Nhịp sống Sai gon

Thảo luận trong 'Trò Chuyện Tổng Hợp' bắt đầu bởi ZAGO, 20 Tháng chín 2004.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
  1. ZAGO Ex-Mod

    Dành cho mấy anh ở sài gòn xem nha..Xem xong chắc hổng muốn đi xa Sai gon.... nhịp sống sai gon hay quá :hug:

    Sài Gòn thương nhớ cà phê


    Nằm trong ngõ hay trên vỉa hè, loại có đường hay không có đường... cà phê Sài Gòn có muôn nghìn câu chuyện. Chỉ một tách cà phê đã mang người thưởng thức đến nhiều thế giới khác nhau.

    Buổi sớm tinh mơ tại quán cà phê không đường Tri Nhân ở Nguyễn Thiện Thuật, Bình Thạnh, ly cà phê giọt nhỏ uể oải. Trong sắc màu bình minh, chiếc lá vàng trên cây mận đậu xuống bàn, tiếng nhạc như lén dẫn mùa thu vào vườn, thực khách nâng ly nhấp ngụm cà phê. Hương cà phê nhẹ nhàng tan trên đầu lưỡi, vị đắng cùng vị ngọt hòa quyện nhau. Vị ngọt của loại cà phê không đường. Chủ quán cười giấu nhẹm cách sản xuất, mơ hồ bảo chất ngọt tận dụng từ đường trong trái cà phê chín…

    Một quán cà phê vỉa hè bên đường Petrus Ký cũ, nay là Lê Hồng Phong, có từ cách đây hơn 30 năm, khách đông nghẹt. Công thức của chủ quán là: Cứ một kg cà phê pha 100 g nếp hương bỏ hai hạt cau khô rang xay nhuyễn và một muỗng canh nước mắm nhỉ. Ông bảo người ta thương nhớ là thương nhớ cái chát của cau, cái mằn mặn thoang thoảng của mắm.

    Quán chật mà khách vẫn chen vào. Nhiều người chỉ cần một chiếc ghế cóc, tay bưng chiếc đĩa để ly cà phê, nếm chậm rãi… Quán cũng là nơi bàn chuyện thế sự của cánh đàn ông, thi thoảng có vài bà ghé vào.

    Cà phê đầu ngõ cũng thường là nơi lui tới mỗi sáng sớm của dân Sài Gòn. Những quán cà phê này thường bàn ghế nhỏ gọn. Nắng mưa đều khiến chủ phải lăng xăng, nhưng khách vẫn lui tới. Ở đó, có thể ngày nào cũng nhìn, cũng thấy từng khuôn mặt rất quen trong xóm. Cà phê vỉa hè còn gọi là cà phê kho, cà phê vớ, không ngon, nhưng sáng không đến nhiều người vẫn thấy thiêu thiếu cái gì đó.

    Đường Đồng Khởi vẫn giữ nguyên ngôi vị khu cà phê Sài Gòn. Từ cà phê vỉa hè Metropolitan đến gần khu trung tâm là những tiệm cà phê một thời lừng lẫy danh tiếng của Sài Gòn cũ như Givral nơi xưa quy tụ các nhà văn, Brodard tập trung nhà báo. Xuôi về phía cuối đường Đồng Khởi, vượt qua một số quán cà phê mái hiên bên hông các khách sạn Continental, Majestic, Caravelle, là cà phê Catinat - tên cũ của Đồng Khởi, nơi đầy âm hưởng dân văn nghệ… Âm nhạc và không gian thường là những sắc thái chính làm nên tấm nhan sắc của từng quán. Montana, Bodegar, Catinat, Yoko, Wild Horse, Thanh Niên…, mỗi quán một vẻ.


    Khám phá Sài Gòn về đêm

    --------------------------------------------------------------------------------

    "Có thể đêm ở Sài Gòn không sôi động như đêm ở Tokyo, Nhật Bản hay Bangkok, Thái Lan. Nhưng đêm Sài Gòn có nét rất riêng, đầy thú vị, đủ sức mời gọi lữ khách bước chân đi ngắm cảnh, ngắm người"...

    Sài Gòn bây giờ có nhiều phong cách giải trí, ẩm thực lạ. Các nhà đầu tư cũng cố gắng "chào" nhiều sản phẩm độc đáo, "không đụng hàng". Bạn có cảm giác vừa ăn vừa xoay chưa? Mời bạn hãy đến với nhà hàng xoay đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam. Nhà hàng xoay được thiết kế dạng hình tròn, tường cửa toàn bằng kính trong suốt, với trục quay ở giữa, kinh phí xây dựng 3 tỉ đồng.

    Trong ba năm trở lại đây, phòng trà quán bar ra đời nhiều. Thật khó có dịp để khám phá và so sánh hết những phòng trà, quán bar. Nhưng nếu có thời gian mời bạn hãy thử đến vài điểm để thưởng thức, chắc chắn sẽ cho bạn sự bất ngờ, pha lẫn thú vị. Bởi mỗi nơi đều có nét lạ và phong cách riêng. Nếu như trước kia bạn chỉ nghe Flamenco trong CD, thì giờ đây bạn có thể "ngất ngây" cũng những giai điệu từ xứ sở Tây Ban Nha xa xôi này bằng cách đến bar Carmen (nằm trên đường Lý Tự Trọng).

    Bạn có muốn bước chân vào lữ quán – quán rượu của những chàng cao bồi miền Viễn Tây Hoa Kỳ không? Ở Sài Gòn đã có một lữ quán theo nguyên mẫu được chủ nhân của nó "bê" từ Mỹ về. Đó là lữ quán Seventeen Saloon (nằm trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1). Cảm giác đầu tiên khi đẩy cánh cửa gỗ, bước vào bên trong là bất ngờ bởi cách bài trí không gian, bàn ghế, quầy bar... chất liệu chủ đạo là gỗ. Tất cả toát lên nét mỹ thuật "cowboy" với các bộ yên ngựa, đôi giày ống cao cổ mũi nhọn, những bánh xe ngựa bị bào mòn bởi thời gian... bạn sẽ được nghe những dòng nhạc trẻ trung, sôi động như Latin, rock & roll, hay những giai điệu thiết tha du dương, lãng mạn của dòng nhạc country, folk, blule trầm lắng...

    Thú mua sắm đêm

    Mua sắm đêm cũng là xu hướng mới hiện nay. Người Sài Gòn hay du khách trong nước từ các tỉnh tới, bạn đêm thường đến các siêu thị. Người nước ngoài đi công tác chỉ ghé thành phố trong thời gian ngắn, nên tranh thủ ban đêm đi mua sắm "quà Sài Gòn"... Phần lớn du khách xem việc đi mua sắm đêm là hình thức giải trí, cũng là để khám phá nét sinh hoạt mua bán đêm của người Sài Thành.

    Du khách thường tập trung ở các con đường trung tâm. Có người trước khi đến TP.HCM đã truy cập trên Internet tìm những thông tin cho tham quan, mua sắm hoặc khi đến đây, có đoàn nhờ hướng dẫn viên dẫn đi, có người thủ sẵn cuốn sách hướng dẫn du lịch trên tay... Họ rất thích thú vì ở Sài Gòn có những con đường gắn liền với những mặt hàng nhất định.

    Ví dụ như đường Đồng Khởi được xem như "phố quà lưu niệm". Trên con đường này bán rất nhiều mặt hàng từ mây tre lá, sơn mài, tranh thêu-chép-vẽ, gốm sứ cho đến lụa tơ tằm, thổ cẩm... Phố Lê Công Kiều bán đồ giả cổ. Phố văn phòng phẩm, kim khí điện máy ở Nguyễn Huệ, Lê Lợi... Bây giờ có thêm chợ đêm Bến Thành, ngoài dịch vụ ẩm thực còn bán đồ may sẵn, hàng lưu niệm.

    Riêng khu chợ Lớn được xem như một "Chinatown" sầm uất ở Việt Nam chuyên bán các mặt hàng dành cho khách Trung Hoa như tượng Phật, vật linh (hạc, rùa, kỳ lân, rồng)... được chạm khắc bằng gỗ, đồng hoặc đúc bằng nhựa poly rất tinh xảo, ấn tượng, hoặc có dáng vẻ cổ xưa; hay các loại tráp, lư, bát dùng để đốt trầm hương...

    Phố đêm Sài Gòn cũng muôn vẻ. Có shop bán hàng hóa cao cấp như tranh thêu tay, tranh gỗ dát mỏng, được bày biện trong phòng kính, máy lạnh rất bắt mắt. Nhiều nhất vẫn là những phố có cửa hiệu san sát nhau, hàng hóa trưng bày tràn ra cả lề đường như mời gọi, du khách tha hồ lựa chọn. Điều đặc biệt theo chị Kusano – du khách Nhật – là người Việt rất dễ thương. Du khách có thể vào xem hàng hóa thoải mái, không mua cũng không sao, thậm chí được người bán giới thiệu rất kỹ về sản phẩm ấy nữa.

    Du khách mỏi chân hoặc không muốn đi bộ nhiều, ghé vào các hiệu sách: Nguyễn Huệ, Xuân Thu, Sài Gòn... cũng có thể mua được nhiều thứ. Bởi nhà sách bây giờ như một siêu thị tổng hợp, không chỉ bán nhiều loại sách trong và ngoài nước, mà còn bán đồ tiêu dùng, quà lưu niệm, bưu ảnh, bản đồ... "Window shopping" (tạm dịch đi xem hàng hóa) cũng được du khách thích. Có thể họ không mua gì, đi chỉ để ngắm nhìn đường phố Sài Gòn về đêm, xem người Sài Gòn sinh hoạt ra sao.
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.