Những chiếc "alô" đã hỏng không bị chôn vùi trong lòng đất mà được đưa vào nhà máy phân loại, "cứu sống" hoặc đưa tiếp vào dây chuyền cán ép, trở thành những thỏi kim loại và vàng bạc. Đây là quy trình diễn ra tại các nhà máy ở Mỹ. Điện thoại bị thải sẽ trải qua quá trình phân loại ở nhà máy tái chế ReCellular lớn nhất nước này. Nếu sản phẩm chưa méo mó và chỉ "chết" vài chi tiết, chúng sẽ được hồi phục lại. Số khác sẽ được đưa tới Sims Recycling Solutions nằm ở ngoại ô Chicago (Mỹ) để vào "hỏa ngục". Điện thoại cũ hỏng được phân loại tại ReCellular. Có khoảng 60% số máy đến đây được sửa chữa và bán lại (gọi là hàng refurbished). 15% trong số đó được chính ReCellular khôi phục (một số có thể được khôi phục đến 3 lần), còn lại được giao cho các nhà máy khác ở Mỹ và ở nước ngoài. Người dùng điện thoại khá lười đi sửa chữa vì có thể bị "hét" giá cao nên họ vứt máy đi và mua máy mới. Thực ra, chúng chỉ cần được sửa lại một chút là vẫn còn dùng tốt. Những máy không thể cứu vẫn sẽ được gửi tới Sims Recycling Solutions. Mỗi tháng họ nhận được khoảng 15.000 kilogram phế thải này. Điện thoại hỏng được chất vào các dây chuyền lớn. Chúng bị cán thành từng miếng nhỏ nhưng được phân loại khá riêng rẽ nhựa, kim loại, kính... Sau đó, các thành phần nhựa và kim loại được nấu chảy và cô thành từng miếng. Công nhân kiểm tra mẫu hợp kim để xác định phần trăm kim loại quý. Sims Recycling Solutions cũng bán lại các thỏi hợp kim này cho một số nhà máy khác để họ tách thành kim loại thuần khiết. Mark Glavin, Phó chủ tịch Sims Recycling Solutions, cho biết cơ sở của ông có thể tách được 40 kilogram bạc, 4 kilogram vàng và 1,5 kilogram palladium từ một tấn điện thoại cũ hỏng. Mỗi chiếc chỉ chứa khoảng 1% kim loại. (theo Vnexpress)