Đó là một kỹ thuật nhận dạng sóng vô tuyến từ xa, cho phép đọc không cần tiếp xúc dữ liệu trên một con chíp bằng sóng vô tuyến ở khoảng cách từ 50 cm tới 10 mét, tùy theo kiểu của thẻ nhãn RFID... Nhận dạng tự động (Automatic Identification) hay gọi ngắn gọn là "ID tự động" là một thuật ngữ chỉ các công nghệ chủ dùng để giúp các máy nhận dạng các đối tượng. Nhận dạng tự động thường được thực hiện bằng tự động thu thập dữ liệu. Đó là phương pháp các công ty dùng để nhận dạng đồ vật hay hàng hóa, thu thập thông tin về chúng và nhập dữ liệu đưa vào máy tính mà không cần làm thủ công. Mục tiêu của "ID tự động" là tăng tính hiệu quả, giảm lỗi dữ liệu đầu vào và sử dụng lao động dư thừa cho các chức năng giá trị gia tăng như cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Các công nghệ chủ được xếp vào nhóm "ID tự động" gồm có: mã vạch (Bar Codes), thẻ thông minh, nhận dạng tiếng nói, một số công nghệ sinh trắc học (biometric), nhận dạng đặc trưng quang học (Optical character Recognition - OCR) và nhận dạng tần số vô tuyến (Radio Frequency Identification - RFID). Hệ thống RFID gồm hai thành phần: thứ nhất là những chiếc thẻ nhãn nhỏ (cỡ vài cm) có gắn chip silicon cùng ăng ten radio và thứ hai là bộ đọc cho phép giao tiếp với thẻ nhãn và truyền dữ liệu tới hệ thống máy tính trung tâm. Bộ nhớ của con chip có thể chứa từ 96 đến 512 bit dữ liệu, nhiều gấp 64 lần so với một mã vạch. Ưu việt hơn, thông tin được lưu giữ trên con chíp có thể được sửa đổi bởi sự tương tác của bộ đọc. Dung lượng lưu trữ cao của những thẻ nhãn RFID thông minh này sẽ cho phép chúng cung cấp nhiều thông tin đa dạng như thời gian lưu trữ, ngày bày bán, giá và thậm chí cả nhiệt độ sản phẩm. Với công nghệ RFID, các sản phẩm ngay lập tức sẽ được nhận dạng tự động. Chip trên thẻ nhãn RFID được gắn kèm với một ăngten chuyển tín hiệu đến một máy cầm tay hoặc máy đọc cố định. Các máy này chuyển tín hiệu radio từ thẻ RFID sang một mã liên quan đến việc xác định các thông tin trong một cơ sở dữ liệu máy tính do cơ quan quản lý kiểm soát. Khi một RFID được gắn vào một sản phẩm, ngay tức khắc nó sẽ phát ra các tín hiệu vô tuyến cho biết sản phẩm ấy đang nằm ở chỗ nào, trên xe đẩy vào kho, trong kho lạnh hay trên xe đẩy của khách hàng. Do thiết bị này được nối kết trong mạng vi tính của cửa hàng nên nhờ vậy các nhân viên bán hàng có thể biết rõ sản phẩm ấy được sản xuất khi nào, tại nhà máy nào, màu sắc và kích cỡ của sản phẩm; để bảo quản sản phẩm tốt hơn thì phải lưu trữ nó ở nhiệt độ nào. Nhờ RFID sẽ giảm được rất nhiều thời gian và chi phí quản lý, trưng bày, bán hàng . Tín hiệu vô tuyến phát ra từ chiếc tem điện tử này sẽ giúp các nhân viên bán hàng không phải đưa đầu dò đọc lướt lên mã vạch của sản phẩm nữa; việc tính tiền sẽ nhanh lẹ hơn rất nhiều, và như vậy khách hàng sẽ không mất nhiều thời gian xếp hàng chờ thanh toán nữa. Trong các kho hàng, nhân viên sẽ thao tác nhanh chóng và chính xác hơn việc lập sổ thu mua, tiêu thụ, tồn kho để theo dõi số lượng, chủng loại hàng trong kho. Họ sẽ nhanh chóng biết lô hàng nào đã quá hạn không được bày bán nữa, chủng loại hàng nào đang hút khách tiêu dùng cần mua thêm... Tóm lại, nhờ ứng dụng RFID, các cửa hàng bán lẻ, các siêu thị sẽ cần ít nhân viên hơn, chi phí hoạt động sẽ giảm, lợi nhuận sẽ cao hơn. http://ungdungrfid.com/news/Tim-hieu-ve-RFID/Nhan-dang-tu-dong-voi-cong-nghe-rfid-14/