Ngày hôm nay - 09/12/2017, sự kiện Help – Portrait Việt Nam lần thứ 8 đã chính thức khai mạc trên toàn quốc. Help-Portrait là tên ngày hội chụp ảnh chân dung miễn phí cho mọi người, đặc biệt hướng những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn, bệnh nhi ung thư, người già neo đơn trên khắp đất nước Việt Nam. Sau đây, diễn đàn xin trích dẫn nguyên văn nội dung "Những câu chuyện trong hành trình Help - Portrait 2017" do nguồn tin cung cấp. HÀNH TRÌNH NHÂN ĐÔI NỤ CƯỜI – LAN TỎA YÊU THƯƠNG CỦA HELP – PORTRAIT 2017 Giữa cái lạnh se se của cơn mưa rả rích tháng 12 xứ Huế, nhóm tình nguyện viên Help – Portrait 2017 như những ông già no-en đã mang đến những phút giây ấm áp, vui tươi cho nhiều em nhỏ kém may mắn. Chào đón đoàn tình nguyện viên chúng tôi tại số 393 Bùi Thị Xuân TP. Huế là sự niềm nở của các cô, chú ở trung tâm. Ân tượng hơn cả là những ánh mắt quá đỗi hồn nhiên cùng nụ cười tươi hơn hoa của các em nhỏ trường khuyết tật Thủy Biều. Chúng tôi như lạc đi trong những đôi mắt trong veo không một gợn sóng ấy, thấy trái tim mình vỡ òa giữa một cỗ xúc động không tả nỗi. Sau màn giới thiệu để làm quen với nhau, các em dè dặt rồi vui vẻ nắm tay kéo chúng tôi vào cùng chơi, cùng ca hát. Tiếng hát ngô nghê dẫu không rõ giai điệu lẫn âm điệu cất vang, hòa cùng tiếng cười giòn tan của các em như đốt nóng một góc trời xứ Huế trong một ngày mưa lành lạnh. Cái níu tay nhè nhẹ, cái ôm ngượng nhịu hay những cái thơm phớt trên má để thể hiện tình cảm của các em khiến chúng tôi vô cùng xúc động. Các em – những thiên thần nhỏ với sự vô tư lạc quan đã làm thức tỉnh trong chúng tôi biết bao suy nghĩ về những giá trị của cuộc đời, về tình yêu thương, cảm thông và chia sẻ. Dẫu chịu nhiều mất mát, thiệt thòi khi cơ thể không khỏe mạnh như bạn trẻ khác, nhưng các em vẫn luôn vui vẻ với nụ cười sáng bừng trên gương mặt. Sao mà thương các em quá đỗi! Hành trình mang lại những bức ảnh và trao tặng nụ cười cho các em nhỏ lại tiếp tục xê dịch đến Khoa Nhi Bệnh viện Trung Ương Huế. Mặc dù tổ chức vào thứ 7, rất nhiều bệnh nhi đã được về nhà nên số lượng các bé có mặt ít hơn so với ngày thường và đa số là những bé bệnh nặng. Nhưng cũng vì vậy mà sự chúng tôi được phát huy sự nhiệt tình hết cỡ. Từ tầng 1 đến tầng 4, chúng tôi thay nhau lăn xăn rối rít chụp ảnh cho các bé, không quên vui vẻ bắt chuyện và chọc cười để có thể chụp được những góc hình đẹp nhất cho các em. Nhìn những nụ cười ngây thơ, trong sáng của các em, và niềm hạnh phúc trong mắt các bậc phụ huynh, chúng tôi cảm thấy sự ấm áp lan tràn đầy lồng ngực. Lần thứ 5 tham gia Help – Portrait Việt Nam, Linh Sakura – 24 tuổi – Trường Đại học Y Dược Huế chia sẻ đối với cô điều để lại ấn tượng mạnh nhất, thôi thúc cô tham gia Help Portrait hằng năm, đó là tâm thư cảm ơn Help Portrait Việt Nam của gia đình bệnh nhân. Nhờ chương trình đã tặng những tất hình đẹp, mà gia đình có thể lưu giữ khoảnh khắc vui vẻ bên con, đôi khi đó cũng là bức hình hoàn chỉnh duy nhất để họ nhớ về đứa con kém may mắn của mình. Linh ước rằng mảnh đất Quảng Bình cũng được Help Portrait ưu ái tổ chức. Cô hi vọng năm sau, năm sau nữa, ước mơ đem lại niềm vui trên chính quê hương mình sẽ trở thành hiện thực. Khi bạn bè cùng trang lứa thỏa sức vui chơi, được học tập giao lưu với bạn bè, thầy cô thì có nhiều em bé đang cố gắng từng ngày để hướng về một tương lai tươi sáng. Chúng tôi hy vọng những phần quà nhỏ bé, những khung ảnh lưu lại những nụ cười rạng rỡ sẽ giúp các em và gia đình có thêm động lực, niềm tin vào cuộc sống. Mong niềm vui và hạnh phúc sẽ luôn bên cạnh gia đình của em. -o0o- O1: “Nhật ký nụ cười” – muôn vàn chuyện đời chưa kể O2: Lấp lánh hy vọng từ “Nhật Ký Nụ Cười” Dù phía sau mỗi bức ảnh nụ cười là muôn vàn hoàn cảnh khó khăn, nhưng có lẽ, điểm chung mà chúng tôi nhận thấy từ những người tham gia chương trình Help Portrait lần 8 năm nay đó là sự lạc quan, yêu đời và niềm hy vọng về một ngày mai tươi sáng. “Có hình, con sẽ gửi cho chị con. Con dặn chị đem lên đưa cho ba. Ba con thương con lắm, ba con không cưới vợ, ba con bảo có con, có 5 đứa con là đủ rồi.” Khi chúng tôi hỏi thăm con muốn gửi hình của mình cho ai, cậu bé cũng không ngần ngại trả lời là muốn gửi cho ba, chỉ gửi cho ba mà thôi. Chưa bao giờ chúng tôi nghĩ câu nói ấy lại được thốt lên từ đứa bé chỉ mới 11 tuổi, cái tuổi vốn vô ưu vô lo mà trước đây chúng tôi chỉ biết vòi tiền ăn vặt và mua truyện tranh từ ba má. Bé Lê Văn Trường Hải năm nay chỉ mới học lớp 4, nhưng nói chuyện lại rất ra dáng người đàn ông chững chạc của gia đình. Mỗi lần nhắc về ba mẹ, ánh mắt cậu bé lại ánh lên niềm hạnh phúc và hy vọng về một ngày gia đình được đoàn tụ. Cậu bảo mong ước lớn nhất của mình là mau lớn, đến lớp 12 sẽ được ba đón về ở chung một nhà. Cậu bé vừa nói vừa cười tròn xoe đôi mắt. Bé Trường Hải chỉ là một trong số những em nhỏ tại mái ấm Linh Quang, nằm khuất trên một ngọn đồi của huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Với vòng tay bao dung của sư cô Thích Nữ Phong Điều, mái ấm đã mang đến tổ ấm cho các trẻ em có hoàn cảnh bất hạnh và không nơi nương tựa. Các em ở đây chủ yếu là người dân tộc Ro (một tộc của người gốc Kh’me), em nào cũng hiền lành và thân thiện với nụ cười lấp lánh trên môi bé xíu tẹo teo. Trong khí trời lành lạnh của chớm đông. Không khí ở mái ấm Linh Quang lại sôi nổi và ấm áp chưa bao giờ hết. Có em nhỏ cầm bong bóng mắt lấp lánh nhìn trời, em thì ôm gấu bông chạy đùa khắp sân cùng đám bạn tinh nghịch. Còn các cô chú thì lại hăng hái lỉnh kỉnh đồ đạc chuẩn bị cho buổi chụp hình của ngày hội Help-Portrait Việt Nam lần thứ 8. Ai cũng bảo giữa bộn bề công việc, ít khi nào mới có dịp chụp hình, thế là tranh thủ chụp luôn cùng với các bé làm kỷ niệm. Thế là chúng tôi có dịp được làm nền cho nụ cười của các em. Ở đây, chúng tôi bắt gặp rất nhiều nụ cười trong sáng, những nụ cười chân phương khiến chúng tôi quên đi những ồn ào của phố thị. Trong trẻo, nền nã là thế, nhưng ít ai nghĩ rằng đằng sau mỗi nụ cười đó là một câu chuyện mà đáng ra tuổi đời của các em không nên trải qua. Có nụ cười được hình thành từ nghị lực vượt qua nỗi mất mát người thân từ nhỏ, có nụ cười về niềm tin gia đình đoàn tụ… Nhưng có lẽ, điểm chung nhất mà chúng tôi thấy được đó chính là nụ cười của sự lạc quan, của niềm tin rằng cuộc đời vẫn rất tươi đẹp, và ngày mai những điều tốt lành sẽ đến. -o0o- HELP PORTRAIT 2017: “NHẬT KÝ NỤ CƯỜI” VỚI NHỮNG TRANG VUI TƯƠI VÀ Ý NGHĨA 5:30 AM, Quận Bình Thạnh, TPHCM Tiếng chuông báo thức điện thoại reo lên… Không biết có phải vì tối qua overtime nhiều, hay đây là lần đầu tiên tham gia Help Portrait hay không mà đêm hôm trước tôi cảm thấy khó ngủ. Như một đứa trẻ sắp được đi chơi xa, tôi cảm thấy nôn nao khó tả. Nhét vào ba lô chiếc Laptop, điện thoại, áo khoác, tôi cùng đứa bạn thân lên điểm tập trung. Cuộc “hành trình” bắt đầu… 7:00 AM, Quận 1, TPHCM Sài Gòn cuối năm se se lạnh. Tháng 12 rồi còn đâu… Chúng tôi gừi xe ở Sân vận động Hoa Lư rồi tập trung ở Hội liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Mọi người không kể tuổi tác, nghề nghiệp, nam nữ tập trung rất đông, hối hả chuẩn bị cho chương trình. Chúng tôi thấy cơ man không biết bao nhiêu bánh kẹo, sữa, quần áo, khung ảnh…Dù vất vả nhưng ai cũng nhiệt tình, vẻ háo hức thể hiện rõ trên từng nét mặt. Đồng hồ điểm 7:30 và buổi khai mạc Help Portrait 2017 bắt đầu. MC bước lên sân khấu và giới thiệu mục tiêu chương trình. Trong 8 năm phát triển và lớn mạnh, hiện nay HP đã có 1200 tình nguyện viên, hoạt động khắp 15 tỉnh thành và 60 điểm chụp hình khắp cả nước, đã chụp và in hàng ngàn bức ảnh và càng lúc càng được nhận sự quan tâm của cộng đồng. Giai điệu hùng hồn quen thuộc của bài Santorini càng làm tăng thêm không khí sôi động của lễ ra quân. Sau đó chúng tôi chụp một “pô” kỷ niệm trước khi lên đường. Năm nay, nhóm 8 của chúng tôi có 16 thành viên tham dự, 1 Leader, 6 Photographer, 8 Suppoter và tôi, PR. Anh Cao Xuân Hiển, một người leader có nụ cười rất hiền, nhiệt tình với 5 năm kinh nghiệm, được các thành viên yêu mến và tin tưởng. Đúng boong 8:00 sáng, chúng tôi “cất cánh” di chuyển đến điểm chụp năm nay: Lớp học tình thương Thanh Tâm của giáo xứ Củ Chi. Đường đi khá xa, khoảng 35 km từ điểm khai mạc, và cũng thật nhiều bụi. Trong quá trình đi, dù bị lạc đoàn mấy lần cùng không biết bao nhiêu cuộc điện thoại thì “Đường nào cũng về La Mã”, chúng tôi hạ cánh an toàn tại điểm hẹn. “LỚP HỌC TÌNH THƯƠNG THANH TÂM” Các em học sinh háo hức khi nghe sẽ được chụp hình Màn hấp dẫn nhất đã đến. Khi nghe đoàn Help Portrait đến chụp hình, hơn 100 em học sinh ùa ra như ong vỡ tổ. Không ai bảo ai, chúng tôi bắt đầu chia thành từng tốp và “tác nghiệp”. Các supporter dàn trận để ổn định trật tự cho các bé. “Nào, xếp hàng ngoan nè… Để cô sửa lại tóc cho con nhé…” Đa số các bé đều tỏ ra rất thích thú khi Photographer tác nghiệp. Bên cạnh đó cũng có những bé cứ ngọ nguậy đứng ngồi không yên hay từ chối chụp hình với lí do “Thôi con xấu lắm, chú đừng chụp con.” Chúng tôi phải trò chuyện, động viên để các bé chịu vâng lời. Supporter cột tóc cho bé gái trước khi chụp hình 6 anh em siu nhơn Photographer hợp sức tác nghiệp Không chỉ đi chụp hình, chúng tôi còn biết nhiều mảnh đời, được kể qua lời kể ngây ngô của những đứa trẻ. Mẫn, một cậu bé có nụ cười rất hồn nhiên, nói rằng bé rất thích đá banh và ước mơ trở thành cầu thủ. Hay cô bé Mỹ Quan, cười nói líu lo, hâm mộ ca sỹ Khởi My và muốn trở thành ca sỹ nổi tiếng. Và còn nhiều mảnh đời khác nhau. Có em bán vé số, có em rửa chén cho quán ăn… Dẫu vậy, nụ cười trẻ thơ luôn nở trên môi các em, làm chúng tôi, những người thực hiện chương trình, cảm thấy hạnh phúc biết bao. “Con muốn trở thành cầu thủ” - Mẫn Pằng pằng chíu chíu. Ta là Siêu nhân!!!! Cuối chương trình, chúng tôi chơi một trò chơi nho nhỏ và ca vang bài “We wish you a merry christmas” rồi tặng quà cho các em. Đúng 12:00, tiếng chuông lớp học vang lên. Các em xếp hàng rồi trật tự về nhà. Đã đến giờ chúng tôi phải về mà trong lòng còn đọng lại dư âm của buổi chụp hình hôm nay. Thiết nghĩ, tôi cần lắm những khoảng lặng để thật sự cảm nhận được cuộc sống xung quanh. Và Help Portrait 2017, cũng như Help Portrait của mọi năm, đã tạo ra những khoảnh khắc ấy khiến tôi biết thông cảm cho những mảnh đời kém may mắn và trân trọng những gì mình đang có hơn. Hẹn gặp lại ở Help Portrait năm 2018, vào thứ bảy tuần thứ hai của tháng 12. Hy vọng Help Portrait sẽ càng lớn mạnh hơn, lan tỏa niềm vui đến nhiều người hơn. Author: Lê Hoàng Như Ngọc (Nhóm 8) -o0o-HELP PORTRAIT 2017 VÀ NHỮNG NỤ CƯỜI RẠNG RỠ ĐẢO THỔ CHU Hòa cùng không khí náo nhiệt của ngày hội ra quân HELP PORTRAIT 2017 toàn quốc, 30 tình nguyện viên tại đảo Thổ Chu đã có mặt từ rất sớm để chuẩn bị quà và bố trí cho buổi chụp hình cho người dân tại đảo. Xuất phát từ “nhóm 14 năm 2014” với các thành viên đam mê xê dịch của diễn đàn du lịch #phượt, nhóm đã ngày càng phát triển và đem Help – Portrait đến những vùng sâu xa để nối dài phạm vi lan tỏa của phong trào. Năm nay, sau khi cân nhắc, BTC quyết định đưa chương trình đến với Thổ Chu – quần đảo xa xôi nơi cực Tây Nam thiêng liêng của tổ quốc, giáp ranh giới với nước Cộng hòa nhân dân Campuchia. Những công đoạn chuẩn bị đầu tiên trong ngày hội Help – Portrait 2017 tại xã đảo Thổ Chu Quần đảo Thổ Chu (Thổ Châu) có diện tích tự nhiên gần 1.400 ha với 8 hòn đảo và một số đảo ngầm là “mái nhà chung” của của 1.909 nhân khẩu. Đời sống của người dân trên đảo vẫn còn nhiều khó khăn và ít có cơ hội tiếp cận với các phương tiện kỹ thuật như trong đất liền. Theo khảo sát, hiện nay địa phương có 38 hộ nghèo, 16 hộ thuộc diện cận nghèo cần chăm lo cùng 340 em học sinh cấp 1 và 2. Đây là các đối tượng mà chương trình muốn chụp và tặng ảnh chân dung theo tiêu chí và tinh thần của Help Portrait trên toàn thế giới. Ban tổ chức tất bật trong công tác “hậu kỳ” để chuẩn bị những bức chân dung đẹp nhất tặng bà con trên đảo Để đảm bảo mọi khâu chuẩn bị cho chương trình được chu đáo nhất, nhóm tình nguyện đã khởi hành từ 10 giờ đêm hai ngày trước khi sự kiện khai mạc Help – portrait 2017 diễn ra. Vì đặc thù địa lý Thổ Chu là vùng đất tiền tiêu của Tổ quốc nên mọi hoạt động của chương trình đều phải được sự đồng ý từ Chỉ Huy Quân Sự trên đảo. Ban tổ chức may mắn nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ nhiệt tình từ các đồng chí thuộc lực lượng quân đội và hải quân đóng trên đảo Với ý tưởng “Chia sẻ nụ cười, nhân đôi niềm vui” cho các em nhỏ và những người không có điều kiện lưu giữ ảnh nơi xã đảo, nhóm tình nguyện viên đã kết hợp các hoạt động thiện nguyện, trao quà cùng hoạt động giao lưu chụp ảnh và tặng ảnh. Với những phần quà nhỏ nhưng chứa đựng những tấm lòng to, gồm 1 áo khoác, 1 bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân, tranh cát và bánh kẹo, niềm vui và hạnh phúc đã được lan tỏa trên mảnh đất Thổ Chu xa xôi cách đất liền gần 200 cây số. -o0o- Người dân Thổ Chu háo hức với ngày hội chụp ảnh chân dung Lần đầu tiên gần 2000 người dân tại quần đảo Thổ Chu - vùng biên giới Tây Nam Việt Nam được tham gia chương trình chụp ảnh chân dung lớn nhất trong năm mang tên Help Portrait. Không chỉ được nhìn thấy mình trong những bức hình ấm áp, nhiều người dân tại xã đảo còn cho biết họ đã có những giây phút thực sự ý nghĩa khi được kết nối và chia sẻ yêu thương. Thổ Chu là “mái nhà chung” của gần 2000 người dân sinh sống bằng nghề đánh bắt cá, sản xuất tiểu thủ công nhỏ lẻ, trồng trọt, chăn nuôi... Dù điều kiện kinh tế đã có những cải thiện đáng kể trong vài năm qua, hầu hết người dân trên đảo vẫn không có nhiều cơ hội được chụp ảnh và lưu giữ những khoảnh khắc ý nghĩa trong cuộc sống của mình. Đặc biệt hơn, với những người trung niên và lớn tuổi có cuộc sống mưu sinh nhọc nhằn, chụp ảnh chân dung vẫn là một khái niệm lạ lẫm, xa vời. Không chỉ người dân trên đảo mà ngay cả người dân trên đất liền tại những địa phương khác cũng ít khi hình dung được nhịp sống và con người nơi đảo xa. Vì thế, Thổ Chu với biển trời thanh bình, con người hiền hậu đã nhiều lần được ví như một “viên ngọc ẩn mình” nơi đảo xa biên giới. Hiểu được những điều đó, chương trình chụp ảnh chân dung Help Portrait lần thứ 8 năm 2017 đã quyết định mở rộng phạm vi hoạt động đến xã đảo Thổ Chu, tăng số tỉnh thành hoạt động lên 15 tỉnh thành. Bên cạnh Thổ Chu, Help Portrait lần 8 còn có 59 điểm chụp hình khác trên cả nước, và dự kiến sẽ trao tặng 10.000 tấm ảnh đến người dân. Có mặt tại Thổ Chu từ ngày hai ngày trước khi diễn ra sự kiện (09/12/2017), 30 tình nguyện viên của chương trình là những tay máy nghiệp dư và chuyên nghiệp đã thực hiện các công tác chuẩn bị chu đáo nhất. Đặc biệt, tất cả tình nguyện viên đều đồng lòng kêu gọi sự góp sức của bạn bè để gây quỹ cho chương trình. Tại ngày hội, nhiều phần quà gồm áo khoác, bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân, tranh cát và bánh kẹo đã được trao tặng cho 320 học sinh tiểu học và THCS tại địa phương. Các tình nguyện viên tỉ mỉ chuẩn bị khung hình để trao tặng người dân Không chỉ nhận được những phần quà từ đất liền, người dân Thổ Chu còn được chụp hình chân dung. Lần đầu tiên trong đời được chụp hình, bà Thu Hồng (63 tuổi) cho biết: “Tối hôm qua nghe tin hôm nay sẽ được chụp hình mà tôi hồi hộp không ngủ được. Cả đời lam lũ nên chả khi nào biết đến máy ảnh là gì. Hôm nay, lúc mấy bạn trẻ kéo đến mời tôi chụp hình, tôi đã rưng rưng muốn khóc. Lúc ảnh được in ra, cầm trên tay, tôi mừng lắm, không biết đến bao giờ mới được chụp lại lần nữa.” Khác với sự xúc động của bà Hồng, em Khánh Toàn (9 tuổi) lại rất hân hoan khi kể về trải nghiệm chụp hình của mình. Em chia sẻ: “Con và các anh chị tình nguyện viên đã chơi rất nhiều trò chơi vui vẻ. Con đã từng hình dung chụp hình thì phải nhiều ngày sau mới nhận được hình. Ai ngờ chỉ trong 5 phút, các anh chị ấy đã tặng hình cho con. Con cầm ảnh đi khoe khắp nơi. Mẹ nhìn hình và nói con cười dễ thương vì có một răng khểnh. Con rất vui ạ!” Các tình nguyện viên Help Portrait phấn khởi khi mang đến nụ cười cho người dân Thổ Chu Bên cạnh chụp hình chân dung cho những người dân trên đảo, Help Portrair còn là nhịp cầu nối để những người tham gia chương trình cùng viết nên câu chuyện về niềm vui, tinh thần lạc quan, yêu cuộc sống. Những bức ảnh được in ra cũng chính là lúc một lần nữa thông điệp sẻ chia của chương trình được lan tỏa và hình ảnh con người, vùng đất Thổ Chu đến gần hơn với người dân trên cả nước. Nguồn: Đại diện bên Help - Portrait 2017 cung cấp