SIM không cần đăng ký: Mua bao nhiêu cũng có

Thảo luận trong 'Nơi Trao Đổi Chung' bắt đầu bởi [C]raz[Y], 8 Tháng ba 2010.

  1. [C]raz[Y] Ex-Mod

    ICTnews - Tự tạo ra SIM khuyến mãi, bán SIM đã kích hoạt, không yêu cầu người mua đăng ký thông tin... những hành vi kinh doanh sai phạm này vẫn không hề giảm.

    “Cắt SIM không đăng ký thì chúng tôi vỡ nợ à”

    Kể từ khi có quy định thuê bao trả trước phải đăng ký thông tin cá nhân, rất nhiều người đã đến các điểm giao dịch của các mạng di động để đăng ký thông tin, đặc biệt vào những ngày cuối năm 2009. Tuy nhiên, theo khảo sát của phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam, tình hình kinh doanh, mua bán SIM tại các đại lý SIM, thẻ trên toàn quốc hầu như không thay đổi kể từ thời điểm “nhạy cảm” là cuối năm 2009 đến nay. Đến nhiều đại lý SIM, thẻ hỏi mua SIM khuyến mãi, các đại lý không hề yêu cầu khách hàng phải đăng ký thông tin, thậm chí cả khi khách hàng hỏi đến, họ đều nói theo ý “thích thì đăng ký, không thì thôi”. Người mua chỉ việc bỏ ra khoảng 50.000 -70.000 đồng là sở hữu SIM với số tiền trong tài khoản gấp 2, 3 lần. Đây là loại SIM mà nhiều người gọi là “SIM rác” vì người dùng mua về để gọi, khi hết tiền trong tài khoản lại “vứt đi”.

    Hiện nay số SIM khuyến mãi tồn tại rất nhiều ở các đại lý, thậm chí ở các cửa hàng nước. Những ngày gần đây, phóng viên báo Bưu Điện Việt Nam vẫn có thể dễ dàng hỏi mua được những chiếc SIM khuyến mãi mà không cần đăng ký. Khi được hỏi về nguy cơ bị cắt dịch vụ, hầu hết các chủ đại lý SIM thẻ đều khẳng định “không thể cắt được”, thậm chí “cắt thì chúng tôi vỡ nợ à”.

    Trong vai khách hàng, phóng viên Báo Bưu điện Việt Nam đã mua một SIM 11 số của mạng VinaPhone, được xếp vào hàng “SIM rác” giá 125.000 đồng, trong tài khoản có 440.000 đồng tại một đại lý trên đường Kim Mã, chủ đại lý khẳng định không cần đăng ký thông tin cá nhân. Quả thật, không phải kích hoạt, đăng ký hay làm bất cứ thao tác nào, chỉ việc khi lắp SIM vào máy điện thoại và sử dụng.

    Tuy nhiên, khi kiểm tra tài khoản, thông tin cho thấy trong tài khoản chính chỉ có 500 đồng, tài khoản khuyến mãi có 440.000 đồng, hạn sử dụng đến ngày 1/6/2010 với điều kiện tài khoản khuyến mãi chỉ sử dụng được khi tài khoản chính còn tiền và hạn sử dụng. Song ngay sau khi lắp SIM vào máy ĐTDĐ, máy liên tục có tín hiệu nhận được tin nhắn mới. Có đến trên 10 tin nhắn đã được gửi đến, với nội dung “bạn đã tặng 50.000 đồng từ tài khoản chính của mình sang tài khoản chính của một thuê bao 123204…, cám ơn bạn đã sử dụng dịch vụ 2Friend của VinaPhone”.

    Tin nhắn nhận được sớm nhất là từ khoảng tháng 4/2009, mặc dù chiếc SIM này vừa được mua và lắp vào máy điện thoại, chưa hề đăng ký sử dụng dịch vụ 2Friend (dịch vụ chuyển tiền cho các thuê bao trả trước của VinaPhone), hay thao tác để tặng tài khoản cho bất cứ ai. Theo nhiều người, các đại lý đã dùng nhiều “thủ thuật” để tạo ra những chiếc SIM như thế này, họ đã tận dụng các đợt khuyến mãi SIM, thẻ cào của nhà mạng, mua SIM khuyến mãi với số lượng lớn, tự kích hoạt, tận dụng dịch vụ chia sẻ tài khoản, chuyển sang gói cước khác để gia tăng thời hạn sử dụng của SIM…

    [​IMG]

    Nhà mạng mới chỉ quản lý được Sim khuyến mại tại các cửa hàng của mình mà vẫn chưa giám sát chặt chẽ các đại lý. Ảnh: T.K

    Khó quản!

    Đại diện truyền thông của VinaPhone khẳng định đại lý làm như thế là sai và trong trường hợp phát hiện ra, mạng di động sẽ xử lý theo hợp đồng ký kết giữa hai bên. Thực tế, không chỉ mạng VinaPhone mà SIM khuyến mãi đã kích hoạt đều có đầu số của hầu hết các mạng di động tại Việt Nam.

    Theo quy định, mọi khách hàng khi mua SIM mới đều phải đăng ký thông tin rồi mới sử dụng được, tuy nhiên, đây lại là loại SIM đã được đại lý kích hoạt từ trước. Đại diện mạng di động MobiFone cho biết với những SIM đại lý đã kích hoạt, người mua có thể đăng ký lại, hoặc không cần đăng ký vẫn sử dụng được. Vì thực tế đại lý đã đăng ký thông tin hợp lệ trước đó. Hệ thống phần mềm chỉ mới kiểm tra được thông tin hợp lệ hay không, chứ chưa kiểm tra được thông tin đó đúng, chính xác hay không. MobiFone cũng cho rằng nhà mạng khó kiểm soát được hoạt động của các đại lý SIM, để biết họ làm sai hay không. Đại lý có thể mua cả lô SIM về và kích hoạt trước để dùng, để bán lại. VinaPhone khẳng định sẽ kiểm tra các đại lý song vẫn thừa nhận khó khăn, “đại lý chắc gì đã ký hợp đồng với VinaPhone, mà có thể là các đại lý trôi nổi trên thị trường”.
    Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam, một cán bộ của Thanh tra Bộ TT&TT khẳng định, các đại lý bán SIM đã kích hoạt là sai quy định và sẽ bị xử phạt. Theo báo cáo kết quả thanh tra của Bộ TT&TT, SIM được kích hoạt trước khi bán cho người sử dụng chủ yếu được phát hiện tại các đại lý, điểm giao dịch được uỷ quyền, mặt khác do SIM được mua bán lòng vòng giữa các các điểm giao dịch được uỷ quyền, đại lý, tổng đại lý nên rất khó khăn để xác định chính xác chủ thể đã kích hoạt là doanh nghiệp thông tin di động hay đại lý.

    Ngoài ra, tại các tỉnh đều có tình trạng bán SIM đã bị kích hoạt trước, việc giám sát của doanh nghiệp thông tin di động đối với các chủ điểm giao dịch được uỷ quyền không nghiêm túc, không chặt chẽ, giám sát không hiệu quả. Nhiều đại lý, điểm giao dịch chưa có hợp đồng uỷ quyền nhưng vẫn được cung cấp SIM đa năng để đăng ký thông tin thuê bao. Trong khi đó, phần mềm quản lý thuê bao trả trước của các mạng di động chỉ quản lý việc 1 chứng minh thư không được đăng ký quá 3 số thuê bao di động trả trước từ ngày 10/8/2009 trở đi mà không đối chiếu với cơ sở dữ liệu về thông tin thuê bao trước ngày 10/8/2009.

    Trao đổi với Báo Bưu điện Việt Nam, Thanh tra Bộ TT&TT cho biết sẽ chỉ đạo các Sở tiến hành, kiểm tra, đóng vai trò chủ chốt để phát hiện và xử phạt những đại lý làm sai quy định. Sắp tới, Thanh tra Bộ cũng sẽ tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp di động.

    Nhóm phóng viên ICT