iOS 7 vừa ra mắt tại WWDC 2013 mang tới sự thay đổi lớn nhất từ trước đến nay của Apple dành cho hệ điều hành iOS, sau khi trải qua 6 phiên bản khác nhau. Không như các hãng điện thoại khác, Apple lại sản xuất cả phần cứng và phát triển phần mềm đồng thời, để tạo ra những chiếc smartphone có tính ổn định và thống nhất cao về hiệu suất. Cùng với màn ra mắt của chiếc iPhone đầu tiên (2G), hệ điều hành iPhone OS (tên gọi ban đầu của iOS) đã được Apple công bố. So với các hệ điều hành trên smartphone cùng thời như Symbian hay Windows Mobile, iPhone OS có thiết kế giảm bớt rườm ra như việc giấu đi các tập tin hệ thống, tập trung chính vào trải nghiệm của người dùng. Các icon được thiết kế mô phỏng kiểu dáng của vật thể thật ngoài đời, nhằm đem đến sự gần gũi khi sử dụng. Hệ điều hành iPhone 2.0 ra mắt hơn 1 năm sau đó, tháng 7/2008, tạo nên sự khác biệt so với những nền tảng khác và phiên bản đầu tiên nhờ việc được tích hợp kho ứng dụng App Store. Apple khi đó cũng đưa ra bộ công cụ dành cho giới lập trình viên (SDK) để phát triển nội dung cho nền tảng của hãng. Tích hợp kho ứng dụng App Store vào iPhone OS 2.0 là bước đi đầy đúng đắn của Apple khi không chỉ mang lại lợi thế, sự khác biệt của nền tảng này so với các đối thủ như Windows Mobile hay Symbian, mà nó còn thu về cho hãng không ít lợi nhuận từ việc kinh doanh phần mềm. Tính đến WWDC 2013, Apple Store đã có tới 50 tỷ lượt tải với gần 1 triệu ứng dụng khác nhau, mang về cho các nhà phát triển 10 tỷ USD. iPhone OS 3.0 được coi là một bản nâng cấp từ iPhone OS 2.0 khi bổ sung thêm những tính năng mới như Copy/Paste, thông báo Push Notification, tính năng tìm kiếm SpotLight Search hay điều khiển bằng âm thanh Voice Control. Giao diện trên những chiếc iPhone gần như không đổi trong suốt 3 năm đầu. Tuy nhiên, iPhone OS thế hệ 3 vẫn để lại dấu ấn khi là phiên bản iOS đầu tiên được sử dụng trên máy tính bảng iPad. Khác với iPhone, giao diện trên iPad được thiết kế rộng rãi, nhiều tính năng và thể hiện nội dung tốt hơn nhiều. Trong 6 thế hệ đầu của hệ điều hành iPhone OS, phiên bản thứ tư để lại nhiều ấn tượng nhất. Ra mắt vào tháng 6/2010 cùng với tên gọi mới iOS thay vì iPhone OS, hệ điều hành của Apple lúc đó được nhận xét là đẹp và quyến rũ. Hàng loạt các tính năng mới được Apple bổ sung khiến cho iOS 4 trông cũng mới mẻ, hiện đại hơn nhiều. Thanh thông báo Notification lần đầu tiên xuất hiện trên iOS 5 (ra mắt năm 2011), cho phép thể hiện các thông báo rõ ràng hơn. Tuy nhiên, không có nhiều điểm mới lạ được tích hợp thêm cho phiên bản này. Dấu ấn đặc biệt và gây nhiều chú ý nhất là tính năng điều khiển bằng giọng nói có tên Siri. Sau sự nổi bật iOS 4 và mờ nhạt của iOS 5, giới công nghệ mong chờ iOS 6 ra mắt vào quý III/2012 sẽ gây ấn tượng bằng nhiều cải tiến và tính năng. Tuy nhiên, Apple đã không làm hài lòng người mong đợi khi đưa ra những thay đổi rất nhỏ về giao diện, bổ sung thêm một vài tính năng nhỏ lẻ. Trong khi đó, hãng lại tạo ra không ít lo lắng vì loại bỏ Google Maps, YouTube, những ứng dụng phổ biến xuất hiện ngay từ bản iOS đầu tiên. iOS 7 là sự thay đổi lớn nhất mà Apple từng thực hiện trên iOS, vượt qua cả phiên bản thứ tư là nhận xét của nhiều người sau khi sản phẩm này ra mắt tại WWDC 2013. Với sự dẫn dắt của chuyên gia thiết kế Johnathan Ive, hệ điều hành của Apple chuyển từ phong cách mô phỏng thực tế sang phong cách phẳng mới lạ và trẻ trung. Những thiết kế đồ họa cầu kỳ từ ban đầu của iOS được loại bỏ và thay thế bằng sự tối giản. Điểm dễ nhận thấy nhất chính là ở các biểu tượng. Nếu so với iOS 6 tiền nhiệm, iOS 7 cũng mang lại hàng loạt cải tiến như có thanh thông báo mới, thêm công cụ điều khiển Control Center bên cạnh một giao diện hoàn toàn mới lạ, đơn giản nhưng nhiều màu sắc hơn. iOS 7 cũng đi kèm với những hứa hẹn cải thiện về hiệu năng và thời lượng pin. Hệ điều hành này sẽ được Apple phát hành chính thức vào mùa thu này, dành cho iPhone 4, 4S, 5, iPad từ đời 2 trở lên cùng với iPod Touch Gen 5. Theo Số hóa