Theo Quân đội nhân dân, cập nhật 21/4/2007 Tháng 7-1885, vua Hàm Nghi theo phái chủ chiến, rời bỏ kinh thành Huế, ra Sơn Phòng, Quảng Trị, xuống chiếu Cần Vương. Để tránh sự truy đuổi của thực dân Pháp, đoàn quân Cần Vương đã bôn tẩu ra tận vùng núi Tuyên Hóa, Quảng Bình, định lập phòng tuyến lâu dài để chống thực dân Pháp. Nhưng do sự phản bội của tên Trương Quang Ngọc, ngày 1-11-1888, vua Hàm Nghi bị quân Pháp bắt tại đây. Sau đó, chúng đày ông sang một hòn đảo ở Châu Phi giam lỏng cho đến cuối đời. Theo nhiều truyền thuyết, khi vua Hàm Nghi xa giá, tùy tùng của ông đã chôn giấu vàng dọc đường và cả tại Sơn Phòng, Tuyên Hóa, Quảng Bình, phòng khi bất trắc có thể tìm lại để phục vụ cho sự nghiệp kháng chiến. Một lần ông Nguyễn Quang Lịch, nguyên Giám đốc Sở tài chính Quảng Bình, đến Cục lưu trữ quốc gia để tìm hiểu một số tư liệu về hoạt động của ngành tài chính Quảng Bình trong thời kỳ đầu mới thành lập đã tìm thấy trong hồ sơ lưu trữ ghi lại rất cụ thể những trường hợp người dân Minh Hóa (Tuyên Hóa cũ) nhặt được vàng của vua Hàm Nghi đem nộp lại cho Nhà nước. Chuyện cụ thể như sau: Vào chiều 6-4-1954, một cháu bé đi xúc tép dọc suối, nhặt được 4 đồng tiền vàng nổi trên mặt cát liền đem về mách bố mẹ. Bố mẹ cậu liền đến ngay nơi con chỉ và đào lên được một số vàng khá lớn. Lập tức, hai vợ chồng người nông dân liền chạy về thông báo cho bà con trong xóm. Mọi người đổ xô ra bờ suối, tiếp tục đào bới tìm vàng. Tất cả đều gặp may. Tại một vị trí khác không xa, cũng trên dòng suối đó, mấy ngày sau, có một bác nông dân xới đất để tìm mồi câu cá thì một chéo vàng hiện ra. Với tính cộng đồng vốn có của người dân tộc vùng cao, bác liền đi thông báo với những người trong thôn bản. Họ đổ xô ra bờ suối, xúm lại đào bới và chia đều số vàng kiếm được. Nghe tin bà con nông dân vùng Minh Hóa đào được nhiều vàng, một tổ liên ngành gồm Bộ đội biên phòng, Ngân hàng nhà nước, cán bộ của huyện và tỉnh lập tức về địa bàn để kiểm tra. Sau khi xác minh cụ thể, đoàn liên ngành liền điện cho Ủy ban kháng chiến Liên khu 4 xin ý kiến chỉ đạo. Ngày 26-11-1954, đồng chí Phạm Văn Đồng, lúc đó là Phó thủ tướng Chính phủ, đã gửi điện mật cho Liên khu 4 (ký tên là Tô). Bức điện có đoạn: “... Động viên nhân dân phát huy tính tích cực, trọng của công của dân lên, mới tìm ra được số vàng còn lại... Địa phương cần xét đến việc khen thưởng cho kịp thời...”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban hành chính tỉnh Quảng Bình đã động viên nhân dân vùng Minh Hóa đào được vàng nộp lại cho Nhà nước. Chuyện kể rằng, có hai cha con cô Mỵ (cô Mỵ đẹp nhất làng), nhà rất nghèo, đưa nộp một gùi vàng. Cán bộ nhận thu nộp bảo cô giữ lại một đồng tiền vàng để đúc nhẫn cưới, làm của hồi môn sau này. Cô Mỵ lắc đầu nói: - Miềng không ưng mô! Nghe lời Đảng, Cụ Hồ, đem nộp vàng cho Nhà nước, miềng cứ nộp cho hết! Miềng lấy lại vàng thì cái bụng của Đảng, của Cụ Hồ không ưng miềng! Qua ba đợt vận động, nhân dân vùng Minh Hóa, Quảng Bình đã tự giác nộp cho Nhà nước số vàng tổng cộng là 240,5kg, riêng gia đình cháu bé xúc tép nộp 48,4kg. Tổng kết đợt nộp lại vàng của vua Hàm Nghi mà nhân dân Minh Hóa đã nhặt được nộp lại cho Nhà nước, Nha tài chính Liên khu 4 đã cấp 2 tấn thóc để Quảng Bình quy đổi mua sắm quần áo, chăn màn, thuốc men, trâu bò, kịp khen thưởng cho những người đã có thành tích./.