Nhập ký tự: Chiêu lừa tiền siêu hạng Chỉ cần gõ lại các ký tự và nhấn phím Enter, nếu gõ được 1.000 mã sẽ được trả 15.000 đồng. Tuy nhiên, người được thuê phải ký quỹ 195.000 đồng để "duy trì phần mềm". Song, tiền công chưa được nhận mà nhiều người mất toi tiền ký quỹ. Tưởng là ngon ăn Gần đây, trên mạng xuất hiện thông tin khá hấp dẫn: Tuyển cộng tác viên đánh máy, nhập liệu. Tiêu chuẩn rất đơn giản, chỉ cần biết vi tính cơ bản, chăm chỉ, có thể tận dụng thời gian rảnh rỗi, phù hợp với sinh viên, các chị nội trợ muốn kiếm thêm. Thu nhập mỗi giờ có thể được 25.000 đồng, mỗi tháng 3-4 triệu, tùy thời gian bỏ ra. Ai cũng thấy việc này quá dễ dàng, chẳng cần ra khỏi nhà lại tránh được mưa nắng, không tốn tiền xăng xe... Nhưng, đến khi làm thật rồi mới biết chẳng khác nào bị lừa. Trong vai một người đi xin việc, sau khi đăng ký online, người viết nhận được tin nhắn hẹn phỏng vấn của công ty Đ.A, có địa chỉ ở đường Chùa Hà, Cầu Giấy, Hà Nội. Cùng thời điểm đó, có hàng chục ứng viên khác cũng đang chờ được phỏng vấn. Nhân viên công ty Đ.A giảng giải, công ty sẽ gửi cho người viết một phần mềm. Trên đó có hiện ra chuỗi khoảng 6-8 chữ, số. Chỉ cần gõ lại đúng những ký tự ấy và nhấn Enter là xong. Nếu gõ được 1.000 mã như vậy sẽ được trả công 15.000 đồng. Thấy người viết băn khoăn vì thù lao quá bèo, cô nhân viên nói tiếp: "Mỗi ngày. chị có thể bỏ ra 3-4 tiếng, được trả từ 80.000-120.000 đồng, mỗi tháng tổng tiền thu được từ 3-4 triệu tùy theo thời gian làm thêm". Nếu đồng ý, ứng viên sẽ ký hợp đồng một năm và ứng trước cho công ty 195.000 đồng. Điều này được lý giải rõ trong hợp đồng: "Người lao động hoàn tất phí hỗ trợ và duy trì phần mềm làm việc cho công ty vào thời điểm ký kết hợp đồng, với số tiền 195.000 VND. Trong vòng 60 ngày kể từ ngày ký hợp đồng, mỗi tuần làm việc người lao động hoàn tất 4.000 mã, công ty sẽ hoàn trả 195.000 VND. Còn lại, tất cả những hành động chấm dứt hợp đồng không đúng quy định sẽ không được bồi hoàn". Số tiền này được giải thích là để trả cho việc quản trị mạng, sau 2 tháng sẽ được bồi hoàn. Sau khi ký kết hợp đồng, công ty này gửi phần hướng dẫn sơ bộ sử dụng phần mềm vào email của người thực hiện. Phần mềm được tải về máy tính, đến hôm sau, cộng tác viên có thể bắt đầu làm việc. Ai dè khó nhằn Khi bắt tay vào việc, người viết mới thấy độ phức tạp đến kinh dị. Trên máy tính hiện ra các ký tự, giống như khi chúng ta nhận được yêu cầu nhập dãy chữ số (khi giao dịch online, chẳng hạn: hytt64k; vh13a7f... ), nhưng ở đây, dãy số này dài loằng ngoằng, gấp nhiều lần những chữ số trên; thậm chí còn nhòe nhoẹt, lẫn lộn ký tự và chữ số, người viết phải căng mắt ra cũng không thể luận được. Đã thế, theo "luật" là trong vòng 15 giây phải "giải mã" và nhanh tay gõ lại xuống dòng dưới, nếu quá thời gian này thì tài khoản sẽ tự động bị thoát ra (timeout). Quá 20 lần trong ngày bị khóa vĩnh viễn. Ngoài ra lại có thêm những điều khoản rất "khó nhằn", ví dụ: tài khoản sẽ bị khóa 10 phút nếu trong vòng 15 giây không xử lý xong dãy ký tự (nhập sai hoặc bỏ qua nhiều lần liên tiếp); sẽ bị khóa vĩnh viễn nếu bị khóa 10 phút trong hai lần liên tiếp; tài khoản không làm việc trong 4 tuần liên tiếp; bị thoát ra quá 20 lần trong một ngày; tỷ lệ đúng thấp hơn 85%... Khi thử, người viết chỉ hoàn thành được các mã đơn giản trong vòng 15 giây, còn các mã phức tạp, khó nhìn thì... bó tay. Số lượng mã phức tạp lại chiếm phần lớn. Trong vòng 5 phút, người viết chỉ nhập xong khoảng 10 mã, còn lại bị thoát ra gần 20 mã. Hơn nữa, những mã gõ được thì tỷ lệ đúng cũng khó có thể đạt được 85% như quy định. Đó là chưa kể những quy định về khóa tài khoản vĩnh viễn đặt ra chỉ cốt để các cộng tác viên "không có đường thoát". Như vậy, đương nhiên người làm thuê bị khóa tài khoản vĩnh viễn, đồng nghĩa với việc mất trắng 195.0000 đồng. Chị Thanh, một người cũng vừa bỏ cuộc, nói: "Nhiều người cũng đã chấp nhận mất tiền, coi như 'phí ngu' chứ thực tế không thể làm được việc này vì những điều khoản ràng buộc rất chặt, mà thua là cái chắc". Theo chị Hồng - nhân viên văn phòng có trình độ vi tính khá, thì cứ cho là đánh đúng các mã thì trong vòng 1 tiếng liên tục sẽ hoàn thành được 240 mã, làm 4 tiếng mới được gần 1.000 mã, tương đương kiếm được 15.000 đồng. Tính đến đây chị mới biết mình trót dại. Còn Thắng, một sinh viên cũng háo hức kiếm tiền làm thêm, thất vọng: "Khi làm và hiểu ra cũng là lúc sự đã rồi, em đành chấp nhận mất khoản tiền đặt cọc để bỏ của chạy lấy người. Sinh viên chúng em nhanh tay nhanh mắt cũng chịu". Vậy những công ty này tuyển cộng tác viên để làm những công việc này nhằm mục đích gì? Hay đây chính là một "trò chơi điện tử" mà phần thua chắc chắn thuộc về những người chơi? Tiếc thay, người chơi không thể hiểu hết và lường trước được kết cục thua về mình một cách chóng vánh. Hiện các công ty dạng này vẫn tuyển dụng với số lượng không hạn chế. Mỗi ngày, vài chục người đến ký hợp đồng, mỗi người nộp 195.000 thì số tiền kiếm được lên tới hàng chục triệu. Nếu đúng vậy thì quả đây là một trò kiếm tiền "siêu hạng". Nguồn : http://dantri.com.vn/kinh-doanh/nhap-ky-tu-chieu-lua-tien-sieu-hang-879342.htm