Bên cạnh điện thoại, máy tính bảng thì TV là nhóm những thiết bị nhận được nhiều quan tâm nhất tại hội chợ điện tử gia dụng thường niên IFA 2011 đang diễn ra tại Đức. Tại IFA năm nay, loạt TV tham gia trưng bày vẫn tập trung chủ yếu vào dòng TV3D thông minh. Cùng với đó là một số màn hình 3D không kính công nghệ mới cho góc nhìn rộng hoặc loại màn hình 3D dành cho chơi game có thể hiển thị hai hình ảnh nổi khác nhau. Màn hình quang điện hữu cơ OLED cũng tham gia trưng bày với các tính năng hiển thị ngày càng hoàn thiện. LG LW980T - hiển thị 2 hình ảnh 3D trên cùng màn hình LG LW980T trích xuất 2 hình ảnh 3D trên cùng màn hình khi kết nối với máy game Xbox 360. Ảnh: engadget LW980T là một trong hai mẫu TV màn hình phẳng siêu mỏng ứng dụng công nghệ Nano Full LED cùng với LW9800 tham gia IFA lần này. Giống như LW9800, LW980T sở hữu màn hình siêu mỏng 27,55 inch, độ phân giải đạt chuẩn Full HD (1920 x 1080p), độ tương phản 10.000.000:1 và tốc độ quét hình cao 400 Hz cho phép thưởng thức những hình ảnh 3D chân thực nhất. LW980T là mẫu TV3D thông minh ứng dụng công nghệ 3D thụ động FPR độc quyền của LG bổ sung tích năng chuyển đổi 2D sang 3D đồng thời cho phép truy cập vào nhiều dịch vụ mạng, website khác nhau như YouTube, Netflix, Facebook và dịch vụ xem phim 3D theo yêu cầu VOD thông qua WiFi hoặc mạng LAN. Tuy nhiên, khi kết nối với thiết bị chơi game Xbox 360, LW980T còn cho phép người chơi nhìn thấy hai hình ảnh 3D khác nhau trên cùng một màn hình, tương tự như mẫu màn hình Sony PlayStation vừa ra mắt cách đây không lâu. Nhưng Sony PlayStation chỉ được bán ở cỡ 24 inch, còn LW980T sẽ được bán với cỡ 47 và 55 inch. Theo đó, giá thành cũng cao hơn vào khoảng 60 và 84 triệu đồng (~ 2915 và 4050 USD) Haier giới thiệu màn hình OLED trong suốt Màn hình OLED trong suốt này hiện mới ở phiên bản demo. Ảnh: lesnumeriques Mặc dù chưa phổ biến và chính thức được thương mại hóa nhưng cụm từ màn hình OLED không còn quá xa lạ với những người yêu công nghệ và thích tìm hiểu về các loại màn hình TV. Năm nay, Haier – hãng điện tử Trung Quốc – đã gây ấn tượng với khách tham quan IFA bằng mẫu TV 22 inch ứng dụng công nghệ màn hình OLED trong suốt, cho phép nhìn xuyên thấu. Tuy nhiên, độ trong suốt của màn hình có thể điều chỉnh, khả năng nhìn xuyên thấu sẽ không còn nữa nếu màn hình tối đen. Haier cho biết sự trong suốt này cũng không ảnh hưởng tới khả năng trình diễn hình ảnh và tái tạo màu sắc của màn hình. Mẫu TV này sở hữu màn hình siêu mỏng với bộ khung viền nhôm sáng mạnh mẽ, độ phân giải 1680 x 1050 có thể trình diễn các hình ảnh khá sắc nét mặc dù chưa thật ấn tượng. Hiện mẫu sản phẩm này chưa có tên gọi chính thức và chúng mới là phiên bản demo trước khi đem vào sản xuất đại trà. Haier cũng chưa tiết lộ giá của sản phẩm. LG Pentouch – TV cảm ứng LG Pentouch - TV màn hình cảm ứng. Cùng với hai mẫu TV siêu mỏng ứng dụng công nghệ Nano Full LED, LG Pentouch hấp dẫn hơn bởi chính khả năng tương tác cảm ứng của mình. LG Pentouch là mẫu TV sử dụng công nghệ màn hình Plasma cảm ứng, cho phép truy nhập và tìm kiếm thông tin nhanh chóng bằng cách tương tác trực tiếp với màn hình thông qua bút tĩnh điện đồng bộ cỡ lớn. Màn hình phủ lớp chống xước cao cấp, hạn chế để lại tì vết trong quá trình sử dụng. Xuất hiện tại IFA với 3 model gồm 60PZ850, 60PV490 và 50PV4901 đều cho độ phân giải hình ảnh chuẩn Full HD 1080p nhưng duy nhất mẫu 60PZ850 hỗ trợ phát nội dung 3D. Cả 3 mẫu đều mang thiết kế khung viền siêu mỏng TruSlim và sở hữu tính năng thông minh như kết nối mạng, truy xuất tới các dữ liệu trực tuyến. LG Pentouch có thể được sử dụng như một chiếc bảng với bút cảm ứng là những viên phấn. Mẫu 60PZ850 hỗ trợ 3D có giá đắt nhất 46 triệu đồng (~2019$), 60PV490 là 35 triệu (~1699$) và rẻ nhất là 50PV4901 có giá 23 triệu đồng (~1099 $). Toshiba 55ZL2 – TV3D không kính cỡ lớn 55ZL2 trình diễn 3D trực tiếp dựa trên nhận diện khuôn mặt và góc nhìn để cho hình ảnh 3D tốt nhất. Toshiba được biết đến là nhà sản xuất TV3D không kính đầu tiên trên thế giới. Những sản phẩm đầu tiên đã được bán tại nội quốc từ năm ngoái nhưng đều ở kích cỡ nhỏ 19 và 22 inch. 55ZL2 là mẫu TV3D không kính cỡ lớn đầu tiên của hãng, được xuất xưởng với kích cỡ lên tới 55 inch. Sở hữu thiết kế thời trang với màn hình siêu mỏng, khung viền nhỏ, chân đế rộng hình vuông rỗng trong khá ấn tượng. Màn hình đạt độ phân giải 8 triệu điểm ảnh, cỡ 3840 x 2160p, cao gấp 4 lần Full HD đảm bảo trình diễn hình ảnh 3D sắc nét ở nhiều vị trí khác nhau. Nhờ tích hợp chíp xử lý ảnh Cevo độc quyền và tính năng nhận diện khuôn mặt bằng một camera đặt ở mép dưới màn hình nên 55ZL2 có thể điều chỉnh góc độ cho mỗi hình ảnh 3D chính xác, phù hợp từng vị trí người xem. Vì vậy 55ZL2 là mẫu TV3D trực tiếp có góc nhìn rộng, cung cấp hình ảnh 3D có chất lượng ổn định cho 9 vị trí ngồi khác nhau như khi dùng kính chuyên dụng màn trập động hay kính phân cực. Toshiba dự kiến bán 55ZL2 đầu tiên tại Nhật vào tháng 12 tới với giá 236 triệu đồng (~8000 Euro) Philips Cinema 21:9 3D – TV LED có tốc độ quét nhanh nhất Philips Cinema 21:9 3D phiên bản bạch kim có tốc độ quét 1200 Hz. Ảnh: philips IFA năm nay, Philips vẫn tiếp tục trình diễn dòng HDTV tỉ lệ 21:9 giống như màn hình ở các rạp chiếu phim. Tuy nhiên, những mẫu HDTV Cinema 21:9 mới được trang bị thêm khả năng phát nội dung 3D và xuất hiện với hai phiên bản màu vàng và bạch kim. Đây là mẫu TV 21:9 đầu tiên được Philips trang bị khả năng phát 3D và tính năng chuyển đổi nội dung từ 2D sang 3D. Philips Cinema 21:9 3D sở hữu màn hình LED 58 inch đạt độ phân giải Full HD kèm tính năng kiểm soát tối mờ cục bộ đảm bảo độ tương phản cao 150.000.000:1 khiến chất lượng hình ảnh thật hơn. Riêng phiên bản Cinema 21:9 3D màu bạch kim có tốc độ quét hình cao 1200 Hz với thời gian đáp ứng chỉ 0,5 mns nên được coi là màn hình LED sở hữu tốc độ quét nhanh nhất thế giới hiện nay, cho phép chuyển động mượt mà tất cả mọi loại hình ảnh. Còn phiên bản vàng thấp hơn, ở mức trung bình 400 Hz. Cả hai mẫu đều được trang bị công nghệ xử lý điểm ảnh đạt chuẩn HD (Perfect Pixel HD Engine) có thể xử lý khoảng 2 tỷ điểm ảnh mỗi giây theo chuẩn HD để trình diễn những hình ảnh sắc nét. Công nghệ Ambilight Spectra cũng được ứng dụng nhằm tạo hiệu ứng rộng hơn cho mỗi màn hình. Ánh sáng ở khung viền sẽ tự động phát sáng và điều chỉnh tùy thuộc vào sắc màu lẫn độ sáng của hình ảnh đang chiếu trên màn hình. Philips Cinema 21:9 3D cũng có khả năng kết nối mạng cho phép truy cập đến các nội dung trực tuyến hấp dẫn, có thể vừa xem truyền hình internet, vừa xem truyền hình TV và vừa cập nhật kết quả thể thao cùng lúc trên một màn hình nhờ tính năng Multiview. Giá của mẫu TV này vẫn được giữ kín nhưng dự kiến Philips sẽ tung ra thị trường vào cuối năm nay. Sharp LC-70X5 – màn hình siêu sáng Sharp LC-70X5 sở hữu màn hình siêu sáng công nghệ Mega Bright. Ảnh: Sharp Bên cạnh các mẫu TV nổi bật như màn hình LED cỡ 85 inch siêu phân giải với 33 triệu điểm ảnh hay bộ các TV không dây di động, Sharp còn trình diễn mẫu TV LC-70X5 sở hữu màn hình siêu sáng. LC-70X5 là mẫu TV3D màn hình LED cỡ 70 inch thuộc dòng X5 của Sharp. Model này có màn hình đạt độ tương phản trung bình 15.000.000:1, hỗ trợ tốc độ quét 240hz với khả năng trình diễn hình ảnh Full HD ngay cả ở chế độ 3D. Công nghệ xử lý ảnh Quattron bổ sung thêm màu vảng vào dải màu RBG khiến việc tái tạo các màu sắc của mỗi hình ảnh trông thật hơn. Ngoài ra LC-70X5 còn được bổ sung công nghệ Mega Bright siêu sáng cho hình ảnh sáng rõ gấp đôi các model thế hệ trước. Hệ thống loa 2.1 tích hợp loa siêu trầm công suất 15W cho âm thanh chuẩn và không vị rè khi ở mức âm lượng lớn. Các kết nối có thể sử dụng qua cổng HDMI, USB, DLNA, kết nối mạng tới nhiều dịch vụ trực tuyến nhờ WiFi hoặc mạng Lan. Trong đó, cổng USB cho phép ghi lại các chương trình yêu thích với ổ cứng ngoài. LC-70X5 đạt chứng nhận trình chiếu phim ảnh THX 3D, được bán với giá 220 triệu đồng (~800.000 Yên) Mitsubishi L75-A94 - công nghệ DLP chiếu hậu bằng chùm tia laser Mitsubishi L75_A94 cho tối đa 1024 cấp độ màu khác nhau trên mỗi điểm ảnh. Ảnh: mitsubishi Đây là mẫu TV3D thông minh của Mitsubishi sử dụng công nghệ đèn chiếu hậu DLP với các chùm tia chiếu sáng laser. Công nghệ DLP với chùm tia sáng laser có thể cho những điểm ảnh tối đa 1024 cấp độ màu ghi khác nhau. Mỗi chip DLP đơn lẻ có thể tạo ra 16.7 triệu màu khác nhau nên màu sắc của L75-A94 trung thực, sống động hơn với sự chuyển đổi các trạng thái màu sắc hoàn hảo. L75-A94 sở hữu màn hình 75 inch với khả năng phát 3D công nghệ màn trập động sử dụngt ần số sóng hồng ngoại IR đang rất thịnh hành hiện nay. Tốc độ quét hình 120Hz, độ phân giải Full HD cùng tính năng Clear Contrast Screen sẽ cho hình ảnh với độ tương phản đen sâu và sáng rõ ở mọi kích thước màn hình mà không gây cảm giác chói mắt. Các tính năng thông minh cho phép L75-A94 truy cập mạng WiFi hoặc Lan tới các ứng dụng trực tuyến như phim ảnh, lướt web,…và sử dụng tương thích với một số thiết bị chạy hệ điều hành iOS thay thế remote. Mitsubishi L75-A94 có giá khoảng 125 triệu đồng (~3675 bảng Anh) Theo : dientutieudung
Đúng là đến với triển lãm công nghệ có khác. Hãng nào cũng giới thiệu toàn sản phẩm đỉnh cao nhất của mình hết