Rokr E6 - 'dế' Linux thông minh MotoRokr E6 ra mắt đúng một năm sau khi MotoMing A1200 ra đời. Như cái tên của nó đã ẩn ý, thị trường của E6 khác hoàn toàn với A1200. MotoRokr E6, đặc biệt dành cho những người trẻ tuổi muốn điện thoại di động là một thiết bị đa chức năng. MotoRokr E6 có màn hình cảm ứng. Ảnh: Sina. Motorola đã thương mại hoá điện thoại thông minh sử dụng hệ điều hành Linux được một khoảng thời gian khá dài, tuy nhiên, phần lớn những điện thoại này mới chỉ phổ biến tại một vài nước châu Á, trong đó, Trung Quốc là nơi sử dụng nhiều nhất. MotoRokr E6, phiên bản điện thoại nghe nhạc mới nhất của hãng này mới chỉ được bán tại Trung Quốc và Hong Kong chứ chưa chính thức ra mắt thị trường Việt Nam. Thiết kế mang phong cách Razr Điện thoại mang một màu đen huyền bí. Ảnh: Gsmarena. Về thiết kế, E6 mang những nét phảng phất giống dòng điện thoại Razr, từ các cạnh, đường viền tới các phím bấm. Hình dáng của E6 lớn hơn, dày hơn các điện thoại Razr một chút, chiều ngang đo được là 51,5 mm, chiều dài là 111 mm và dày 14,5 mm. So với các mẫu máy dạng thanh thì E6 không phải là quá dày. Điện thoại phủ một màu đen tuyền. Mặt trước là màn hình cảm ứng kéo dài gần hết bề mặt máy làm cho điện thoại trở nên dẹt hơn rất nhiều so với các "dế" màn hình cảm ứng hiện có trên thị trường. Dưới màn hình là phím định hướng còn gọi là D-pad (phím D), một phím tắt vào các chức năng nghe nhạc và một vài phím tắt khác. Màn hình bóng nên rất bám dấu vân tay. Sườn trái của máy là phím chỉnh âm lượng, khe cắm thẻ SD và 3 nút chuyên dụng cho chơi nhạc. Chức năng chụp ảnh nhanh nằm ở sườn phải. Việc sắp xếp các phím bên sườn hợp lý nhưng vị trí của nó chưa phải là thuận tay cho lắm. Ví dụ, các phím khoá bên sườn được đặt quá cao so với chỉnh volume, còn các nút chơi nhạc chuyên dụng thì hơi khó bấm, nhất là khi để máy trong túi và thò tay vào chỉnh nhanh. Tính năng đa phương tiện Bút gài ở một góc máy. Ảnh: Mobileburn. Màn hình TFT 2,4 inch của E6 đủ rộng và hiển thị các ký tự rõ nét nhưng lại có chức năng tiết kiệm năng lượng bằng cách giảm độ sáng màn hình khi không cần thiết. Ra dưới ánh sáng mặt trời, các ký tự hay hình ảnh trên máy vẫn được hiển thị một cách rõ ràng do màn hình được phủ một lớp chống loá. Vì là điện thoại đa phương tiện nên E6 có đủ mọi phần mềm giải trí, từ đài FM tới nghe nhạc, máy ảnh. Đài FM trên máy bắt nhạy và sóng bắt được rất rõ, không bị nhiễu. Để sử dụng, bạn phải lưu đài dò được vào, nhưng không thể ghi lại nội dung đang phát. Mỗi khi có điện thoại tới, đài FM tự động ngưng để người dùng nhận điện, sau đó lại tự động phát tiếp chương trình đang dang dở. Điện thoại hỗ trợ nhiều file nhạc, như AAC, AAC+, DRM, MIDI, MP3, WAV, WMA... Những bản nhạc lưu trên máy có thể được đặt làm nhạc chuông nếu thích. Về định dạng video thì E6 chỉ đọc được file H.263 và MPEG4. Mặc dù chỉ trình chiếu video với tốc độ 15 khung hình/giây, nhưng hình ảnh vẫn chấp nhận được ở chế độ toàn màn hình. Phần mềm nghe nhạc mặc định trên E6 là RealPlayer, ngay cả khi đang sử dụng máy ảnh bạn cũng có thể nghe nhạc. Loa ngoài của E6 phát âm thanh lớn hơn ở các điện thoại dòng Ultra của Samsung nhưng lai nhỏ hơn các máy K của Sony Ericsson hay Nokia N73. Máy ảnh 2 Megapixel. Ảnh: Mobileburn. Máy ảnh 2 Megapixel sử dụng chip CMOS hỗ trợ điều khiển macro hay chế độ bình thường bằng tay. Ở chế độ standby, bạn có thể chụp ảnh nhanh bằng cách bấm phím shutter bên sườn máy. Thời gian tính từ lúc khởi động đến khi một bức ảnh hoàn thành chỉ mất 2 giây - tốc độ khá nhanh so với các smartphone khác. Giao diện máy ảnh cũng rất thân thiện, các icon trên màn hình tự ẩn đi sau vài giây không được sử dụng. Tuy nhiên, bạn có thể "gọi" chúng ra bất cứ lúc nào bằng các gõ nhẹ vào màn hình. Kích thước ảnh, chế độ chụp (video hay chụp ảnh tĩnh), chụp ban đêm, chỉnh hiệu ứng máy hay cân bằng trắng đều có thể thực hiện được ngay trên. Độ phân giải ảnh cao nhất với E6 là 1.600 x 1.200 pixel, còn khi quay video, độ phân giải hình ảnh lớn nhất là 352 x 288 pixel, tốc độ hình là 15 khung hình/giây. Motorola đã thêm 3 chế độ đặc biệt vào camera của E6. Trước tiên là khả năng sử dụng camera như một webcam. Nếu bạn chọn chế độ USB cho điện thoại khi cài đặt vào máy tính thì camera của máy sẽ biến thành một cái webcam nhỏ kết nối với PC qua USB. Điểm thứ hai là camera có thể đọc danh thiếp và các thông tin cá nhân trên đó sẽ được lưu vào Danh bạ theo từng mục: Số điện thoại, tên, địa chỉ e-mail. Cuối cùng, camera có thể đọc được số QR - một mã số cá nhân được sử dụng khá phổ biến tại Nhật. Điều khiển giống các điện thoại Razr. Ảnh: Mobileburn. Ảnh chụp được cất tại folder My Favorites. Các bức ảnh được xếp theo dạng thumbnail giống như trên máy tính và để xem một bức hình lớn toàn màn hình thì mất khoảng hai giây để load. Người dùng có thể chỉnh sửa các thông tin hay thêm màu sắc cho bức ảnh, sử dụng những công cụ có sẵn trên máy. MotoRokr E6 có bộ nhớ trong 8 MB nhưng được hỗ trợ bởi thẻ SD lên tới 2 GB. Máy mỏng khoảng 14 mm. Ảnh: Mobileburn. Giống MotoMing, E6 cũng sử dụng hệ điều hành Linux nhưng giao diện của nó khác rất nhiều so với các điện thoại sử dụng nền Linux trước đây, tuy nhiên, nó vẫn đảm bảo tính ổn định và hấp dẫn. Motorola gọi hàng icon điều khiển bên trên màn hình là GNB (Global Navigation Bar - Phím điều khiển định hướng toàn cầu) và phần lớn thời gian người dùng sản phẩm này phải sử dụng nó để chạy các ứng dụng Java trên máy cho hiệu quả. Ngay dưới GNB là thanh status hiển thị thông tin về thời gian, dung lượng thẻ nhớ cũng như báo lượng pin còn. Thỉnh thoảng thanh status biến mất cho rộng màn hình, nhưng bạn có thể gọi nó ra bằng cách gõ nhẹ vào màn hình đó. Giống như các điện thoại thông minh khác, E6 hỗ trợ nhiều chức năng nhưng hệ thống xử lý thông tin của nó hoạt động nhanh hơn nhiều. (sohoa.net)