hảo cho biết nếu qui định tỉ lệ rớt cuộc gọi cục bộ 2% là phải nâng cấp mạng thì ở những khu vực này tỉ lệ đó đã lên tới 30%, thậm chí có thời điểm lên tới 50%.



    “Cầm cự” và hi vọng



    Theo kế hoạch năm 2004, GPC sẽ phát triển thêm 1,1 triệu thuê bao, còn VMS sẽ thêm mới 800.000 thuê bao (kế hoạch trước khi giảm cước là 400.000 thuê bao). Để đảm bảo kế hoạch, GPC đã trình VNPT xin phê duyệt dự án lắp đặt hai tổng đài mới (mỗi tổng đài có thể đáp ứng 300.000 thuê bao) và VMS trình năm dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng mạng với tổng số tiền khoảng 16 triệu USD. Song đến nay, tất cả đều chưa được phê duyệt. Có ý kiến cho rằng VNPT đang xem xét, nhưng một số người thạo tin cho hay lý do chưa phê duyệt là vì Thanh tra Nhà nước đang tiến hành thanh tra các hoạt động tại VNPT.



    “Chúng tôi hi vọng tổng công ty sớm phê duyệt dự án để chúng tôi mở rộng mạng lưới”. Không hẹn mà gặp, cả ông Hảo và ông Minh đều thốt lên như vậy. Còn ở thời điểm hiện tại, GPC và VMS đều phát triển thuê bao mới một cách cầm cự. Đã gần hết nửa năm nhưng Vinaphone chỉ có thêm 230.000 thuê bao, còn Mobifone thêm được 212.000 thuê bao.



    Nếu so với kế hoạch cũ thì VMS đã đạt được một nửa, nhưng so với kế hoạch mới thì vẫn còn xa vời để chạm tới đích. Còn với GPC, việc tăng chậm số thuê bao thật ra là chủ trương từ trước. Thông thường họ đưa ra chương trình khuyến mãi phát triển thuê bao hòa mạng mới vào dịp Tết Nguyên đán, dịp lễ 30-4, 1-5 và dịp thành lập mạng. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay số chương trình này chỉ đếm trên đầu ngón tay và thay vào đó là những chương trình khuyến mãi (chủ yếu là tặng thêm tiền vào tài khoản mới) để giữ chân khách hàng cũ.



    Ông Hảo nói: “Chúng tôi chủ trương không tổ chức khuyến mãi vì ngay cả trong trường hợp được mở rộng, nâng cấp mạng vào thời điểm này cũng phải mất bốn tháng nữa mạng mới sẵn sàng”. Trong khi đó, trước dự báo số thuê bao mới tăng mạnh và nguy cơ không kịp mở rộng mạng, ngày 11-5 VMS có văn bản gửi VNPT cảnh báo nếu không mở rộng dung lượng mạng thì trong tháng sáu, số thuê bao sẽ chiếm 81% dung lượng, tháng bảy là 93% và thang tám sẽ lên đến con số 108%.



    Sẽ tiếp tục nghẽn mạch?



    “Cơ chế quản lý phải luôn được cải tiến - ông Hảo nói như vậy khi nói về những khó khăn trong việc đầu tư nâng cấp, mở rộng mạng lưới - Đương nhiên, chúng tôi là doanh nghiệp nhà nước, tiền của Nhà nước thì Nhà nước quản lý chặt nhưng nên có cơ chế tạo quyền tự chủ cho doanh nghiệp. Phải phân cấp sao cho doanh nghiệp tự quyết định đối với những dự án giá trị nhỏ”. Hiện tại, ngay cả khi muốn mua một trạm phát sóng trị giá 400 - 500 triệu đồng GPC cũng phải trình và chờ VNPT phê duyệt.



    Ông Trần Mạnh Hùng khẳng định thời gian tới sẽ để các doanh nghiệp tự chủ, cụ thể là sẽ phân cấp đầu tư xây dựng cơ bản. Ngoài ra, sẽ tập trung giải quyết những vấn đề thủ tục, sẽ yêu cầu đối tác ưu tiên đặc biệt trong việc giao hàng, ngay cả khi chưa có hợp đồng nhưng cũng vẫn đề nghị đối tác sản xuất để kịp đáp ứng khi có yêu cầu.



    Nhưng trước mắt, theo ông Hùng, trong trường hợp Vinaphone và Mobifone không kịp mở rộng mạng mà xảy ra quá tải thì chỉ còn cách điều chỉnh bớt thuê bao từ tổng đài nhiều sang tổng đài ít hoặc nhà cung cấp dịch vụ sẽ xử lý theo phương án “ba cuộc bỏ một cuộc”. Nghĩa là nếu ba thuê bao cùng thực hiện cuộc gọi một lúc sẽ có một thuê bao tít... tít... tít, ò.. í... e. Và nguy cơ gặp sự cố điện thoại di động là khó tránh khỏi. Khách hàng sẽ là người chịu thiệt thòi đầu tiên.



    Theo Tuổi Trẻ
    Thông tin từ www.tintucvietnam.com