'Siêu mod' Siemens SL45 Ra đời từ năm 2001, chiếc điện thoại “cổ lỗ sĩ” SL45 hiện được dân “độ” (những người chơi thiết bị tự chỉnh sửa) chú ý đặc biệt. Nền tảng tuyệt vời do Siemens trang bị giúp những người yêu thích công nghệ tạo cho mình vật dụng không giống ai cả về phần cứng lẫn phần mềm. Số phận hẩm hiu vì … đi trước thời đại Khi ra mắt, SL45 được ghi danh là một trong những điện thoại chơi nhạc MP3 đầu tiên. Chất lượng âm thanh của “dế cụ” từng được người sử dụng đánh giá “không thua gì iPod” nếu sử dụng tai nghe chuẩn đi kèm máy. Tuy nhiên, chiếc điện thoại hi-tech này không tạo được “cú hích” thực sự như kỳ vọng của Siemens vì “đi trước thời đại” quá xa. Chiếc SL45 (phải) và chiếc vỏ đã "độ" lại vị trí ăng-ten.Ảnh: Hưng Hải. “Đây là chiếc điện thoại tốt, đặc biệt là tính năng nghe nhạc và ghi âm chuyên nghiệp. Dù sinh ra cùng thời, nhưng nghe nhạc trên SL45 hay hơn hẳn Samsung M100, thậm chí cả một số điện thoại chạy Symbian hiện nay cũng không bằng”, anh Nguyễn Thuỵ Giang, một dân chơi SL45 tại Hà Nội, nhận xét. Anh Giang cho biết mỗi chiếc SL45 được bán kèm 1 thẻ nhớ MMC (Multimedia card) 32 MB, lưu trữ được khoảng 45 phút nhạc MP3 tuỳ thuộc vào tỷ lệ nén. Vì thế, dung lượng nhỏ bé đó không thoả mãn được sở thích của những tay mê nhạc số, trong khi thẻ MMC và đầu đọc chưa phổ biến như hiện nay. Giao tiếp duy nhất là cáp nối dữ liệu đi kèm máy nhưng tốc độ upload quá chậm khiến người sử dụng phát chán. Không phải ai dùng điện thoại cũng có thể sử dụng máy tính và làm một loạt thao tác như cắm cáp, chạy phần mềm tải nhạc… Mặt khác kiểu dáng của SL45 cũng không bắt mắt, đa số người tiêu dùng Việt Nam khi đó đang thích những mẫu nhỏ gọn, ăng-ten ngầm của Nokia hoặc bóng bẩy của Samsung. Đó là những trở ngại căn bản khiến SL45 không thể hiện hết mình dù được Siemens chăm sóc khá kỹ lưỡng. Đổi đời vì thú săn điện thoại cổ Sự chuyển động liên tục của thị trường khiến SL45 trở thành “đồ cổ” ở tuổi … mẫu giáo lớn. Không còn là món đồ thời thượng đắt tiền, dân mod bất ngờ khám phá ra nền tảng tuyệt vời của SL45. “Ngoại trừ chiếc màn hình đơn sắc màu hổ phách không chế lại được, còn lại cái gì của SL45 cũng có thể nâng cấp không thua kém bất cứ chiếc điện thoại hiện đại nào. Có lẽ Siemens cũng không ngờ tới chiếc điện thoại của mình có thể làm được nhiều thứ như hiện nay”, Hoàng Ngọc Anh, một dân mod điện thoại Hà Nội, nói. Chia sẻ với quan điểm trên, Ngô Tùng Lâm, trưởng nhóm “độ” điện thoại NEX7 ở Hà Nội, cho biết SL45 được làng mod yêu quý vì khả năng “chơi cả phần cứng lẫn phần mềm”, tự tạo giao diện, ứng dụng riêng cho mình chứ không chỉ cắt dán, sửa vỏ như các điện thoại khác. Điện thoại Amobie được chế từ SL45. Ảnh: Hưng Hải. “Cộng đồng chơi SL45 trên thế giới khá đông, giao lưu trên những diễn đàn về điện thoại di động như gsmhosting.com. Cả bộ phát triển ứng dụng dành riêng cho dòng máy này cũng là do người dùng tự nghiên cứu và phát triển”, Lâm nói. Từ tháng 10/2005, nhóm NEX7 của Lâm đã thiết kế khoảng 30 chiếc điện thoại Aurora được “chế” từ SL45 với vỏ máy được làm thủ công từ gỗ trắc, gỗ mun và gỗ xưa có khảm trai. Đến tháng 11/2006, phiên bản 2 của Aurora ra đời với tên gọi Amobie được đánh giá là chiếc SL45 mod hoàn chỉnh nhất từ trước tới nay. Những phím bấm cũng được khắc từ gỗ thay cho mica trắng trong phiên bản đầu. Nắp khoang chứa pin và cắm sim đã được tách rời tiện dụng hơn nhưng “hy sinh” khoảng không để khảm trai. Chính xác thì đây là chiếc điện thoại “liên hợp quốc” vì ngoài main và màn hình của SL45, các linh kiện khác đều được bổ sung, kết hợp từ nhiều nguồn. Pin chuẩn khó kiếm nên Amobie sử dụng nguồn điện được chế lại từ pin dung lượng cao của Nokia, có thể đàm thoại liên tục trong 7-12 giờ, thời gian chờ tối đa là 10 ngày. Vốn nổi danh vì khả năng chơi nhạc MP3, Amobie sau khi được cài đặt lại có thể nhận dạng thẻ MMC lên tới 2 GB so với 32 MB ban đầu. Loa ngoài tích hợp sẵn lấy từ Nokia 6230, jack cắm tai nghe từ Sony-Ericsson K750. Phần mềm nghe nhạc “cải tiến” thêm tính năng điều chỉnh bass/treble. "Thẻ nhớ và đầu đọc giờ đây đã phổ biến và quen thuộc với người dùng điện thoại nên tốc độ tải nhạc không còn là rào cản nữa", Lâm nói. Phím bấm bằng gỗ được chạm khắc khá tinh xảo. Ảnh: Hưng Hải. Điều mà dân mod điện thoại cho rằng “Siemens cũng chưa chắc đã tính đến” là SL45 được bổ sung khả năng hỗ trợ Java. Các phần mềm trò chơi, từ điển đa tính năng, soạn thảo văn bản, giao diện dạng lưới (grid) bằng tiếng Việt… đem lại cho SL45 khả năng ứng dụng cao. Thậm chí, có cả phần mềm xem video, mặc dù phần mềm này mang tính trình diễn là chính chứ xem phim trên màn hình đơn sắc, bé tẹo của SL45 cũng chẳng thú vị gì. “Độ phần vỏ thì bất cứ điện thoại nào cũng làm được, nhưng khả năng ‘chơi’ cả phần mềm như SL45 thì chưa thấy cái thứ 2”, Hoàng Ngọc Anh nói. Hiện tại, SL45 cũ đang được giới săn đồ lùng mua giá khoảng 800.000 - 1.000.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi chế tác lại thì giá bán có thể là vô cùng. “Mỗi người đều có sở thích riêng và chơi điện thoại độc cũng là một cái thú. Số tiền để làm 1 chiếc Aurora hay Amobie có thể mua được hẳn 1 chiếc điện thoại đời mới. Tuy nhiên, sự độc đáo từ chế tác thủ công thì không cái nào giống cái nào được”, anh Nguyễn Thành Trung, một chủ sở hữu chiếc Aurora, chia sẻ. (Sưu tầm)