Mạng di động CDMA đầu tiên và cũng là mạng CDMA cuối cùng của Việt Nam đang có nguy cơ bị xóa sổ khỏi thị trường di động khi chưa thể tìm được nhà đầu tư dám tung tiền ra để đưa S-Fone thoát khỏi cơn bĩ cực. Túng quẫn! Vào thời điểm cực thịnh, S-Fone tuyên bố có 7 triệu thuê bao. Thế nhưng, sự trượt dốc của mạng này bắt đầu khi đối tác SK Telecom quyết định “đoạn tuyệt ân tình” rút vốn khỏi dự án từ năm 2010. Và S-Fone buộc phải lặn lội đi tìm đối tác mới... Sau đó, chủ quản của mạng S-Fone là SPT đã bán cổ phần cho Saigon Tel và để cho công ty này điều hành mạng S-Fone. Thế nhưng, tiềm lực của Saigon Tel không thể đủ sức bơm vài trăm triệu USD để vực dậy mạng S-Fone. Trong khi đó, việc tìm kiếm đối tác cho S-Fone tựa như chuyện “mò kim đáy bể”. Việc không có tiền đầu tư đã khiến S-Fone lao đốc không phanh. Không có tiền vận hành và trả tiền thuê đặt trạm thu phát sóng nên S-Fone phải thu hẹp mạng của mình. Nhiều khách hàng đồng loạt phản ánh vùng phủ sóng của nhà mạng bị thu hẹp nhanh liên tục khiến điện thoại di động của họ chẳng khác gì... cục gạch!? Hàng loạt thuê bao của S-Fone nối đuôi nhau rời mạng hoặc bị “cưỡng bức” rời mạng vì không còn vùng phủ sóng nữa! Nhiều cửa hàng của S-Fone chỉ còn treo mỗi bảng hiệu, đóng cửa im lìm hoặc chuyển sang kinh doanh lĩnh vực khác. Ít thuê bao, không có tiền duy trì bộ máy có lẽ là những nguyên nhân quan trọng nhất khiến S-Fone phải “cắn răng” chấm dứt hợp đồng với hàng loạt nhân viên của mình. Tuy nhiên, điều này được giải thích dưới danh nghĩa chuyển đổi mô hình sang cổ phần. Mặc dù cho nhân viên nghỉ việc nhưng S-Fone vẫn nợ các khoản tiền lương và chế độ khác của người lao động khiến người lao động bất bình gửi đơn kiện, thậm có có nơi đã biểu tình đòi S-Fone phải giải quyết chế độ cho họ. Hứa suông! Ngày 31/7/2012, SPT đã chính thức lên tiếng “trần tình” về vụ việc nhiều phương tiện truyền thông liên tục đưa tin tình hình hoạt động của S-Fone và dự báo về tương lai của mạng này. Tổng Giám đốc SPT Hoàng Sỹ Hóa nhận định rằng nền kinh tế Việt Nam nói riêng và trên thế giới nói chung đang gặp phải rất nhiều khó khăn, suy thoái nặng nề; không tiếp cận được nguồn vốn, không có đơn hàng dẫn đến sự phá sản của hàng loạt các doanh nghiệp. Ở lĩnh vực viễn thông, tình hình cũng không có gì khả quan hơn, trong đó SPT - đơn vị chủ quản của S-Fone cũng không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn đó. SPT đã tái cấu trúc doanh nghiệp, chuyển đổi từ mô hình hợp tác kinh doanh (BCC) sang mô hình công ty liên doanh. Đây là động thái cần thiết để S-Fone có hành lang pháp lý đủ để thu hút và đẩy mạnh phát triển công nghệ hơn nữa. “Hiện tại, S-Fone đang trong giai đoạn xây dựng kế hoạch kinh doanh dựa trên nền tảng công nghệ mới. Công ty sẽ đầu tư số trạm thu phát sóng gấp 6 lần số trạm CDMA trước đây, quy mô phủ sóng gấp nhiều lần so với mạng CDMA trước đây. Dự tính năm 2013 sẽ phát sóng mạng 3G của hãng. S-Fone đã lưu giữ tất cả dữ liệu của khách hàng và đây sẽ là những khách hàng đầu tiên được đảm bảo về quyền lợi khi hãng triển khai xong công nghệ mới”, ông Hoàng Sỹ Hóa cho biết. Thời điểm đó, ông Phạm Tiến Thịnh, Giám đốc điều hành của S-Fone cho biết, đây đang là giai đoạn S-Fone xây dựng kế hoạch kinh doanh mới dựa trên nền công nghệ mới, nên chỉ cần một số lượng nhân viên thiết lập hệ thống mới và phải tinh giản bộ máy. Ông Thịnh dẫn chứng hồi đầu năm Bộ TT&TT đã đồng ý cho S-Fone chuyển từ công nghệ CDMA sang công nghệ HSPA+ (3G). Để bắt đầu dự án này thì cần trên dưới 70 triệu USD vì nhờ lợi thế của băng tần 850 MHz. Như vậy, S-Fone có thể đầu tư khoảng 1.000 trạm thu phát sóng, tương đương với quy mô phủ sóng của S-Fone thời vàng son của công nghệ CDMA. Nếu đầu tư tổng thể thì S-Fone cần 300 - 350 triệu USD là tương đối ổn, khoản đầu tư này sẽ rải ra nhiều giai đoạn trong 3 đến 5 năm. Vị lãnh đạo này còn cho hay, đến cuối năm 2012, chậm nhất là đầu năm 2013 sẽ phát sóng mạng 3G. Thế nhưng, cho đến thời điểm này chưa có bất kỳ thông tin nào về chuyện S-Fone có đối tác đầu tư hoặc vay được tiền đâu đó để đầu tư vực dậy. Trong lúc tin vui chưa có thì S-Fone dồn dập đón tin buồn khi mà “Thuyền trưởng” Phạm Tiến Thịnh đã chính thức ra đi để đầu quân cho công ty tìm kiếm của Nga cung cấp công cụ tìm kiếm WADA cho thị trường Việt Nam. Cho đến thời điểm này, kế hoạch để có một mạng S-Fone 3G cuối năm 2012 hoặc đầu năm 2013 của lãnh đạo S-Fone gần như chắc chắn là câu chuyện “bất khả thi”. S-Fone không thể cầm cự... Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều người đã tin rằng S-Fone đã không còn hoạt động nữa. S-Fone đang ôm một đống nợ khổng lồ gồm tất cả các khoản tiền phải đóng cho Nhà nước như phí tần số, kho số, viễn thông công ích. Trao đổi với báo Bưu điện Việt Nam, cả VNPT và Viettel đều cho rằng S-Fone và công ty mẹ SPT đều là con nợ lớn của họ. Lãnh đạo một công ty viễn thông lớn phản ánh: “SPT đã nợ chúng tôi chồng chất từ mấy năm nay, thậm chí chúng tôi buộc phải cắt dần kênh kết nối với SPT và mạng S-Fone vì không nhìn thấy khả năng trả nợ của họ. Nếu xét trên khía cạnh pháp lý khi một doanh nghiệp mất khả năng trả nợ thì họ buộc phải tuyên bố phá sản”. Vị lãnh đạo doanh nghiệp viễn thông này tin rằng S-Fone khó có thể cầm cự được lâu nữa vì họ đang ở thế quá túng quẫn. Trong khi đó, giới truyền thông tin rằng vận mạng của S-Fone sẽ được quyết định chậm nhất vào đầu năm 2013. [TABLE="width: 500"] [TR] [TD="align: center"][/TD] [/TR] [TR] [TD="class: PCaption, align: center"]Mạng di động CDMA đầu tiên của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ bị xóa sổ khi chưa tìm được "Mạnh thường quân".[/TD] [/TR] [/TABLE] Trong cuộc họp mới đây giữa Bộ TT&TT và các doanh nghiệp viễn thông có hạ tầng, Tổng giám đốc SPT Hoàng Sỹ Hóa đã phải đề nghị các doanh nghiệp đừng cắt kết nối để SPT có doanh thu và thêm cơ hội trả nợ. Tháng trước mạng cố định của SPT đã bị cắt kết nối vì lý do nhà cung cấp này nợ cước kết nối của các doanh nghiệp khác. Sau đó, SPT phải xin các doanh nghiệp viễn thông kia nối lại để khỏi ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng. Giả sử thương hiệu S-Fone bị khai tử khỏi thị trường di động Việt Nam, chắc chắn một câu hỏi lớn sẽ được đặt ra rằng “Ai sẽ là người chịu trách nhiệm?”. Tìm kiếm đối tác là nhiệm vụ "bất khả thi" Giới phân tích cho rằng, nếu tìm được đối tác đầu tư trong thời gian sớm nhất thì S-Fone mới có lý do tồn tại trên thị trường di động. Thế nhưng, câu chuyện đó giờ đang có vẻ như quá sức đối với SPT và cả Saigon Tel. Hiện tại thị trường di động Việt Nam không còn đủ hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình nhất là sự kiện xảy ra gần đây trên thị trường viễn thông Việt Nam khi Vimpelcom bất ngờ “bỏ của chạy lấy người” bán rẻ cổ phần trong Beeline Việt Nam. Theo báo cáo mới nhất của Hãng nghiên cứu thị trường viễn thông Anh, Business Monitor International (BMI), các nhà đầu nước ngoài có rất ít cơ hội để tăng trưởng tại thị trường Việt Nam. Trong bảng xếp hạng mới nhất về cơ hội/rủi ro trên thị trường viễn thông châu Á-Thái Bình Dương của BMI quý II/2012, Việt Nam đã tụt xuống vị trí 16 với mức điểm đánh giá là 42,4 từ mức điểm 45 cách đây 1 năm. Cơ hội tăng trưởng trong lĩnh vực viễn thông Việt Nam đang sụt giảm do thị trường đã phát triển bão hoà và sự thống trị của các doanh nghiệp nhà nước trên thị trường. Theo BMI, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam nên đánh giá lại chiến lược và tập trung vào các thuê bao hiện có để tăng trưởng doanh thu. Ngoài ra, cơ quan quản lý nên tăng cường các biện pháp nhằm tạo ra một sân chơi bình đẳng, nâng cao niềm tin của những nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường viễn thông trong nước. Báo cáo của BMI nhận định rằng, các nhà đầu tư tư nhân hoặc nhà đầu tư nước ngoài có rất ít cơ hội để tăng trưởng tại thị trường Việt Nam. Tình thế sẽ còn tệ hơn nếu kế hoạch sáp nhập hai hãng di động MobiFone và VinaPhone của VNPT được phê duyệt. Tất cả những sự kiện này đang tô đậm thêm gam màu đen tối cho bức tranh về tương lai của S-Fone vốn đã quá ảm đạm. Các mạng di động lớn thì quả quyết rằng sẽ không có nhà đầu tư nào dám đầu tư vào S-Fone ở thời điểm này.
Sát nhập để mobi trả nợ cho sfone a. Sát nhập với ông vieteo, để ông vieteo bành chướng thế lực luôn thể. Vina sát nhập với mobi luôn -> để đất nước chở về kì đồ đá Hihi