Thảo luận Quản vấn nạn SIM rác sau thông tư 04/TT-BTTTT - Cần hợp tác đồng bộ

Thảo luận trong 'Nơi Trao Đổi Chung' bắt đầu bởi vn_1068, 14 Tháng bảy 2012.

  1. vn_1068 Thành viên

    Vấn nạn SIM rác vẫn luôn là điều khiến các nhà mạng và Bộ chủ quản (Bộ Thông tin và truyền thông - Bộ TT&TT) đau đầu.

    [​IMG]

    Trong thời gian vừa qua, cơ quan quản lí đã áp dụng rất nhiều biện pháp để đẩy lùi vấn nạn này, bao gồm việc yêu cầu đăng kí thông tin thuê bao trả trước, sẽ cắt liên lạc nếu phát hiện đăng kí thông tin sai; mỗi người chỉ được sở hữu tối đa 3 SIM trả trước của một mạng. Số thừa ra cũng sẽ bị cắt liên lạc; các đại lí không được phép bán SIM kích hoạt trước, nếu bị phát hiện sẽ bị phạt.

    Tuy nhiên, các biện pháp đó vẫn chưa đạt được mục tiêu của nó vì quản lí không theo kịp sự phát triển của đối tượng bị quản lí. Số SIM rác vẫn tiếp tục tăng đến chóng mặt. Theo thống kê vào thời điểm 4 năm trước, nhà mạng cứ tung ra 4 SIM thì có 1 SIM ở lại mạng (25%). Cho đến năm 2011, MobiFone tung ra thị trường 30 triệu SIM thì cuối năm chỉ giữ lại được 500.000 SIM (khoảng 1,66%), nghĩa là con số giảm tới 15 lần. Chưa có con số thống kê cụ thể đối các nhà mạng khác như Vinaphone, Viettel. Nhưng xét về đối tượng khách hàng trả trước của các nhà mạng này mà chủ yếu là giới trẻ, sinh viên, ham mê khuyến mại thì con số SIM còn ở lại của các nhà mạng này có lẽ còn thấp hơn nhiều. Tuổi thọ trung bình của SIM trả trước rất ngắn, chỉ từ 6 tháng đến 1 năm.

    Sau ngày 1/6/2012, ngày Thông tư 04/04/TT-BTTTT của Bộ TT&TT có hiệu lực, khách hàng vẫn rất dễ dàng mua được SIM trả trước được kích hoạt với khuyến mại lớn của các nhà mạng. Tuy nhiên, giá SIM cao hơn một chút vì lo ngại nguồn cung bị các nhà mạng siết chặt ở một số nơi. Có nhiều lí do khiến Thông tư của Bộ TT&TT chưa phát huy hiệu quả cao:

    Các đại lí vẫn còn SIM kích hoạt trước từ trước, nên giờ vẫn tiếp tục bán nốt để thu hồi vốn;
    Một số đại lí nhỏ lẻ từ trước tới nay chỉ lấy SIM về bán sẵn chứ không quan tâm đến quy định mới. Nhiều đại lí biết quy định nhưng thấy thị trường vẫn bán SIM kích hoạt trước tràn lan nên cũng không có lí do gì để ngừng bán;
    Việc siết chặt quản lí chưa đồng loạt, có thể nói vào những ngày đầu sau khi Thông tư có hiệu lực, chưa có cơ quan quản lí nào đi kiểm tra và xử phạt nên các đại lí cũng như doanh nghiệp (DN) vẫn tiếp tục bán SIM kích hoạt trước;

    Các đại lí vẫn có cách lách luật như nhờ bạn bè, người thân đứng tên đăng kí hộ một số SIM số đẹp.
    Quản lí thông tin thuê bao trả trước là một việc rất nan giải. Sau nhiều năm thực hiện với nhiều biện pháp khác nhau, số thông tin thuê bao trả trước chính xác mà cơ quan quản lí cũng như các DN chỉ chiếm một số rất ít cho đến thời điểm này. Với Thông tư mới, Bộ TT&TT hi vọng sẽ đạt được kết quả cao hơn, nhưng nếu các Sở TT&TT không ra quân đồng loạt, xử phạt nghiêm các đại lí thì mọi việc vẫn y như trước đây.

    Có ý kiến cho rằng cần xử phạt DN viễn thông vì đây là đầu mối để cung cấp phương tiện kích hoạt SIM trả trước, nhưng đó chỉ là một phần trong công cụ xử lí vì người thực hiện trực tiếp là các đại lí. Bên cạnh đó, việc phạt các doanh nghiệp viễn thông vài trăm triệu có thể chưa thấm vào đâu và liệu có tác dụng răn đe. Nhưng với đại lí đó là một số tiền lớn nên xử phạt các đại lí như vậy chắc chắn việc quản lí sẽ có hiệu quả. Tuy nhiên, số lượng cũng lên tới hàng chục ngàn đại lí trên toàn quốc mà lực lượng của cơ quan quản lí thì lại mỏng.

    Ngoài ra, SIM được kích hoạt mà hiện các đại lí SIM thẻ đang bán là từ trước, còn tồn đọng với số lượng lớn và việc xử lí tồn tại này đã xảy ra trong quá khứ là cả một quá trình vì thế không thể thực hiện ngay được. Cùng với việc các đại lí có tự động kích hoạt sim hay không từ khi Thông tư 04 có hiệu lực cũng chưa thể xác định được cần có sự kiểm tra.

    Cơ quan quản lí và các nhà mạng đã nhiều lần họp bàn với nhau để tìm ra những đề xuất mới nhằm xóa bỏ vấn nạn SIM rác. Theo kết quả các cuộc họp, trong thời gian tới, có thể những biện pháp sau sẽ được áp dụng như:

    Thu cước hòa mạng đối với thuê bao di động trả trước giống như thuê bao trả sau. Cục Viễn thông hiện đang xây dựng quy định về mức phí và các vấn đề liên quan để nhanh chóng đưa vào áp dụng trên thực tế.

    Một mức giá SIM chung được áp dụng cho tất cả các nhà mạng. Và giá bán SIM sẽ bằng giá sản xuất ra SIM (chi phí tạo SIM trắng cộng phí tài nguyên sử dụng kho số), tạm tính bán vào khoảng 15.000 đ, còn tài khoản bằng 0. Khách hàng sẽ phải mua thẻ cào để nạp tiền vào tài khoản. Đây là một biện pháp hay nhưng cần sự điều tiết của cơ quan quản lí nhà nước, bởi trong thời gian vừa qua các nhà mạng đua nhau cạnh tranh để thu hút thuê bao nên ngày càng sa lầy vào các chương trình khuyến mãi lớn cho SIM rác. Không nhà mạng nào chịu nhường bước và hệ quả là cùng nhau kéo ARPU xuống nhóm thấp gần nhất thế giới. Sự điều tiết của cơ quan quản lí nhà nước sẽ giúp các nhà mạng tăng được ARPU cũng như quản lí tốt hơn thông tin của thuê bao trả trước.

    Xây dựng chính sách ưu đãi cho thuê bao trả sau. Thời gian qua, thị trường nóng hơn bao giờ hết với cuộc đua phát triển thuê bao trả trước. Theo lí thuyết, cước trả sau sẽ rẻ hơn cước trả trước, tuy nhiên, với những chương trình khuyến mại lớn cho thuê bao trả trước thì tính ra, cước trả trước bằng, thậm chí có thể rẻ hơn trả sau. Chẳng hạn cước liên lạc trả trước khoảng 1.400 đ/phút, nhưng được khuyến mãi 100% cho 5 - 10 thẻ nạp đầu tiên và đều đặn hàng tháng có chính sách khuyến mãi tặng 50% thẻ nạp. Trong khi đó, cước trả sau khoảng 1.000 đ/phút nhưng phải đóng phí thuê bao là 50.000 đồng/tháng. Với 50.000 đ, thuê bao trả trước sẽ được tặng thêm 25.000 đ và gọi được được khoảng 54 phút, đó là chưa kể nếu dùng SIM rác sẽ được hưởng khuyến mại 50.000 đ và gọi được 71,5 phút. Còn thuê bao trả sau phải trả khoản tiền thuê bao hàng tháng là 50.000 đ.

    Như vậy rõ ràng việc khách hàng chuyển sang dùng trả trước là rất dễ hiểu. Số thuê bao trả sau chỉ chiếm từ 7- 9% tổng số thuê bao của các nhà mạng. Do đó, để giảm thiểu vấn nạn SIM rác, thì biện pháp cần thiết là khuyến khích khách hàng chuyển sang thuê bao trả sau với những hợp đồng gắn chặt với các nhà mạng trong thời gian một vài năm. Như vậy, các thuê bao trả sau sẽ được hưởng ưu được nhiều hơn và các nhà mạng cũng bớt đi mối lo khách hàng nhảy mạng. Thị trường sẽ trở nên ổn định hơn bây giờ.

    Thời gian tới, Bộ TT&TT sẽ ban hành Thông tư điều chỉnh giá cước giữa thuê bao trả sau và thuê bao trả trước, giữa thuê bao đăng kí mới và thuê bao cũ đang sử dụng để tạo sự phát triển bền vững thuê bao di động.

    Các nhà mạng cũng cần xây dựng những gói cước giữ chân khách hàng là thuê bao di động trả sau, ví dụ như tặng smartphone nếu khách hàng kí hợp đồng với nhà mạng 2 năm.

    Tóm lại, việc quản lí thuê bao trả trước hay vấn nạn SIM rác là một việc làm đòi hỏi sự đồng bộ và hợp tác chặt chẽ giữa cơ quan quản lí nhà nước và nhà mạng.

    Theo ICTpress