PowerColor là một thương hiệu thân thiết với AMD, thường cho ra lò những sản phẩm độc đáo, lạ mắt, chất lượng tốt và hợp thị hiếu người dùng. Tuy nhiên những năm vừa qua hãng chưa gặt hái được thành công tại Việt Nam vì chưa tìm được nhà phân phối chuyên tâm. Tháng 3 vừa qua, quyền phân phối PowerColor đã về tay Đạt Khang - đơn vị đang thành công với Zotac. Trong khi chờ AMD ra mắt lứa VGA tiếp theo vào quý II và quý III này, số mã sản phẩm được nhập về vẫn còn hạn chế, nhưng không vì thế mà kém hấp dẫn. Hôm nay, GenK xin giới thiệu đến độc giả chiếc PowerColor R7 250 - card đồ họa bá đạo ở tầm giá dưới 2 triệu đồng có thể chiến max setting Dota 2 và LoL với khung hình lý tưởng. Sản phẩm có giá bán lẻ là 1.750.000 VNĐ. PowerColor R7 250 Ngay từ phần đóng gói sản phẩm, PowerColor R7 250 đã gây được thiện cảm cho tôi. Vỏ hộp của họ làm đẹp, cầm nặng tay và rất chắc chắn. Card và phụ kiện được cất trong một hộp bìa cứng dày, bọc chống sốc cẩn thận. Phụ kiện đi kèm tối giản: Chỉ gồm đĩa driver và tờ giấy hướng dẫn sử dụng. Những tưởng với phụ kiện tối giản như vậy, sản phẩm cũng sẽ bị lược bỏ tối đa để có giá tốt. Nhưng không, bên trong là một chiếc card bóng bẩy và đẹp mắt. Mặc dù không dài, chỉ hơn kích thước tối thiểu một chút nhưng PowerColor R7 250 không gây cảm giác béo lùn cục mịch chút nào. Thậm chí nếu so với tầm giá trên 3 triệu đồng vẫn đẹp hơn. Mặt nạ tản nhiệt được chăm chút với nhiều đường nét góc cạnh, đem lại kiểu dáng thể thao cho sản phẩm. Hai tia chớp đỏ chấm phá ở đuôi card tuy đơn giản nhưng khéo léo tạo nên điểm nhấn. PowerColor R7 250 được trang bị 3 cổng xuất hình cơ bản nhất, tương thích với mọi màn hình: DVI, Dsub và HDMI. Linh kiện và tản nhiệt Giá đẹp, ngoại hình đẹp, vậy còn chất thì sao? Tôi mở tản nhiệt ra để soi linh kiện. Điểm làm tôi chú ý đầu tiên là nước mạch đen tuyền, đúng ý thích của game thủ. GPU được cấp điện bằng 2 phase dung tích lớn, mỗi phase được điều khiển bởi 3 mosfet trở kháng thấp, không khác các sản phẩm ở phân khúc trên. Chip nhớ cũng của Samsung sản xuất luôn chứ không phải Elpida. PowerColor R7 250 có bộ nhớ dung lượng 1 GB. Tản nhiệt nhôm khối độ dày vừa phải, không có heatpipe. R7 250 là một card đồ họa không nguồn phụ nên cũng không tỏa quá nhiều nhiệt, tản nhiệt như này có thể đáp ứng đủ. PowerColor được ép xung sẵn lên 1100/1150 MHz, cao hơn so với mức chuẩn 1000/1150 của AMD. Cấu hình thử nghiệm Bo mạch chủ: ASRock Z77 Extreme4 Bộ xử lý: Intel Core i5-3570K @4.5 GHz Bộ nhớ trong: 2 x 4 GB Kingston HyperX T1 1866 Ổ cứng: SSD Kingston HyperX 240 GB Nguồn: 660W Card đồ họa: - Nvidia GT 730 GDDR5 64 bit (xung nhịp 902/1253 MHz) - Nvidia GT 740 GDDR5 (xung nhịp 993/1250 MHz) - AMD HD 7730 GDDR3 (xung nhịp 800/800 MHz) - AMD HD 7730 GDDR5 (xung nhịp 800/1125 MHz) - PowerColor R7 250 (xung nhịp 1100/1150 MHz) Phần mềm và game thử nghiệm - Nvidia Driver 347.88 WHQL - 3DMark Vantage: Thiết lập Performance Preset (1280 x 1024) - 3DMark 11: Thiết lập Extreme Preset (1920 x 1080) - 3DMark 2013: Fire Strike - Batman: Origins (DX 11) - BioShock Infinite (DX 11) - Crysis 3 (DX 11) - Dirt 3 (DX 11) - Hitman Absolution (DX 11) - Metro: Last Light (DX 11) - Total War Rome 2 (DX 11) - Sleeping Dogs (DX 11) - Sniper Elite V2 (DX 11) - Tomb Raider (DX 11) Kết quả thử nghiệm Dota 2 Dota 2 là tựa game ưa thích nhất của tôi, tối nào cũng phải làm 1 ván mới ngủ ngon được. Đòi hỏi khá cao về cả VGA lẫn CPU, Dota 2 có thể lấy làm thước đo khả năng chiến game online của PC. Nếu chiến tốt được game này đồng nghĩa với chơi tốt Liên Minh Huyền Thoại. Ban đầu tôi để hú họa setting cao nhất: 100% Render Quality, Shadow High, Texture High, bật tất cả hiệu ứng (trừ khử răng cưa), độ phân giải 1920 x 1080. Tuy nhiên kết quả thật bất ngờ: Game đấu lướt bay với FPS luôn trên 60 kể cả trong combat to. Chỉ trừ những combat diễn ra ở cạnh Throne thì FPS giảm xuống 40. Nên nhớ rằng tôi đang chơi trên màn hình 23” Full HD, trong khi với giá 1.750.000 VNĐ, PowerColor nhắm đến đối tượng game thủ dùng màn hình nhỏ 18,5” hoặc 20”. Dota 2 đã vậy thì Liên Minh Huyền Thoại càng không phải vấn đề. Đây là card đồ họa đầu tiên dưới 2 triệu đồng lý tưởng đến như vậy cho mục đích eSport. Nhiệt độ - Độ ồn Vào thời điểm test, nhiệt độ phòng đang là 28 độ C. Nhiệt độ hoạt động của PowerColor R7 250 trên benchtable: - Idle: 31 độ C. - Game: 70 độ C. Tản nhiệt của PowerColor R7 250 chưa thể nói là tốt, nhưng nó đủ để duy trì nhiệt độ an toàn cho GPU trong tiết hè nóng bức. Kết luận Biểu đồ so sánh hiệu năng của PowerColor R7 250 với các card đồ họa trong tầm giá dưới 2,5 triệu đồng: Giá tham khảo: - PowerColor R7 250: 1.750.000 VNĐ - HD 7730 GDDR3: 1.499.000 VNĐ - HD 7730 GDDR5: 1.949.000 VNĐ - GT 730 GDDR5 64 bit: 1.659.000 VNĐ - GT 740: 2.189.000 VNĐ PowerColor R7 250 có hiệu năng tương đối sát với GT 740 giá trên 2 triệu đồng. Bản GT 740 trong bài viết của tôi chạy ở xung gốc do Nvidia đưa ra, các bản OC của các hãng sẽ mạnh hơn một chút. Nhưng kể cả như vậy, chênh giá hơn 400 ngàn mà hiệu năng chỉ yếu hơn một chút đã là điều cực kỳ ấn tượng rồi. Còn so với các sản phẩm giá dưới 2 triệu khác, chiếc card này của PowerColor hoàn toàn không có đối thủ. Các bạn cứ so sánh hiệu năng và giá thành sẽ rõ, tôi không cần phải nói nhiều thêm. Ngoài p/p quá đẹp, hiệu năng của PowerColor R7 250 là rất lý tưởng cho các game thủ eSport. Card chiến max setting được Dota 2 và LoL ở độ phân giải Full HD với khung hình lý tưởng trên 60. Còn với các bạn chơi game offline trên màn 18,5”, sản phẩm cũng chinh phục được các sát thủ phần cứng ở thiết lập trung bình, các game khác tha hồ đặt thiết lập High tới Very High. Kết luận cuối cùng của tôi về PowerColor R7 250: Đây là sản phẩm tốt nhất ở tầm giá dưới 2 triệu đồng, cực kỳ hợp lý cho các bạn đang còn là học sinh, sinh viên hoặc game thủ eSport. Ưu: - Thiết kế đẹp. - Linh kiện đầy đủ không cắt giảm. - p/p khủng. - Đủ sức chiến max setting Dota 2 và LoL. Nhược: - Nhiệt độ hơi cao vào mùa hè. Nguồn Genk