Sony NEX-5 khoe tài khử nhiễu

Thảo luận trong 'Tin Công Nghệ' bắt đầu bởi masterfight, 25 Tháng năm 2010.

  1. masterfight Thành viên

    Sony NEX-5 dễ dàng đánh bại Panasonic G2 và Olympus E-P1 trên cả tất cả các hạng mục về độ sắc nét ảnh, khả năng khử nhiễu, giữ lại chi tiết và độ chuẩn xác về màu sắc.

    [​IMG]

    Sony Alpha NEX-5 gây ấn tượng mạnh nhờ thân hình nhỏ gọn và bộ tính năng phong phú.

    Ảnh: Imaging Resource.
    Sau một thời gian "hâm nóng" thị trường bằng những mẫu máy ảnh compact đình đám, Sony tiếp tục làm chao đảo "mảnh đất" DSLR bằng bộ đôi NEX-3 và NEX-5 với những đột phá về mặt mẫu mã cũng như chất lượng hình ảnh.

    Bộ đôi máy ảnh "DSLR không gương lật" của Sony có cấu tạo và tính năng tương đối giống nhau, chỉ có một chút khác biệt về ngoại hình và khả năng quay video HD. Việc lược bớt buồng gương lật và thay ống ngắm quang bằng viewfinder số đã giúp thu nhỏ đáng kể kích thước cũng như khối lượng thân máy. Sáng kiến này đã từng được Panasonic và Olympus thực hiện trên dòng Micro Four Thirds cách đây hai năm. Điểm thu hút sự chú ý nhiều nhất trên dòng NEX chính là việc Sony lần đầu tiên sử dụng công nghệ Exmor-R trên cảm quang kích thước lớn APS-C. Kết hợp với vi xử lý BIONZ thế hệ mới, tốc độ chụp liên tiếp của máy có thể đạt tới 2,7 hình/giây dù độ phân giải mỗi ảnh lên tới 14 Megapixel (theo thử nghiệm của Imaging Resource). Ngoài ra, nhờ kỹ thuật đẩy lớp tế bào nhạy sáng lên sát lưới lọc màu và vi kính, công nghệ mới còn hứa hẹn khả năng thu sáng và khử nhiễu vượt trội so với nhiều mẫu máy ảnh cảm biến lớn có mặt trên thị trường hiện nay.
    Bài thử nghiệm sau so sánh chất lượng ảnh tại thiết lập ISO 1.600 của model NEX-5 với một số đối thủ Micro Four Thirds và DSLR cùng tầm giá. Ảnh được lưu dưới dạng JPEG độ phân giải tối đa, tính năng khử nhiễu đặt về mức mặc định. Chế độ tối ưu hóa dải tương phản trên các máy ảnh thử nghiệm đều được tắt do đây là nguyên nhân đẩy cao lượng nhiễu trên các vùng thiếu sáng. Khu vực ảnh test được crop 100% từ file gốc. Phòng thử nghiệm sử dụng nguồn sáng trắng khuếch tán nhằm giảm thiểu sai lệch do cơ chế cân bằng trắng của máy gây ra.


    [​IMG]

    Sony NEX-5 đọ sức khử nhiễu cùng Panasonic G2 và Olympus E-P1. Ảnh: Imaging Resource.
    Sở hữu cảm biến có kích thước lớn hơn tới 60% so với các đối thủ Micro Four Thirds nên Sony NEX-5 dễ dàng đánh bại Panasonic G2 và Olympus E-P1 trên cả tất cả các hạng mục về độ sắc nét ảnh, khả năng khử nhiễu, giữ lại chi tiết và độ chuẩn xác về màu sắc.

    Tại thiết lập ISO 1.600, ảnh cho bởi Panasonic G2 xuất hiện rất nhiều sạn với kích thước lớn khiến các vùng có độ tương phản cao không còn tách biệt. Thuật toán khử nhiễu cũng khiến cho ảnh hơi mờ, không thể hiện được các chi tiết trên váy và khuôn mặt của bức tranh. Đặc biệt, sự sai lệch màu sắc xảy ra khá nghiêm trọng tại các vùng có màu rực làm ảnh có cảm giác hơi xỉn. G2 gần như "bó tay" trong việc tái hiện các chi tiết tối trên nền đỏ sậm của bức ảnh cuối cùng.
    Sở hữu cảm biến có kích thước và độ phân giải tương tự G2 nhưng phiên bản Micro Four Thirds của Olympus tỏ ra nhỉnh hơn "người anh em" về giải thuật khử nhiễu. Sạn xuất hiện nhiều trên các vùng ảnh tối nhưng các chi tiết vẫn được giữ lại khá nhiều. Độ nét thể hiện bởi E-P1 gần như ngang ngửa Sony NEX-5. Màu sắc và độ tương phản bị đẩy lên cao khiến ảnh hơi rực nhưng không đáng lo ngại. Khả năng tái hiện các chi tiết có màu sẫm trên nền đỏ sậm khá ấn tượng. Tuy nhiên, nhiễu hạt khá nhiều và to đã khiến các vùng ảnh không được đều và mịn như của Sony NEX-5.


    [​IMG]

    Samsung NX10 "thua trắng" trước Sony NEX-5 nếu xét riêng khả năng khử nhiễu. Ảnh: Imaging Resource.
    Samsung NX10 và Sony NEX-5 khá giống nhau về cấu trúc theo kiểu "lai tạp" giữa DSLR và máy compact bằng việc lược bỏ buồng gương lật và thiết kế lại ngàm ống kính. Cả hai sản phẩm đều sở hữu cảm quang APS-C công nghệ CMOS, độ phân giải trong ngưỡng 14 triệu điểm ảnh. Tuy nhiên, nếu xét riêng về khả năng khử nhiễu tại thiết lập ISO cao, Samsung NX10 hoàn toàn thua trắng trước "người anh em" đến từ Sony. Nhiễu dạng kết tủa màu xuất hiện mạnh trên cả vùng ảnh sáng khiến dải tương phản bị đẩy xuống rất thấp. Các vùng màu không bị ảnh hưởng nhiều nhưng lại hơi kém nét. Tương tự G2, Samsung NX10 hoàn toàn bó tay trong việc thể hiện các nếp uốn màu xám trên nền đỏ. Các pixel bị rạn và thô khiến ảnh trông kém hấp dẫn hơn cả hai "đàn em" Panasonic G2 và Olympus E-P1.

    [​IMG]

    Sony NEX-5 khá ngang ngửa khi đọ sức cùng các mẫu DSLR thực thụ. Ảnh: Imaging Resource.
    Sở hữu cảm quang độ phân giải rất lớn (15,1 Megapixel) và công nghệ đã lỗi thời tới hơn một năm nhưng Canon 500D tỏ ra không hề kém cạnh đối thủ mới "ra lò" Sony NEX-5. Màu sắc được tái hiện rất tốt trên cả hai model. Nếu tinh mắt, bạn có thể nhận thấy ảnh cho bởi Canon 500D hơi mờ, có lẽ do thuật toán khử nhiễu trên vi xử lý DIGIC 4 hoạt động quá mạnh. Nhiễu dạng kết tủa màu xuất cũng xuất hiện trên các vùng tối nhiều hơn NEX-5 một chút nhưng không đáng kể. Cả hai sản phẩm đều thể hiện rất tốt các chi tiết màu sẫm trên nền đỏ. Tuy nhiên, do ưu thế ít nhiễu nên ảnh cho bởi Sony NEX-5 mịn hơn hẳn đối thủ đến từ Canon. Sự chuyển tiếp từ vùng màu đỏ sang sẫm có phần mềm mại và tinh tế chứ không đột ngột như trên 500D.

    Tương tự Canon 500D, Nikon D5000 cũng gặp phải vấn đề với nhiễu dạng kết tủa màu trên các vùng ảnh tối. Bù lại, thuật toán khử nhiễu hoạt động không quá mạnh khiến ảnh có phần sắc nét hơn NEX-5. Màu sắc cho bởi Nikon D5000 có xu hướng hơi ngả vàng khiến các vùng màu rực bị xỉn nhưng rất khó nhận biết. Chính ưu thế về độ nét đã khiến khả năng thể hiện sắc đen trên nền đỏ của D5000 vượt trội sản phẩm đến từ Sony. Các rãnh xám có kích thước nhỏ được ghi lại rất chi tiết, dù rằng chất lượng điểm ảnh có phần đi xuống do hiện tượng vỡ pixel. Bão hòa màu rất cao trên D5000 cũng góp phần giúp tách biệt hẳn hai gam đỏ và xám, giúp chúng không bị trộn lẫn với nhau như trên Sony NEX-5 và Canon 500D.