http://netgsm.vn/data/upload/share/netgsm.vn-nasa-tuyen-bo-se-tim-thay-su-song-ngoai-trai-dat-trong-vong-10-den-20-nam-nua.1.jpg Tại một cuộc hội thảo diễn ra tại Washington mới đây, các nhà khoa học tại NASA đã thảo luận về khả năng phát hiện ra sự sống ngoài Trái Đất trong hệ Mặt Trời của chúng ta. Bằng việc phát hiện ra dấu tích của đại dương tại nhiều hành tinh trong vũ trụ, các nhà nghiên cứu tin rằng việc tìm thấy sự sống ngoài Trái Đất là hoàn toàn có thể, vấn đề là "khi nào" mà thôi. Ellen Stofan, nhà khoa học đứng đầu tại NASA cho biết rằng: "Tôi tin rằng chúng ta sẽ tìm thấy những dấu hiệu mạnh mẽ của sự sống ngoài Trái Đất trong vòng vài thập kỷ nữa và các bằng chứng cuối cùng sẽ có trong từ 10 đến 20 năm nữa." Dù vậy, các nhà khoa học vẫn chưa thể khẳng định về hình dạng sống cũng như trí thông minh của những sinh vật ngoài hành tinh. Rất có thể, dạng sống mà NASA sẽ tìm thấy trong hệ Mặt Trời chỉ đơn giản là vi khuẩn hoặc những phức chất cơ sở của sự sống. Cuộc hội thảo do NASA tổ chức diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều chứng cứ được tìm thấy có liên quan tới sự sống ngoài Trái Đất. Mặt Trăng Europa của Sao Mộc từ trước đến giờ được xem như một ứng cử viên sáng giá chứa đựng sự sống. Nhiều nhà thiên văn học còn đưa ra giả thuyết rằng có một đại dương rộng lớn bên dưới lớp vỏ băng giá của nó. Gần đây, một nghiên cứu cũng dự đoán rằng mặt trăng Enceladus của Sao Mộc đang có nhiều mạch nước phun ra từ bên dưới. Cách đây vài tuần, NASA tuyên bố rằng đã phát hiện ra đại dương trên Ganymede, mặt trăng lớn nhất của Sao Mộc. Dù vậy, tất cả những điều đó vẫn là phẩn nổi của tảng băng. Nhiều mặt trăng và sao lùn khác trên khắp vũ trụ cũng hứa hẹn có sở hữu nước - chất lỏng quý giá duy trì cuộc sống. Do đó, các nhà nghiên cứu tại NASA tiết lộ rằng cần phải thay đổi quan điểm trong việc tìm kiếm sự sống. Theo đó, chúng ta cần phải tìm kiếm những hành tinh có "vùng ở được" (habitable zones). Nghĩa là một hành tinh chỉ có thể kết luận là sống được, khi nó có đầy đủ các điều kiện, nằm ở vị trí phù hợp tính từ sao chủ để sinh vật có cơ thể ấm có thể sống (tương tự như Trái Đất và Mặt Trời). Chỉ có cách này thì nhiệt độ mới ở mức vừa đủ nhằm duy trì nước ở dạng lỏng. Hứa hẹn nhất trường hợp của mặt trăng Europa của sao Mộc với khả năng duy trì nước ở dạng lỏng và cách chúng ta gần 644 triệu km. Lý giải cho nguyên nhân nước lỏng xuất hiện trên vệ tinh băng giá này, các nhà khoa học cho rằng lực hấp dẫn từ sao Mộc đã kéo Europa di chuyển nhanh xung quanh nó, tạo ra đủ ma sát và năng lượng để làm nóng nước bên dưới bề mặt. Nhờ vậy, có thể nước lỏng vẫn tồn tại trên Europa mặc dù không có nguồn cung cấp ánh sáng như Trái Đất. Green cho biết: "Giờ đây chúng ta đã nhận ra rằng vùng sống được không chỉ có trên những ngôi sao, mà còn có thể tồn tại xung quanh những hành tinh khổng lồ. Chúng tôi đang tìm kiếm nhằm chứng minh rằng hệ Mặt Trời thật sự là một nơi chứa đầy nước." Hiện tại, NASA cũng đang chuẩn bị khởi động sứ mạng nghiên cứu thăm dò trên mặt trăng Europa của sao Mộc, hứa hẹn sẽ có thêm nhiều phát hiện chấn động trong tương lai. Theo Netgsm.vn