Kể từ khi các nhà mạng tung ra các gói cước ưu đãi cho HS-SV, nhiều người đã cố tình “núp bóng” để được sở hữu những gói cước ưu đãi... Ông “núp bóng” cháu “Lấy máy tôi mà gọi. Cước cho học sinh, rẻ lắm!”. Nghe một bác tuổi chừng ngoài 60 đang “ga lăng” với ông bạn ở ngay bàn cà phê kế bên, tôi ngạc nhiên. Quay sang bắt chuyện, bác không giấu: “Tôi nhờ đứa cháu đang học lớp 8 đăng ký hộ ấy mà!”. Ra thế, nhờ đăng ký hộ mà một bác tuổi ngoài lục tuần cũng có thể ung dung sở hữu gói cước ưu đãi của Vinaphone như một học sinh “xì tin” thứ thiệt. Tại sao lại dễ dàng như vậy? Rất đơn giản, trong khi các gói cước cho sinh viên, học sinh quá hấp dẫn thì muốn sở hữu chúng lại không khó. Qua tìm hiểu của phóng viên Báo BĐVN, kể từ tháng 8/2009, khi các mạng viễn thông di động trong nước như Viettel, Vinaphone, Mobifone... tung ra hàng loạt gói cước ưu đãi nhắm đến đối tượng học sinh, sinh viên thì tính đến thời điểm hiện nay, hiện tượng người dân dù chẳng phải là sinh viên hay học sinh cũng “sôi sục” để có thể sở hữu bằng được gói cước ưu đãi rất lớn. Tại Hà Nội - nơi tập trung đông đảo trường đại học, cao đẳng - đi đến đâu cũng dễ dàng nghe người ta kháo nhau: “Dùng gói cước sinh viên cho rẻ!”. Chị Hà – chủ một nhà trọ tại ngõ 224 phố Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: Chỉ vài ngày sau khi Mobifone tung ra Q-Student, cả khu nhà trọ hơn 10 người gia đình chị đang quản lý bỗng chốc đồng loạt đăng ký sử dụng. Đáng nói, chỉ có 4 người trong số họ là sinh viên, còn lại tất thảy đều nhờ sinh viên “xắn tay” đăng ký giúp. Chưa hết, không dừng lại ở chuyện “làm phúc”, nhiều sinh viên còn tranh thủ lợi thế “tôi là sinh viên” để kiếm được vài trăm nghìn đồng kể từ khi các nhà mạng tung cước ưu đãi. Nguyễn Tiến Hưng – cậu sinh viên năm thứ 2 đang theo học trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội) cho biết rất nhiều sinh viên như cậu đang đổ xô đi đăng ký gói cước ưu đãi của các nhà mạng. Tuy nhiên, người dùng nhiều cùng lắm cũng chỉ đến cái mức hai sim cho đủ bộ “hai tay hai súng”, thế nên với ưu đãi từ 3 – 4 nhà mạng, cậu đã nhanh chóng sử dụng vào mục đích đăng ký giúp người thân hoặc bán lại với giá rẻ cho bất cứ ai có nhu cầu. Tái diễn nguy cơ thuê bao ảo Hỗ trợ đối tượng sinh viên, học sinh thường sở hữu túi tiền “khiêm tốn”, ngay trước thềm năm học 2009 – 2010, các nhà mạng di động trong nước đã ồ ạt tung ra các chương trình khuyến mãi hấp dẫn chưa từng có với giá giảm vài trăm đồng cho mỗi tin nhắn, cuộc gọi so với giá cước thông thường và lại được cộng tiền đều đặn hàng tháng trong tài khoản. Như với Viettel, nhân viên của nhà mạng này đến tận các trường đại học hướng dẫn “tân sinh viên” photo chứng minh thư và giấy gọi trúng tuyển đại học để nhanh chóng được nhận bộ sim “Tôi là sinh viên” với gói cước ưu đãi: Gọi 1390 đồng/phút gọi nội mạng, 1590 đồng/phút ngoại mạng, 100 đồng/SMS nội mạng và ngoại mạng là 250 đồng, miễn phí sử dụng dịch vụ truy cập GPRS/EDEG gói D25, hàng tháng còn được tặng 25.000 đồng cho tới khi ra trường. Tương tự, Vinaphone cũng nhộn nhịp với “Talk- Student” và “Talk-Teen” (dùng Talk-Student, ngoài chuyện sẽ có ngay 50.000 đồng trong tài khoản thì mỗi tháng còn được tặng 50.000 đồng, nhắn SMS chỉ tốn 99 đồng/tin; còn Talk-Teen dành cho khách hàng từ 12-17 tuổi, được tặng 30.000 đồng/tháng, miễn phí 25 tin MMS nội mạng/tháng, 100 đồng/SMS nội mạng và ngoại mạng là 250 đồng). Còn Mobifone cũng tưng bừng khởi động “Q-Student” khi tặng 25.000 đồng/tháng trong suốt thời gian chủ thuê bao là sinh viên, hưởng 1380 đồng/phút nội mạng, 1580 đồng/phút liên mạng, cước SMS nội mạng là 99 đồng và liên mạng là 250 đồng/tin nhắn. Có thể nói, trước qui định mới của Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương (theo nội dung văn bản ngày 7/9/2009) “tuýt còi” các doanh nghiệp viễn thông di động không được khuyến mãi vượt quá 50% giá trị thẻ nạp cho thuê bao di động trả trước, khiến các chủ thuê bao trả trước bỗng dưng rơi vào trạng thái hụt hẫng, thì sự kiện những gói cước ưu đãi kể trên dành cho đối tượng trong độ tuổi “cắp sách” liên tiếp xuất hiện đã thực sự trở thành niềm hi vọng mới cho họ. Khấp khởi vui mừng cho rằng đây thực sự là chiếc “phao cứu hộ”, người ta đổ xô đi nhờ con cháu, chỗ quen biết hoặc sẵn sàng bỏ tiền mua lại đăng ký. Tình trạng này khiến cho bất cứ ai từ một bác nông dân, anh công nhân, chị hàng cá, hàng tôm ngoài chợ... cũng dễ dàng “núp bóng” dưới tên là Mơ - sinh viên năm thứ nhất đại học X, hoặc Hoa - sinh viên năm thứ 3 trường đại học Y nào đó. Các nhà mạng đang chạy đua khuyến mãi dành cho học sinh, sinh viên - câu chuyện này thêm một lần khiến người ta lo ngại về nguy cơ gia tăng thuê bao không chính chủ và tình trạng “rác sim”, gây khó khăn cho công tác quản lý của các nhà mạng và lại tái diễn tương tự tình trạng đại lý bán sim đứng tên một người để đăng ký cho nhiều thuê bao đang làm “đau đầu” các mạng viễn thông di động. theo ictnews.vn