Theo dự báo của Công ty nghiên cứu thị trường GFK, năm 2005 doanh số điện thoại di động (ĐTDĐ) sẽ tiếp tục tăng nhanh và sẽ có khoảng 2,4 triệu chiếc điện thoại mới được tiêu thụ. Những yếu tố chính kích thích sự phát triển nhanh chóng của thị trường này là nhờ sự cạnh tranh quyết liệt giữa các nhà cung cấp dịch vụ, chính sách giảm giá thuế nhập khẩu ĐTDĐ, sự tăng cường đầu tư vào các hoạt động marketing, đặc biệt là sự xuất hiện của nhiều loại máy mới hiện đại. Thêm 3,9 triệu thuê bao Các chuyên gia trong ngành dự báo năm 2005 VN sẽ có thêm khoảng 3,9 triệu thuê bao di động mới. Ngoài các nhà cung cấp dịch vụ đang hoạt động là Vinaphone, MobiFone, Viettel, S-Fone, Cityphone, năm nay còn có hai doanh nghiệp tham gia thị trường là VP Telecom và Hanoi Telecom. Dự kiến trong quí 2-2005 VP Telecom sẽ đưa mạng CDMA vào khai thác. Trong khi đó, Hanoi Telecom đang chờ đợi Chính phủ phê duyệt dự án liên doanh mạng CDMA có qui mô gấp ba lần dự án của mạng S-Fone với khoảng trên 600 triệu USD. Dự báo trong thời gian tới, cước dịch vụ thông tin di động sẽ tiếp tục giảm mạnh. Các doanh nghiệp sẽ tung nhiều gói cước để phân đoạn thị trường tìm kiếm khách hàng mới. Và chắc chắn người sử dụng sẽ được hưởng lợi nhiều nhất. Hiện có hơn 20 nhãn hiệu điện thoại trên thị trường VN, nhưng năm hãng lớn đang dẫn đầu về thị phần là Nokia, Samsung, Sony Ericsson, Motorola và Siemens. Năm vừa qua, Nokia và Samsung tiếp tục thống lĩnh thị trường với khoảng 85% thị phần ĐTDĐ. Dự đoán năm 2005, hai hãng này sẽ tiếp tục dẫn đầu thị trường, sau đó là Motorola, Sony Ericsson và Siemens. Bên cạnh đó, một số hãng cũng có con số tăng trưởng khả quan như LG, Innostream, Panasonic, VK Mobile, V Fone và Philips. Ngoài ra, năm 2005 cũng đánh dấu sự có mặt các hãng sản xuất ĐTDĐ VN như VinaMobi, TP... Theo GFK, sự cạnh tranh giữa hơn 20 hãng ĐTDĐ đã tạo nên một thị trường năng động hơn với nhiều mẫu máy, nhiều mức giá khác nhau. Dự báo giá ĐTDĐ sẽ tiếp tục giảm. Tuy nhiên, những model trang bị nhiều chức năng hiện đại có mức giá cao vẫn sẽ được tiêu thụ mạnh. Sự cạnh tranh giá cả sẽ khốc liệt hơn trong năm 2005 và hàng chính hãng với mức giá ngày càng hợp lý sẽ phát triển mạnh hơn. Nokia và Samsung không có đối thủ? Nhìn những con số trên chúng ta có thể tưởng tượng sự thống lĩnh thị trường của Nokia và Samsung, xem ra thị phần còn lại là quá nhỏ bé cho gần 20 nhãn hiệu khác. “Hiện nay, Motorola và Sony Ericsson đều đang cố gắng phát triển kênh phân phối, đưa nhiều model vào thị trường, đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động marketing. Do đó thị phần của hai hãng này sẽ ổn định và tăng trong năm 2005. Tuy nhiên, khó có thể phân định vị trí trên thị trường vì các hãng đang cạnh tranh rất mạnh mẽ và nhiều bất ngờ sẽ xảy ra” - GFK cho biết. Nhưng nhiều chuyên gia trong lĩnh vực ĐTDĐ dự đoán Sony Ericsson có thế mạnh hơn vì họ đang có một số sản phẩm khiến bất cứ người tiêu dùng nào cũng phải quan tâm. Sony Ericsson chủ trương thiết kế những chiếc ĐTDĐ có hai mặt (dual-front) đều quan trọng như nhau (không có khái niệm mặt trước và mặt sau như những chiếc ĐTDĐ trước đây), và thực tế những chiếc ĐTDĐ mới hai mặt của hãng này đã tạo được ấn tượng tốt ngay trong những lần giới thiệu đầu tiên. Theo khảo sát, những kiểu dáng được nhiều người ưa chuộng nhất là điện thoại dạng thỏi (bar) chiếm 65% thị trường, còn dạng gập (clam) 30%. Điện thoại màn hình màu chiếm hơn 78% thị trường và có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt là điện thoại có màn hình 65.000 màu (chiếm 43%). Điện thoại có chức năng chụp ảnh chiếm 35% thị trường và tăng lên rất nhanh trong năm 2004 và các năm sau. Trong tháng 1-2005, thị trường máy cầm tay này rất sôi động, giá nhiều loại thiết bị cũng giảm. Điện thoại CDMA đang được bán rất chạy và lĩnh vực này đang có thêm sự tham gia của Nokia và Motorola. (Tuoi Tre)