Gsm.vn- Công ty Cổ phần Công nghệ MPos Việt Nam vừa giới thiệu dịch vụ thanh toán trên thiết bị di động mPos.vn ở thị trường thành phố HCM sau gần ba tháng chạy thử nghiệm ở thị trường Hà Nội. Theo đó, dịch vụ thanh toán trên nền tảng di động ( còn gọi là Mobile Point Of Sale- mPos) mPos.vn là hình thức kết nối một thiết bị “đọc” các loại thẻ tín dụng quốc tế như Master, Visa, JCB và các thẻ nội địa với một ứng dụng trên thiết bị di động thông minh, kể cả các dòng cấp thấp. Việc thanh toán các món hàng sẽ được thực hiện trên đây dựa trên kết nối internet, 3G hoặc GPRS. Xem thêm 6 xu hướng công nghệ năm 2015 có thể thay đổi tương lai Đây là mô hình đang rất phổ biến ở các quốc gia phát triển như Mỹ và Châu Âu. Ở các quốc gia bùng nổ thiết bị di động thông minh như Việt Nam, xu hướng được các chuyên gia cho rằng rất phù hợp. Tại hội thảo “Giới thiệu dịch vụ chấp nhận thanh toán thẻ trên di động mPos.vn”, ông Đỗ Văn Khôi, Tổng Giám đốc Công ty MPos Việt Nam cho biết, một trong những nguyên nhân làm cho thanh toán trực tuyến ở Việt Nam chưa phát triển là do hệ thống POS chưa phủ rộng và chưa thực sự tiện lợi. Chi phí đầu tư cho máy POS quá cao, từ 5 đến 10 triệu đồng chưa kể chi phí bảo hành, đường truyền… trong khi một máy POS muốn đạt điểm huề vốn phải đạt 50 triệu đồng giao dịch/ tháng là gánh nặng khiến các ngân hàng ngần ngại khi đầu tư. Chính vì thế theo ông Khôi, với khoản 70 triệu thẻ được phát hành ở Việt Nam hiện nay, ứng với một POS “gánh” 500 thẻ. Trong khi đó, tỷ lệ này ở Thái Lan là 225 thẻ/POS và Châu Âu là 85 thẻ/POS. Với mPOS.vn nói riêng và cái giải pháp thanh toán trên di động nói chung, chi phí đầu tư thiết bị sẽ thấp hơn 5 lần ( giá từ 1,2 đến 2,4 triệu đồng) và năng động hơn, theo ông Khôi sẽ giúp các ngân hàng tăng độ phủ của mạng lưới thanh toán trực tuyến hiện nay. Mặt khác, theo kế hoạch số 02/KH-NHNN của Ngân hàng Nhà nước, mục tiêu 2015 ở cả nước phải đạt 250 ngìn máy POS, đạt 200 triệu giao dịch thanh toán/năm. Chính vì thế mPos được xem là xu hướng trực tuyến ở Việt Nam trong thời gian tới. Trên thực tế, trong thời gian qua, khá nhiều ngân hàng đã tự đầu tư hoặc bắt tay hợp tác với các đối tác để triển khai giải pháp này như TPBank, Sacom Bank, VietInBank… Ông Khôi cho biết, trước mắt MPos Việt Nam sẽ hợp tác các ngân hàng để đưa giải pháp tới ba nhóm doanh nghiệp là bảo hiểm, dịch vụ hậu cần và các doanh nghiệp kinh doanh ăn uống ở tp HCM. Hiện giải pháp của công ty có thể chạy trên hệ điều hành Android và iOS, dự kiến Windows Phone sẽ ra mắt vào đầu năm sau. Được biết, sau thời gian triển khai thử nghiệm ở Hà Nội, hiện mPost.vn đã phát hành được 1,000 đầu thẻ, khách hàng chủ yếu là các doanh nghiệp bán lẻ. Trao đổi với Gsm.vn, đại diện một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ hậu cần trong lĩnh vực thương mại điện tử cho biết, hiện một nhân viên giao hàng của công ty có thể giữ rất nhiều tiền mặt trong một ngày làm việc. Đây là rủi ro của các doanh nghiệp giao nhận như ông và giải pháp mPos rất hữu ích. “Tuy nhiên, cần phải xem xét phí mà ngân thu tính trên mỗi giao dịch cũng như chi phí đầu tư cho máy mPOS vì không phải ai cũng sử dụng thẻ để thanh toán.”, vị này nói. Xem thêm 30 game hay nhất để chơi trên iPad vào Giáng Sinh (P1) Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Phạm Văn Khoa, Giám đốc Trung tâm thẻ VietinBank cho biết tùy lượng giao dịch hằng ngày của mỗi doanh nghiệp, VietinBank sẽ có mức phí phù hợp có lợi cho đôi bên.