Sẽ chấm dứt “xài chùa” tần số vô tuyến điện

Thảo luận trong 'Nơi Trao Đổi Chung' bắt đầu bởi quanvu72, 23 Tháng sáu 2009.

  1. quanvu72 Thành viên

    [​IMG]
    Các đại biểu Quốc hội TP. HCM và Quảng Ngãi họp tổ thảo luận về dự án Luật Tần số Vô tuyến điện chiều 15/6/2009. Ảnh: Lê Hạnh
    ICTnews – Tần số vô tuyến điện là tài nguyên quý giá, hiếm hoi của quốc gia, cần phải sử dụng hiệu quả, sử dụng phải trả tiền chứ không thể “xài chùa”.
    Chiều nay, ngày 15/6/2009, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án luật Tần số Vô tuyến điện. Các đại biểu đều cho rằng việc ban hành luật này là cần thiết trong bối cảnh nhu cầu sử dụng tần số vô tuyến điện hiệu quả cấp thiết hơn bao giờ hết.
    Xác định là tài nguyên quý giá của quốc gia với dung lượng có hạn, các đại biểu Quốc hội đều đặt ra yêu cầu đối với Luật Tần số Vô tuyến điện phải thể hiện rõ quan điểm quy hoạch nguồn tài nguyên này.
    Theo đại biểu Trần Du Lịch, TP. HCM, quan điểm quy hoạch tần số vô tuyến điện nên như quy hoạch đất đai, có nghĩa là sử dụng thì phải trả phí, lệ phí; sẽ thu hồi nếu sử dụng không hiệu quả. Ông đề nghị phần sử dụng cho an ninh quốc phòng, cho quản lý nhà nước và một phần rất quan trọng là khai thác thương mại trong lĩnh vực di động, phát thanh truyền hình phải rõ ràng.
    [​IMG]
    Ông Trần Du Lịch. Ảnh: Lê Hạnh
    Ngoài ra, quy hoạch cũng thể hiện ở góc độ công nghệ. Theo ông Lịch, Luật cần phải quy hoạch công nghệ, thiết bị sử dụng khai thác kinh doanh tần số vô tuyến điện. Chẳng hạn, nếu truyền hình sớm số hóa, hạn chế dần sử dụng công nghệ analog thì sẽ tiết kiệm được băng tần rất lớn, hiệu quả cao.
    “Phải báo trước như thế để định hướng cho doanh nghiệp hoạt động theo công nghệ đó. Cái này nhà nước phải định hướng chứ không phải tùy làm thế nào cho tiện nhất”, ông Lịch nói.
    Cũng như ông Trần Du Lịch, ông Nguyễn Việt Dũng, đại biểu TP.HCM nêu ra yêu cầu đầu tiên với Luật Tần số Vô tuyến điện là phải thể hiện chiến lược quốc gia về sử dụng tần số vô tuyến điện.
    “Tần số vô tuyến điện là một nguồn tài nguyên quốc gia và ở một góc cạnh nào đó nó cũng là một tài nguyên hữu hạn chứ không phải vô hạn, nó phụ thuộc vào trình độ khoa học công nghệ cho nên việc quy hoạch và sử dụng một cách hiệu quả tần số vô tuyến điện trong các lĩnh vực kinh tế xã hội cũng như an ninh quốc phòng của một đất nước hết sức quan trọng”, ông Dũng nói.
    Liên quan đến quy hoạch, sử dụng tần số vô tuyến điện, đại biểu Huỳnh Thành Đạt, TP. HCM, Võ Tuấn Nhân, Quảng Ngãi, đề nghị Luật thể hiện rõ chính sách ưu tiên tần số vô tuyến điện phục vụ cho miền núi, vùng sâu, vùng xa, hải đảo.
    Về thành lập Ủy ban quốc gia về tần số vô quyến điện, có ý kiến cho rằng không nên vì e ngại bộ máy nhà nước “phình” ra. Trong khi đó, có ý kiến ủng hộ, nói Ủy ban sẽ không làm phát sinh biên chế bởi Ủy ban là tập hợp đại diện các Bộ liên quan như Bộ TT&TT, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng… hoạt động kiêm nhiệm và trực tiếp tham mưu cho Chính phủ.
    Đối với thanh tra chuyên ngành, các đại biểu cho rằng cần thiết phải có nhưng trước hết phải sửa đổi Luật Thanh tra. Quan điểm của các Đại biểu Quốc hội là Bộ quản lý Nhà nước phải thực hiện thanh tra nhà nước chứ không phải là Thanh tra Chính phủ thực hiện thanh tra nhà nước như hiện nay.
    “Phải sửa đổi luật Thanh tra theo hướng quản lý nhà nước về các ngành. Đó là quản lý nhà nước cao nhất chứ không phải là quản lý nhà nước dưới thanh tra Chính phủ như hiện nây”, ông Võ Tuấn Nhân nói.
    Lê Hạnh