Nếu ưa gọn nhẹ mà vẫn muốn thử nghiệm các tính năng chỉnh tay tiên tiến thì đây là những máy ảnh sáng giá nhất cho những người yêu nhiếp ảnh. Mặc dù DSLR sẽ là sự lựa chọn tối ưu với những người yêu thích nhiếp ảnh muốn nâng cấp sau một thời gian thực hành bằng máy compact bởi nó cho phép người chụp có thể can thiệp tối đa mọi thông số chỉnh sáng. Tuy nhiên, DSLR vẫn luôn có nhược điểm cố hữu là cồng kềnh, vì thế, những máy ảnh tự động nhưng có đầy đủ các thông số chỉnh tay là là những "bước đệm" sáng giá. Các máy ảnh này dù tự động nhưng cũng không hề rẻ, bởi lẽ nó là những máy ảnh khá chất lượng. Tạp chí Photo Radar đã đưa ra 10 máy ảnh nhỏ gọn nhưng chất lượng, đủ để thõa mãn nhu cầu mày mò cho những người yêu thích nhiếp ảnh nhưng vẫn ngần ngừ chưa muốn lên DSLR. Canon PowerShot S90 Canon PowerShot S90 tính năng không khác thế hệ G của hãng. Ảnh: Digital Photography School. PowerShot S90 là phiên bản hoài cổ dòng S một thời của Canon ra đời ngay sau G11. Mặc dù nhìn hình dáng bên ngoài rõ ràng là một dạng máy ảnh du lịch bỏ túi, nhưng S90 có những tính năng đáng nể không kém gì thế hệ G của hãng. Máy sở hữu cảm biến 10 triệu điểm ảnh tương tự như trên G11, ống kính dù dải zoom ngắn hơn nhưng độ mở lại lớn hơn, tới f/2.0. Màn hình dù không xoay được nhưng cũng khá rộng, tới 3 inch và độ phân giải lên tới 460.000 điểm ảnh. Điểm nổi bật của S90 ở chỗ, bên cạnh các tính năng tự động tối ưu, nó còn cho phép người chỉnh tùy ý chỉnh tay mọi thông số phơi sáng. Canon PowerShot G11 Canon PowerShot G11 có đủ mọi thứ mà máy ảnh cần có. Ảnh: Youtemplates. Về thông số, có thể nói G11 có đầy đủ mọi thứ mà một máy ảnh cần có. Không quá to nhưng vẫn rất chắc chắn với lớp vỏ bằng kim loại và tay cầm sinh thái học. Ống zoom đủ lớn với dải 5x (28 – 140mm), ống đủ rộng, hỗ trợ đầy đủ các tính năng điều chỉnh tay, hỗ trợ ảnh RAW… Nếu chỉ muốn thực hành các tính năng của DSLR mà vẫn muốn gọn nhẹ thì G11 chính là phiên bản hợp lý nhất. Đây cũng chính là phiên bản đánh dấu việc Canon ngừng cuộc đua số chấm để tập trung hơn vào khả năng cải thiện chất lượng ảnh của cảm biến. Đó là lý do mà G10 dù cảm biến vẫn lớn nhưng số điểm ảnh chỉ còn 10 triệu điểm so với 14 triệu điểm của bản trước đó. Fujifilm FinePix F200EXR Fujifilm FinePix F200EXR công nghệ cảm biến EXR. Ảnh: iPhoneunleashed. Fujifilm vốn vẫn được biết đến như một hãng không ngừng nghỉ cải tiến cảm biến liên tục để tạo dựng một thương hiệu gắn liền với chất lượng ảnh. Phiên bản FinePix F200EXR là một ví dụ cụ thể nhất với ứng dụng công nghệ cảm biến mới EXR. Cảm biến này có thể dùng để chụp ở độ phân giải thường 12 triệu điểm ảnh hoặc có thể giảm xuống chỉ chụp 6 triệu điểm để cải thiện ISO và độ tương phản động. Thực tế, kiểu chụp kết hợp này khá hiệu quả, các bức ảnh chụp với chế độ cải tiến 6 triệu điểm ảnh có chất lượng rất xuất sắc, trong khi vẫn hoàn toàn đủ điểm ảnh để phóng lớn. Mặc dù sau này Fujifilm cũng ứng dụng công nghệ EXR trên những máy du lịch có cảm biến nhỏ hơn nhưng tính về chất lượng vẫn không qua mặt được phiên bản đầu tiên này. Đó cũng chính là lý do mà F200EXR liên tục đứng vững trong bảng xếp hạng các máy ảnh bán chạy nhất của tạp chí Cnet. Leica X1 Leica X1 không dùng các ống kiểu cơ chỉnh tay. Ảnh: Joenelumal. Khó có gì phải phàn nàn về phiên bản X1 ngoại trừ cái giá khủng đúng kiểu Leica, xa rời tầm với của phần lớn những người yêu thích nhiếp ảnh. Dù nhỏ bé như máy du lịch nhưng X1 sử dụng cảm biến cỡ lớn APS-C như trên các máy DSLR, số điểm ảnh 12 triệu điểm đủ đảm bảo chất lượng không thua kém gì một máy ảnh chuyên nghiệp thực thụ. Chỉ có điều, phiên bản này không dùng các ống kiểu cơ chỉnh tay đặc trưng mà lại chuyển sang dùng ống điện tử. Ống kiểu này vốn chủ yếu thiết kế cho việc tự động lấy nét hơn là tinh chỉnh chính xác bằng tay, dù rằng bạn vẫn chỉnh nét tay được thông qua màn LCD. Nikon CoolPix P6000 Nikon CoolPix P6000 cạnh tranh trực tiếp với G11 của Canon. Ảnh: Techarena. P6000 là phiên bản cao cấp nhất trong dòng máy ảnh bỏ túi, có thể cạnh tranh với G11 của đối thủ truyền kiếp Canon. Phiên bản này cũng có đầy đủ chế độ điều chỉnh phơi sáng PASM, hỗ trợ ảnh RAW, cảm biến 13,5 triệu điểm ảnh, zoom quang 4x với góc rộng 28mm. Ưu điểm sáng giá nhất của phiên bản này là tích hợp hệ thống định vị toàn cầu GPS, cho phép đánh dấu vùng địa lý của ảnh đã chụp. Panasonic Lumix LX3 Panasonic Lumix LX3 ống kính chỉnh 24 - 60 mm. Ảnh: Digitalcamerareview. Không phải là một hãng nổi tiếng về nhiếp ảnh, vậy mà phiên bản LX3 của Panasonic đã trở thành một cơn sốt với số lần đứng đầu danh sách máy ảnh bán chạy cả năm trời. Được thiết kế rất nhỏ gọn, ống kính chỉ 24 – 60mm nhưng được đảm bảo với tên tuổi Leica về chất lượng quang học. Chất lượng ảnh xuất sắc một cách khá ngạc nhiên khi LX3 dễ dàng đánh bại nhiều phiên bản cùng cấp, kể cả đến từ các hãng danh tiếng lâu đời về nhiếp ảnh như Canon và Nikon. Ricoh GR Digital III Ricoh GR Digital III thân hình nhỏ gọn. Ảnh: Dcresource. Có thể ở thị trường Việt Nam tên tuổi máy ảnh của Ricoh không mấy được biết đến nhưng nếu được sở hữu một phiên bản kiểu như GR Digital III, chắc hẳn những người yêu thích nhiếp ảnh cũng sẽ không phải phàn nàn gì. Với thân hình nhỏ gọn nhưng GR Digital hỗ trợ đầy đủ các chế độ chỉnh tay như trên DSLR đến mức nhiều người còn ngạc nhiên, không biết hãng này làm sao có thể nhồi nhét nhiều chế độ trong một vỏ ngoài gọn gẽ đến vậy. Kế thừa từ dòng máy phim GR 28mm, chất lượng ảnh của bản GR Digital III không có gì phải than phiền, thuộc hàng tốt nhất trong số các máy ảnh cảm biến kích cỡ 1/1.7-inch. Ricoh GXR Ricoh GXR có các thành phần có thể tháo rời (bên phải), so dáng với Panasonic GF1. Ảnh: Photographyblog. Phiên bản GXR là một cải tiến vượt bậc của Ricoh khi hãng này lần đầu tiên đưa ra khái niệm thay thế không chỉ ống kính mà còn cả cảm biến. Với mô-đun cảm biến và ống kính 24 – 70mm, GXR cũng chỉ nhỏ cỡ như Canon G11, các hệ thống kết nối rất chắc chắn, người dùng không có cảm giác máy ảnh vốn làm từ hai phần để gắn vào nhau. Hiện thời hãng này giới thiệu hai mô-đun, nếu người dùng muốn zoom sẽ chọn ống 24 – 70mm với cảm biến 1/1,7 inch thông thường, còn muốn cảm biến lớn APS-C thì ống lúc này sẽ là prime 50mm. Với thiết kế chuyên dụng nhằm đạt được sự hỗ trợ tối đa ống kính và cảm biến, chất lượng ảnh của cả hai mô-đun này không hề thua kém bất cứ một máy ảnh tiên tiến nào. Samsung EX1 Samsung EX1 hứa hẹn đánh dấu tiếng vang. Ảnh: Cnet. Các sản phẩm điện tử của Samsung đã dần trở nên có tiếng trên thị trường, vì thế cũng không ai dám coi thường tham vọng của hãng này về một chất lượng máy ảnh tương đương. Phiên bản EX1 cũng vậy. Đây là một bước tiến mới nhằm cạnh tranh trực tiếp với hai phiên bản đầu bảng trong dòng này là G11 của Canon và LX3 của Panasonic. Mặc dù chưa xuất hiện trên thị trường nhưng thông số cũng như thiết kế của EX1 hứa hẹn sẽ đánh dấu một tiếng vang mới. Thiết kế với hai vòng điều chỉnh hỗ trợ đầy đủ chỉnh tay như trên DSLR, ống kính 3x 24 – 72mm với độ mở rộng tới f/1,8 và cũng chỉ f/2,2 ở dải tele, chất lượng ảnh trong điều kiện thiếu sáng vì thế mà cũng hứa hẹn sẽ có nhiều cải tiến. Thêm một thế mạnh nữa chính là công nghệ màn hình siêu sáng AMOLED cũng đã được hãng này trang bị cho phiên bản EX1 với độ tương phản lớn hơn, độ bão hòa màu rộng hơn và góc nhìn được cải thiện hơn nhiều. Nguyễn Hà