Mới đây, Samsung đã được chấp thuận cấp bằng sáng chế về tấm nền màn hình trong suốt có khả năng cảm ứng cả mặt trước và sau. Về một phương diện nào đó, công nghệ này khá giống với tính năng AirView trên smartphone Galaxy Note 3 hoặc mặt cảm ứng phía sau của PlayStation Vita. Theo đó, thay vì phải chạm trực tiếp vào màn hình cảm ứng, người dùng có thể tương tác với các nội dung trên màn hình từ mặt lưng máy với điều kiện màn hình được thiết kế hoàn toàn trong suốt và có thể nhìn xuyên ra đằng sau thiết bị. Người dùng có thể di chuyển một Folder hiển thị ở mặt trước bằng cách tương tác vào mặt sau. Nếu thành công, tính năng này sẽ giảm thiểu tình trạng người dùng khi muốn thao tác với màn hình cảm ứng trong quá trình lướt web, xem văn bản… có thể che khuất một phần nội dung làm gián đoạn quá trình theo dõi. Bên cạnh đó, nó cũng giúp người dùng dễ dàng truy cập ứng dụng chỉ bằng một tay, mọi thao tác điều hướng sẽ cực kỳ dễ dàng khi được truyền lệnh từ phía sau giống như chúng ta đã được chiêm nghiệm trên một số dòng điện thoại có tấm cảm ứng sau lưng máy như Oppo N1. Đặc biệt với các nội dung được xếp chồng lên nhau, người dùng có thể thao tác ở màn hình mặt trước đối với lớp trên còn màn hình mặt sau sẽ tương tác được với lớp dưới. Tuy nhiên, tính ứng dụng thực tiễn của bằng sáng chế màn hình trong suốt vẫn còn là một dấu hỏi lớn trong thời điểm này. Việc phát triển các mẫu smartphone trong suốt từ linh kiện màn hình đến pin hay bo mạch là điều chưa thực sự khả thi. Do đó, bằng sáng chế mới của Samsung vẫn sẽ là một tính năng đầy hứa hẹn nhưng chỉ là trong tương lai. Theo GenK