Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, 5 tháng đầu năm, nhà máy sản xuất điện thoại SEV của Samsung đã nộp ngân sách tổng cộng 35,4 triệu USD. Trong năm nay, dự kiến, SEV sẽ nộp ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã có những ý kiến cho rằng, khi Samsung đầu tư vào Việt Nam, lợi đâu chẳng thấy. Nhưng có thực sự là như vậy? Đi tìm câu trả lời Trở lại Samsung Electronics Vietnam (SEV) ở KCN Yên Phong (Bắc Ninh) sau khoảng hơn 1 năm, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước sự phát triển quá nhanh của nhà máy sản xuất điện thoại di động lớn nhất của Samsung trên toàn cầu. Không chỉ là 2, 3 khu nhà máy như trước, giờ đây, đã có thêm những nhà máy mới, chuyên sản xuất linh, phụ kiện cho nhà máy lắp ráp chính. Theo tiết lộ từ nhà máy, trong tháng 7 tới sẽ có thêm một nhà máy chạy thử để đến tháng 9, có thể vận hành thương mại. Trên khuôn viên 100 ha, 6 tòa nhà ký túc xá cho công nhân cũng đang gấp rút được hoàn thành. Cộng thêm 4 tòa nhà đã và đang hoạt động, 10 tòa ký túc xá của SEV có thể giúp giải quyết chỗ ở cho hơn 8.400 công nhân. “Đây là điều mà không phải nhà đầu tư nào cũng làm được”, ông Trần Văn Túy, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, bình luận. Tại lễ trao giấy chứng nhận đầu tư bổ sung thêm 1 tỷ USD vào Tổ hợp công nghệ Samsung (Samsung Complex), ông Túy cũng đã đánh giá cao hiệu quả đầu tư của tập đoàn hàng đầu Hàn Quốc này. “5 năm, mà Samsung đã 3 lần tăng vốn đầu tư, với tổng quy mô lên tới 2,5 tỷ USD. Điều này cho thấy chất lượng đầu tư và hiệu quả to lớn của Dự án”, ông Túy nói và không hề giấu giếm niềm tự hào khi Bắc Ninh trong thời gian qua đã thu hút được khoảng 6 tỷ USD vốn FDI, trong đó riêng Samsung đã chiếm gần một nửa. Được biết nhà máy SEV đã thực hiện các cam kết với một tiến độ rất nhanh. Ban đầu, kế hoạch giải ngân khoản vốn 670 triệu USD là tới năm 2015, còn lần tăng vốn thứ hai - 830 triệu USD, là trong giai đoạn 2015 - 2020. Nhưng tất cả đều nhanh hơn dự kiến. Cuối năm ngoái, SEV đã giải ngân được 950 triệu USD và kế hoạch là khoảng đến năm 2015, sẽ giải ngân hết khoản đầu tư 1,5 tỷ USD. Tuy nhiên, trên thực tế, theo ông Yoo Young Bok, Tổng giám đốc SEV, tới thời điểm này, hơn 1,2 tỷ USD đã được giải ngân. Chỉ tới khoảng tháng 8, tháng 9 năm nay, toàn bộ phần đầu tư 1,5 tỷ USD sẽ được giải ngân hết. “Khoản đầu tư mới 1 tỷ USD, trong năm nay sẽ giải ngân 100 triệu USD và đến năm 2017, sẽ giải ngân hết toàn bộ”, ông Yoo nói. Đầu tư thật và làm thật, thậm chí rất nhanh chóng và hiệu quả. Đó là những gì mà SEV đã làm được trong thời gian qua. Và không phải dự án FDI nào, đặc biệt là các dự án tỷ USD, cũng làm được như vậy. Số liệu thống kê của Ban Quản lý KCN tỉnh Bắc Ninh cho thấy, năm ngoái, SEV xuất khẩu được 12,6 tỷ USD, còn 5 tháng đầu năm nay, đã đạt gần 9 tỷ USD, tương ứng bằng 11% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước của năm ngoái và 18% của 5 tháng đầu năm nay. Theo đánh giá của ông Ngô Sỹ Bích, Trưởng ban Quản lý KCN Bắc Ninh, SEV giống như một “mặt trời”, thu hút khoảng 60 nhà đầu tư vệ tinh, giải quyết việc làm cho hơn 36.500 lao động trực tiếp tại SEV và hơn 70.000 lao động gián tiếp tại doanh nghiệp (DN) vệ tinh, với thu nhập ổn định. Lợi cả đôi đường Thời gian gần đây đã có nhiều quan điểm cho rằng, Samsung vào Việt Nam, song “lợi đâu chẳng thấy” vì số tiền thuế mà SEV nộp cho nhà nước “còn quá ít”. Tuy nhiên, ông Nguyễn Lương Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã khẳng định SEV nộp thuế không hề ít, thậm chí hiện vẫn đứng đầu trong số các DN FDI ở Bắc Ninh. Số liệu của Ban Quản lý KCN Bắc Ninh cho thấy, ngay năm đầu tiên đi vào hoạt động, SEV đã bắt đầu nộp thuế cho địa phương, với 19,74 tỷ đồng. Sau đó, với doanh thu và lợi nhuận không ngừng tăng sau từng năm, nên năm 2010, SEV nộp ngân sách 82,52 tỷ đồng, năm 2011 là hơn 137,67 tỷ đồng, năm 2012 là gần 425 tỷ đồng các khoản thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân và thuế giá trị gia tăng. Nếu tính cả các loại thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng… thì tổng cộng, đến hết năm 2012, SEV đã đóng góp hơn 3.204 tỷ đồng tiền thuế cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, do xuất khẩu lớn, được hoàn thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu, lại đang được miễn thuế TNDN, nên tổng số thu nội địa của SEV ở Bắc Ninh cho tới cuối tháng 12/2013 vào khoảng 680 tỷ đồng (bao gồm cả nộp thay nhà thầu, trong đó của riêng SEV là trên 317 tỷ đồng). “Năm nay, dự kiến, SEV sẽ nộp ngân sách khoảng 1.000 tỷ đồng”, ông Thành cho biết. Số liệu thống kê mới nhất cho thấy, 5 tháng đầu năm, SEV đã nộp ngân sách tổng cộng 35,4 triệu USD. Với các khoản được khấu trừ khoảng 18 triệu USD, thì số thực nộp ngân sách của SEV còn 17,292 triệu USD (tương đương 365 tỷ đồng). Năm nay là năm hoạt động thứ 5 của SEV, nên thay vì được miễn hoàn toàn, SEV sẽ phải nộp 5% thuế thu nhập DN sau khi đã được giảm 50% từ mức thuế chung là 10%. Do vậy, chắc chắn, từ năm nay, SEV sẽ nộp ngân sách nhà nước nhiều hơn đáng kể so với những năm qua. “Khi hết thời gian miễn, giảm thuế, SEV sẽ đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước của tỉnh Bắc Ninh. Lúc ấy, Bắc Ninh cũng sẽ giống như Vĩnh Phúc bây giờ, có số thu ngân sách lớn từ hàng loạt dự án FDI như Toyota, Honda…”, một chuyên gia về FDI nhận xét. Samsung khởi công nhà máy thứ 2 tại Thái Nguyên.Là một DN công nghệ cao, có quy mô đầu tư lớn, sức lan tỏa cao đối với kinh tế - xã hội, nên SEV được hưởng khá nhiều ưu đãi, như được hưởng thuế suất thuế thu nhập DN 10%, miễn 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến một số quan điểm cho rằng, Samsung được hưởng ưu đãi lớn, mà không mang lại nhiều cho Việt Nam. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh khẳng định, không thể chỉ nhìn vào số thuế SEV đã nộp để nói rằng, DN này mang lại ít lợi ích cho Việt Nam. “Cứ nhìn vào việc trên diện tích 100 ha, nhà đầu tư này đã mang lại một kim ngạch xuất khẩu gần 13 tỷ USD, giải quyết việc làm cho hơn 30.000 lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đầu tư lớn cho R&D…, thì sẽ thấy rằng, những đóng góp của SEV không hề nhỏ”, Bộ trưởng Vinh nói và cho rằng, khi đánh giá về các dự án FDI, phải nhìn một cách toàn diện, dựa trên sự hài hòa lợi ích của quốc gia và nhà đầu tư, chứ không chỉ nhìn phiến diện ở chuyện thu thuế ít hay nhiều. Hơn nữa, theo Bộ trưởng Vinh, Chính phủ Việt Nam cũng không dành ưu đãi cho Samsung, hay một số DN khác, như Nokia, Robert Bosch… một cách vô điều kiện. “Các nhà đầu tư phải thực hiện những cam kết vì sự phát triển của kinh tế Việt Nam”, ông Vinh nói. Hóa giải khúc mắc Trước thông tin gần đây cho rằng kể từ khi SEV trở thành DN chế xuất, thì ngân sách nhà nước thất thu thuế , ông Nguyễn Văn Đạo, Phó tổng giám đốc Samsung Vina khẳng định: “Samsung cũng không phải là nộp thuế quá ít, mà chỉ là nộp chậm hơn và ít hơn, do đang trong thời điểm tiếp tục đầu tư lớn và đang trong giai đoạn được miễn, giảm thuế”. Đồng quan điểm này, ông Ngô Sỹ Bích, Trưởng ban Quản lý KCN Bắc Ninh khẳng định, thực tế, ngân sách nhà nước không hề thất thoát khoản thuế nào, dù SEV có là DN chế xuất hay không. “Đúng là, kể từ tháng 9 năm ngoái, trên sổ sách của Cục Thuế và Cục Hải quan Bắc Ninh, không còn khoản kê khai cả nghìn tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và thuế xuất nhập khẩu. Điều này khiến nhiều người tưởng lầm là SEV không phải nộp khoản thuế này, còn ngân sách nhà nước thì mất. Nhưng thực tế, không phải vậy”, ông Bích nói và giải thích rằng, trước đây, SEV thực tế cũng chỉ kê khai và nộp thuế giá trị gia tăng đầu vào và thuế nhập khẩu nguyên vật liệu, sau khi xuất khẩu sản phẩm ra nước ngoài, thì lại được hoàn các khoản thuế này. “Trở thành DN chế xuất, họ không còn phải mất thời gian kê khai, nộp thuế, rồi lại hoàn thuế nữa, mà được tạo điều kiện thuận lợi nhiều hơn trong sản xuất - kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa”, ông Bích nói. Theo quy định pháp luật đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi, thì cũng không phải bất cứ DN nào muốn cũng có thể trở thành DN chế xuất. Một trong những điều kiện được đặt ra là, tỷ lệ bán hàng cho thị trường nội địa không được quá 10%. SEV hiện xuất khẩu khoảng 95-96% sản phẩm ra nước ngoài, nên dễ hiểu vì sao DN này, sau một thời gian hoạt động ổn định, đã quyết định chuyển sang loại hình DN chế xuất. Thực tế, Samsung cũng như các DN chế xuất khác đều giống nhau ở chỗ sản phẩm sản xuất ra chủ yếu để xuất khẩu. Do đó, thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng 0%, thuế giá trị gia tăng đầu vào sẽ được hoàn. Tương tự đối với thuế nhập khẩu. Khi DN xuất khẩu thì sẽ được hoàn trả số thuế nhập khẩu đã nộp. Do đó, số thực thu của ngân sách là bằng 0. Chỉ khác nhau ở chỗ, cơ quan thuế hoặc hải quan có số thu để báo cáo thành tích. Còn việc hoàn thuế là của ngân sách nhà nước, không ảnh hưởng tới thành tích thu thuế của địa phương. “Việc báo cáo thành tích một cách phiến diện giữa thu - hoàn, giữa các cơ quan thu khác nhau, như thuế, hải quan…, sẽ dẫn đến những thông tin sai lệch về chuyện nộp thuế nhiều hay ít của nhà đầu tư”, một vị chuyên gia bình luận và cho rằng, vấn đề lợi ích của FDI đối với kinh tế - xã hội là vô cùng phức tạp, đòi hỏi phải có các nghiên cứu thận trọng và sâu sắc mới có được đánh giá chính xác. “Nếu chỉ thông tin một cách phiến diện, thì có thể sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường đầu tư của Việt Nam”, vị chuyên gia này nói. Theo Dân Trí
Mình thì ủng hộ các dự án công nghệ cao. Giải quyết việc làm cho người dân. Chỉ mong họ làm ăn đc thì cũng phải trả lương cho người lao động đc cân xứng.