Ông “alô” khuyến mãi và trào lưu chơi… sim Hai tay hai điện thoại không còn là chuyện lạ trong trào lưu sưu tầm sim. Liên lạc mãi mà chỉ được nhận thông báo: “Ò í e.. Thuê bao quý khách vừa gọi hiện không liên lạc được. Xin quý khách vui lòng gọi lại sau…”. Chị Thuý Hà ngụ quận 10 (TPHCM) lo lắng và chạy sang nhà trọ của cô em gái mới được biết lý do… vừa đổi sim. Chị Thuý Hà rất bực bội khi em gái đổi số mà chẳng thông báo lấy một câu lại còn “hí ha hí hửng” nói về khuyến mãi đồng thời “tư vấn” chị mua thêm điện thoại di động (ĐTDĐ) để dùng 2 sim. Cũng khổ sở không kém là trường hợp của anh Trương Thành Nhân, trưởng một nhóm điều tra nghiên cứu thị trường, không thể liên lạc được hoặc lúc được lúc không bởi các nhân viên làm việc bán thời gian của anh dùng quá nhiều sim điện thoại. Trào lưu đổi sim Sau mỗi lần các mạng di động tổ chức khuyến mãi, đặc biệt dành cho thuê bao trả trước thì số sim mà Trần Ngọc Long, đang học năm thứ 2 ngành Quản trị kinh doanh ở một trường cao đẳng tại TPHCM, tích luỹ được cũng tăng dần. Dù chỉ dùng điện thoại chưa đến 1 năm nhưng Long đã có hơn 10 sim của đủ các nhà cung cấp từ VinaPhone, MobiFone, Viettel cho đến S-Fone. Nhà “sưu tập” sim số trẻ này tiết lộ: “Thật ra dùng nhiều số thế này là để tiết kiệm cước phí, chứ em còn đi học đâu có nhiều tiền để đổi sim liên tục. Nói mua sim nhưng thực chất là được tặng, còn được miễn phí thêm giờ gọi, nhắn tin lẫn thời gian nghe cũng lâu hơn”. Còn chị Ngô Thị Thanh Vân, làm việc tại khách sạn Equatorial, từng sử dụng 2 sim Viettel, cho biết: “Chỉ cần mang chứng minh nhân dân đến là nhận được sim miễn phí, kèm theo 6 tháng thuê bao không trả tiền. Đó là sim… “chùa”, nhà cung cấp khuyến mãi, mình có đủ điều kiện sao lại không nhận”. Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Ngọc Thảo, chủ một tiệm uốn tóc tại quận 4 (TPHCM), cho biết: “Do cửa hàng mới khai trương, nhu cầu gọi điện thoại rất nhiều nên tôi phải mua thêm sim để hưởng khuyến mãi tặng gấp đôi số tiền nạp vào tài khoản. Chỉ khi nào cần gọi tôi dùng sim mới, còn bình thường thì giữ sim cũ làm ăn”. Thông thường, một chương trình khuyến mãi kéo dài khoảng 2 tháng. Và hầu như các nhà cung cấp mạng di động liên tục đua nhau tung ra những chương trình hấp dẫn “gọi nhiều hơn, nghe nhiều hơn, cước phí rẻ hơn” quanh năm suốt tháng chứ không chỉ trong các dịp lễ hội. Gần đây nhất, kể từ đầu tháng 12 khi nhà cung cấp mạng MobiFone thông báo chương trình sở hữu Super Sim mơ ước. Khách hàng chỉ cần mua bộ MobiCard 75.000 đồng sẽ có ngay một Super Sim với tài khoản 150.000 đồng và 105 ngày sử dụng. Ngoài ra thuê bao mới này sẽ còn tiếp tục được tặng 100% giá trị thẻ nạp khi nạp thẻ 2, 3, 4 trước lúc khoá 2 chiều vào trước 31/12/2007. Do chương trình được thực hiện đến hết ngày 15/1 nên lắm người sử dụng “chơi” luôn cùng lúc 2, 3 sim để dành dùng từ từ. Giới kinh doanh sim cho rằng thị trường này có sôi động hay không phần lớn lệ thuộc vào các chương trình khuyến mãi của nhà cung cấp mạng. Ông Huỳnh Anh Huy, phụ trách sim số tại siêu thị điện thoại di động www.thegioididong.com cho biết: “Khuyến mãi càng lớn thì lượng sim bán ra càng tăng, đến hết chương trình thì việc tiêu thụ có chiều hướng chững lại. Đó gần như là tất yếu. Phần đông đối tượng mua sim là thuê bao mới. Tuy nhiên vào mùa khuyến mãi thì thuê bao cũ cũng “sưu tập” sim”. Cũng theo ông Huy thì trung bình mỗi tháng siêu thị này tiêu thụ khoảng 4.000-5.000 sim. Còn vào thời điểm các “ông alô” ồ ạt khuyến mãi thì lượng bán ra tăng thêm khoảng 25-30%. Trong đó 80% người mua chọn số có giá dưới 250.000 đồng và 75-80% chọn thuê bao trả trước. Thị trường ĐTDĐ giá rẻ lẫn dịch vụ ghép sim “ăn nên làm ra” Thị trường sim sôi động đã góp phần kích thích sự tăng trưởng của thị trường ĐTDĐ giá rẻ lẫn “dế” cũ. Chỉ tính riêng tại hệ thống siêu thị www.thegioididong.com thì điện thoại chính hãng dòng phổ thông dưới 1,5 triệu đồng bán ra trong tháng 12 đã chiếm đến 44%. Trong khi đó, thị trường điện thoại cũ cũng rất nhộn nhịp. Ông Năm Thành, chủ một cửa hàng kinh doanh điện thoại cũ tại chợ Cầu Muối, quận 1 (TPHCM) tiết lộ: “Lượng hàng bán ra rất nhanh đã khiến chúng tôi phải thường xuyên huy động hàng ở nơi khác sang. Một phần do điện thoại đang là nhu cầu thiết yếu của không chỉ giới bình dân mà ngay cả người lao động nghèo cũng cần đến. Đặc biệt, cước phí được khuyến mãi rất hấp dẫn là cơ hội tốt không chỉ với các thuê bao mới”. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện mua thêm máy để dùng thêm sim. Trong khi đó, nếu phải tháo pin ra và lắp đặt sim thay đổi liên tục lại bất tiện, mất nhiều thời gian. Chính vì thế dịch vụ ghép sim cũng trở nên đắt khách. Anh Tùng, một thợ ghép sim tại cửa hàng trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 (TPHCM) khoe: “Mỗi ngày chúng tôi ghép sim cho khoảng 8-10 khách, với chi phí 100.000 đồng cho một lần ghép. Con số này tăng đáng kể so với trước đây”. Những hệ luỵ… Thông qua các chương trình khuyến mãi, người sử dụng dịch vụ được lợi rất nhiều, từ miễn giảm cước sử dụng cho đến phí thuê bao, nhắn tin… Tuy nhiên việc chạy đua khuyến mãi giữa các nhà cung cấp đã dẫn đến thực trạng “sưu tập” sim số để hưởng lợi tạm thời và dễ dàng rời bỏ mạng khi chương trình kết thúc. Trong khi số thuê bao ảo không ngừng tăng lên thì chất lượng dịch vụ đặc biệt giữa các mạng khác nhau lại liên tục bị phàn nàn bởi tình trạng chập chờn, không thể gửi tin nhắn và nghẽn mạng. Ngoài ra, tình trạng ò í e do các thuê bao thay đổi sim liên tục cũng gây không ít phiền toái cho người gọi. Với những khuyến mãi dành cho thuê bao trả trước thì việc rời mạng rất dễ dàng, trong khi hậu khuyến mãi với thuê bao trả sau thường chẳng ngọt ngào bởi các nhân viên đại lý phải giải quyết quá nhiều hợp đồng chuyển đổi gói cước. “Tôi đến cửa hàng 1 thì không có chuyển đổi dịch vụ. Cửa hàng 2 thì được nhân viên đại lý hẹn giải quyết trong… 10 ngày với 3 lần lên xuống để cắt chiều gọi đi, gọi lại và cắt hợp đồng. Cửa hàng thứ 3 hẹn 5 ngày. Cửa hàng 4 giảm còn 1 ngày nhưng số tiền thuê bao phải trả cho 2 sim hoà mạng cùng lúc lại không bằng nhau dù cả 2 được nhận khuyến mãi như nhau”, một thuê bao bức xúc kể lại. “Do không có nhu cầu dùng nữa mà giải quyết chậm phải trả tiền thuê bao nên tôi đành phải ấm ức với cách phục vụ của nhà cung cấp mạng”. (dantri.com.vn)