Nokia và "bài học đau thương" mang tên nước Mỹ Lần đầu tiên trong lịch sử, các hãng sản xuất điện thoại di động xuất xưởng được hơn 1 tỷ sản phẩm, nhờ vào một mùa kinh doanh Giáng sinh đặc biệt sôi động và phát đạt. Theo bản báo cáo mới nhất của hãng nghiên cứu IDC, lượng tiêu thụ của điện thoại trong hai tháng 11 - 12 vừa qua đã tăng gần 20%, đạt mức kỷ lục 295 triệu máy. Ăn nên làm ra Nguồn: AFP Cả hai gã khổng lồ dẫn đầu thị trường hiện nay là Nokia và Motorola đều tăng trưởng mạnh mẽ về thị phần, tuy nhiên, Motorola có vẻ "nhỉnh hơn" đôi chút. Bằng cớ là hãng này đã thu hẹp được phần nào khoảng cách với Nokia. Mặc dù vậy, lợi nhuận của cả hai đều giảm trước sức ép của cuộc chiến hạ giá. "Hoạt động kinh doanh sôi động trong quý IV đã đẩy doanh số tiêu thụ cả năm lên 1,02 tỷ máy, tăng tới 22,5% so với tổng doanh số 833 triệu của năm 2005", IDC cho biết. Cũng theo IDC, các thị trường mới nổi đóng vai trò quan trọng trong chiều tăng trưởng mạnh mẽ này, khi họ chiếm tới hơn một nửa số điện thoại bán được. "Chúng tôi tin rằng xu hướng này sẽ còn tiếp tục, bởi các thị trường phát triển đã đạt tới ngưỡng bão hòa. Trong khi ấy, các nước đang phát triển, với tỷ lệ phổ cập điện thoại thấp hơn, sẽ là cơ hội làm ăn chính của các hãng", chuyên gia Ramon Llamas của IDC dự đoán. Thêm nữa, "ĐTDĐ vừa là công cụ thiết thực trong cuộc sống, vừa được coi là biểu tượng địa vị ở nhiều nơi". Cả làng đều tăng Trong tốp doanh nghiệp ĐTDĐ đứng đầu, Nokia xuất xưởng được tổng cộng 105,5 triệu máy trong quý IV, tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị phần của hãng được nới rộng thành 35,8%. Tuy nhiên, những mẫu điện thoại giá rẻ chiếm tỷ lệ áp đảo trong doanh số xuất xưởng, vì thế, trên thực tế, lợi nhuận vào túi gã khổng lồ Phần Lan lại ít hơn so với năm 2005. Nguồn: AFP Tương tự như Nokia, Motorola xuất xưởng được 65,7 triệu máy, tăng tới 47% so với quý IV/2005. Nhờ đó, thị phần của hãng cũng được cải thiện, từ 18,1% hồi năm ngoái lên 22,3%. Sản lượng tiêu thụ của Samsung Electronics, hãng đứng thứ ba thế giới hiện nay, cũng tăng 17,6% lên 32 triệu máy. Tuy nhiên, thị phần của hãng gần như không có sự thay đổi, khi vẫn chòm chèm 11%. Chỉ có duy nhất một sự đổi ngôi diễn ra trong Top 5, khi Sony Ericsson qua mặt LG Electronics để giật lấy vị trí số 4. Doanh số tiêu thụ của hãng này trong năm 2006 đã tăng vọt tới... 61,5%, đạt mức 16,1 triệu máy và chiếm 8,8% thị phần. Trong khi ấy, LG Electronics đành ngậm ngùi tụt hạng khi sản lượng xuất xưởng chỉ tăng vẻn vẹn 5% lên 17 triệu máy và thị phần trượt xuống còn 5,8%. Mất lòng dân Mỹ Mặc dù tăng trưởng đột phá và vẫn duy trì được ngai vàng danh giá trên thị trường, song Nokia lại mắc phải một điểm yếu rất đáng lo ngại: Họ kinh doanh rất èo uột tại Bắc Mỹ. Doanh số tiêu thụ của Nokia trong quý IV/2006 đã giảm xuống chỉ còn 5,9 triệu máy so với mức 9.8 triệu của cùng kỳ năm trước. Nguyên do chủ yếu là vì nhiều sản phẩm không "bắt trúng gout" của dân Mỹ, không được đón nhận rộng rãi và số lượng model CDMA vẫn còn quá ít. Motorola tuy chỉ đứng thứ 2 trên phạm vi toàn cầu, nhưng tại Mỹ, hãng này chính là "Ông vua độc tôn". Nguồn: AP Phía Nokia không đưa ra lời giải thích, nhưng quả thật, hãng đã phải rất trầy trật mới đưa được những mẫu điện thoại cao cấp như N75 và N80 vào trong mạng lưới của Cingular, mặc dù tại các khu vực khác trên thế giới, chúng bán chẳng ngớt tay. Tệ hơn nữa, bước sang năm 2007, Nokia gần như bỏ rơi thị trường CDMA của các mạng Sprint, Alltel, Telus và Verizon. Hãng chọn sản phẩm của một đối tác Hàn Quốc và gắn lại thương hiệu Nokia lên đó mà thôi. Trên thực tế, hãng điện thoại số 1 toàn cầu này chỉ chiếm vị trí rất khiêm tốn (No 4) tại Mỹ trong quý III/2006, theo số liệu thống kê từ Strategy Analytics. Và có vẻ như càng ngày, vị trí của Nokia càng tuột dốc. Với vẻn vẹn 13,4% thị phần, Nokia thua xa Samsung (16,2%), LG (17,1%) chứ đừng nói là đại kình địch Motorola (36,1%). Tư duy toàn cầu Giới phân tích nhận định rằng Bắc Mỹ giống như một hành tinh riêng, với những quy luật thị trường khác hẳn với các khu vực còn lại. LG, hãng đứng thứ hai tại Bắc Mỹ lại có một năm không lấy gì làm thành công trên phạm vi toàn cầu, còn Sony Ericsson thì thậm chí còn chẳng lọt vào được đến Top 5 Bắc Mỹ khi chỉ kiểm soát 2,8% thị phần. Người ta cho rằng thị trường Mỹ là một miếng bánh khó nhằn, nhất là với những gã khổng lồ châu Âu như Nokia và Sony Ericsson. Tại châu Âu, bạn có thể sản xuất ra một mẫu điện thoại và bán nó cho cùng lúc nhiều mạng di động khác nhau, đôi khi là trên phạm vi quốc tế. Tuy nhiên, các mạng di động của Mỹ luôn đòi hỏi những sản phẩm "thiết kế riêng", mang tính độc quyền cao. Bài học của Nokia tại Bắc Mỹ cho thấy, khi nói đến điện thoại di động, đôi khi nhà sản xuất không thể "tư duy toàn cầu", nếu như muốn làm ăn ra trò tại xứ sở Chú Sam. vietnamnnet