Việt Nam không cấm các doanh nghiệp OTT (Over-the-top) hoạt động, nhưng chính sách quản lý sẽ yêu cầu họ phải có trách nhiệm đối với nhà mạng. Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Bắc Son vừa yêu cầu Cục Viễn thông phải xây dựng xong chính sách quản lý các ứng dụng và doanh nghiệp OTT trong 6 tháng đầu năm 2014, theo hướng yêu cầu những doanh nghiệp, ứng dụng này hoạt động một cách có "trách nhiệm" đối với nhà mạng, đảm bảo các bên đều phải có lợi. Đây sẽ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục Viễn thông trong năm tới nhằm xây dựng, tổ chức thị trường viễn thông phát triển bền vững, Bộ trưởng Son khẳng định. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là phải đảm bảo rằng những chính sách này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến người dùng dịch vụ. Thời gian qua, các ứng dụng OTT như Viber, WhatsApp, Line, Kakao Talk, Zalo... đã nhanh chóng xuất hiện và trở nên phổ biến nhờ những lợi ích rõ rệt cho người dùng như nhắn tin, gọi điện miễn phí qua mạng Internet. Tuy nhiên, sự nổi lên chóng mặt của các ứng dụng OTT cũng chính là nỗi lo sợ của các nhà mạng, bởi họ cho rằng OTT sẽ ăn lẹm vào doanh thu nhắn tin SMS và đàm thoại qua mạng di động. Một số nhà mạng như Viettel thậm chí đã từng kêu gọi Bộ TT&TT cấm hoàn toàn các ứng dụng OTT tại Việt Nam. Tuy nhiên, quản lý OTT như thế nào thì vẫn chưa có một quy chuẩn ứng xử thống nhất trên phạm vi toàn thế giới. Trong khi Ả rập và một số nước châu Âu cấm cửa OTT thì Mỹ lại thả nổi không quản lý, Hàn Quốc và Nhật Bản lại có những chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp OTT vươn ra quốc tế... Trong khi chờ đợi sự cứu giúp từ phía chính sách, một số nhà mạng quốc tế đã chủ động bắt tay cùng các ứng dụng OTT để xây dựng những gói cước OTT chuyên biệt. Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA) công bố tại Ngày Internet Việt Nam 4/12, tỷ lệ sử dụng các dịch vụ OTT qua smartphone tại Việt Nam đang tăng dần từ 24,7% trong năm 2012 lên 33,8% vào năm 2013; dự kiến 3 năm 2014 - 2015 - 2016 sẽ tiếp tục đạt được các mức 41% - 44,2% - 45,5%. Theo Trọng Cầm - Vietnamnet