Tại sao nên đổi DSLR Có tới 5 lý do chính khiến cho DSLR hơn hẳn một máy ảnh số bình dân, đó là tốc độ, chụp trong điều kiện thiếu sáng tốt hơn, ống kính có chất lượng, linh hoạt hơn, và cuối cùng là chúng cũng dễ sử dụng không kém gì máy ảnh thông thường cả. Những người đang sử dụng máy ảnh số bỏ túi sẽ có đôi lúc băn khoăn không biết mình có nên nâng cấp lên DSLR hay không. Câu trả lời rất đơn giản là có, bởi 5 lý do sau. DSLR nhanh hơn do độ trễ không cao. Ảnh: Letsgodigital. 1. DSLR nhanh hơn Nếu đang sở hữu một máy ảnh số thông thuờng, chắc hẳn sẽ có lúc bạn cảm thấy thất vọng bởi khi nhìn thấy một khung cảnh đẹp trên màn LCD, bạn bấm máy. Nhưng đến khi xem lại ảnh chụp thì nụ cười đã biến mất, mắt mở đã nhắm lại… Máy ảnh của không chớp được khoảnh khắc ngay khi bạn bấm nút. Tất cả bắt nguồn từ độ trễ. Nói chung tất cả các máy ảnh số đều có một độ trễ nhất định, nhưng ở máy ảnh bình dân thì độ trễ này tệ hại nhất. Có rất nhiều nguyên nhân gây ra độ trễ như do người chụp, do tốc độ hiển thị, cửa trập, tốc độ lấy nét hay zoom… Nếu do người chụp, độ trễ xảy ra trong quá trình tín hiệu nhận hình ảnh từ mắt, lên não xử lý rồi mới xuống đến tay, từ đó điều khiển cơ ngón tay bấm nút chụp. Đây là quá trình trễ tự nhiên trong xử lý thông tin của mỗi người nên để giảm tổng thời gian trễ, bạn phải nhờ vào tốc độ hoạt động của máy ảnh. Hầu hết mọi người bỏ qua yếu tố thứ hai, do màn hình. Nhưng quả thật, máy ảnh bình dân có một độ trễ nhất định khi ánh sáng đi qua ống kính, được cảm biến xử lý và hình ảnh được hiển thị lên màn LCD. Mặc dù có vẻ như những gì bạn thấy trên màn hình LCD của máy ảnh là những gì diễn ra trước mắt bạn, nhưng thật ra nó không diễn ra cùng lúc mà sẽ chậm hơn cảnh thật một chút. DSLR thì ngược lại, khung cảnh bạn nhìn qua khung nhìn không được cái gì xử lý cả mà được đi qua ống kính, qua gương phản chiếu, lăng kính ngũ giác và tới mắt. Do vậy những gì bạn nhìn thấy chính là những gì đang diễn ra với tốc độ thực ở thời gian thực và không có độ trễ nào cả. Tốc độ đóng mở cửa trập trên máy DSLR đều đạt mức 1/4000 đến 1/8000 giây, trong khi máy ảnh ảnh bình dân là 1/2000. Ảnh: Goldfries. Lý do thứ ba là do cửa trập. Ở máy ảnh bình dân, khi bấm, máy ảnh bắt đầu tìm điểm nét, đo sáng, điều chỉnh độ phơi sáng thích hợp rồi cuối cùng lưu ảnh vào cảm biến. Toàn bộ quá trình này tạo nên cái gọi là độ trễ cửa trập (do máy ảnh bình dân không có cửa trập thực sự). Các máy ảnh này thường có độ trễ khá chậm từ khi bấm máy đến khi bức ảnh được chụp. Ngày nay với công nghệ tiên tiến về bộ vi xử lý hình ảnh, toàn bộ quá trình này trong các máy ảnh bỏ túi, nhất là các máy đời mới, đã gảm xuống còn khoảng nửa giây, nhưng vẫn chưa thể bì kịp với tốc độ của DSLR. Mặt khác, tốc độ đóng mở cửa trập tối đa của máy DSLR thông thường đều đạt mức 1/4000 hay 1/8000 giây, đủ "đóng băng" hầu hết các chuyển động đời thường. Trong khi đó, hầu hết máy ảnh bình dân tốc độ đóng mở cửa trập (thực chất là tốc độ bật tắt cảm biến) thông thường chỉ đạt 1/2000 giây. Trong quá trình chụp, tốc độ lấy nét, hay thời gian lấy nét ảnh hưởng đáng kể đến tốc độ chụp ảnh. Đối với các máy ảnh bình dân, hệ thống lấy nét dựa trên độ tương phản, trong khi trên các máy DSLR dựa trên sự đồng pha. Hệ thống lấy nét theo pha này hoạt động trên nguyên lý hai hình trùng một (hình ảnh qua ống kính sẽ được phản chiếu tách biệt thành 2 hình và cảm biến nét sẽ xác định điểm nét bằng việc điều chỉnh hai hình trùng khớp lên nhau) nên tốc độ lấy nét nhanh hơn và đáng tin cậy hơn rất nhiều so với việc chỉ dựa trên sự tương phản. Thí nghiệm cho thấy hệ thống lấy nét theo pha từ gần như tức thời tới khoảng một phần tư giây, trong khi hệ thống lấy nét theo độ tương phản mất từ nửa tới ba phần tư giây. Thời gian zoom cũng ảnh hưởng tới tốc độ chụp. Cơ chế zoom trong máy ảnh số bình dân là zoom điện từng cấp nên tốc độ ra vào rất chậm. Mặt khác, khi bạn zoom, hệ thống sẽ phải lấy nét lại từ đầu, khiến cho tốc độ vốn đã chậm lại càng thêm chậm. Trong khi đó DSLR có hệ thống zoom cơ xoay vặn vô cấp, độc lập với hệ thống lấy nét, bạn hoàn toàn có thể lấy nét rồi zoom ra hay vào rất nhanh chóng mà điểm nét vẫn giữ nguyên. Với các ống kính cao cấp hơn, ngay cả khi máy tự động lấy nét, bạn vẫn có thể tự tay tinh chỉnh thêm bằng vòng lấy nét tay phụ trợ. Độ trễ còn ảnh hưởng bởi tốc độ giữa các lần chụp. Hầu hết các máy ảnh DSLR đều đạt tốc độ trung bình 3 khung hình/giây, đủ cho hầu hết các trường hợp. Các máy ảnh cao cấp hơn có thể đạt tốc độ 6 - 8 khung hình/giây, trong khi máy ảnh bình dân chỉ được khoảng 1 - 1,5. Thông thường điều này sẽ không thành vấn đề đối với đại đa số người dùng, nhưng khi hay phải chụp cảnh động, lúc đó bạn mới thấy được sự hữu dụng của tốc độ. DSLR chụp trong điều kiện thiếu sáng tốt hơn. Ảnh: Letsgodigital. 2. DSLR chụp trong điều kiện thiếu sáng tốt hơn Một khác biệt cơ bản nhất có thể nhận thấy là DSLR có cảm biến sáng lớn hơn hẳn so với máy ảnh bình dân. Cảm biến lớn dẫn đến điểm ảnh lớn hơn. Điểm ảnh lớn hơn nghĩa là mỗi điểm ảnh thu được lượng ánh sáng nhiều, cảm biến thu được nhiều thông tin về màu sắc và mật độ trên mỗi điểm ảnh hơn, từ đó cho ra bức ảnh có màu sắc trung thực hơn. Nói cách khác, cảm biến ảnh của DSLR hấp thụ được nhiều ánh sáng trong thời gian ngắn hơn, từ đó thông tin nội suy ít, ảnh lỗi hay nhiễu ít so với máy ảnh bình dân. Ngoài ra,hầu hết các máy DSLR có thể lấy nét rất tốt trong điều kiện thiếu sáng do chúng có cảm biến nét riêng và lại dùng cơ chế lấy nét riêng như đã nói ở trên. Trong khi đó các máy bình dân lấy nét bằng độ tương phản và lại dùng chính cảm biến ảnh để nhận diện độ tương phản. Trong điều kiện ánh sáng đủ thì không vấn đề gì, nhưng trong điều kiện thiếu sáng, các điểm ảnh do đã quá nhỏ nên bản thân việc hấp thụ ánh sáng đã khó khăn, chứ chưa nói đến việc có thể nhận diện được tương phản sáng tối trong hoàn cảnh ít ánh sáng như vậy. Do là máy ảnh ống kính rời nên khi phải chụp trong những điều kiện thiếu sáng, người chụp hoàn toàn có thể đổi sang lắp những ống kính có độ mở lớn (ống 50mm độ mở f/1,8 chẳng hạn) nhằm cho phép nhiều ánh sáng qua hơn. Độ mở này cho phép lượng ánh sáng vào cảm biến nhiều gấp 4 lần một ống có độ mở thông thường f/3,5 ở cùng độ nhạy và tốc độ trập. Ống kính của máy ảnh bình dân cũng tương tự như ống kính bình dân của máy ảnh DSLR, thường có hai độ mở ở hai khoảng tiêu cự. Ví dụ một ống 18 - 55 mm f/3.5-5.6 có nghĩa là khi ống kính ở tiêu cự 18 mm thì độ mở tối đa f/3,5, nhưng khi ở tiêu cự 55 mm, độ mở tối đa không còn là f/3.5 nữa mà thành f/5.6. Vì vậy khi chụp trong điều kiện thiếu sáng, nếu người chụp lại dùng zoom thì độ mở tối đa bị nhỏ lại. Để đủ sáng thì tốc độ phải giảm đi hoặc độ nhạy phải tăng lên. Tuy nhiên đến một ngưỡng nào đó thì tốc độ giảm sẽ làm ảnh bị nhòe do rung và độ nhạy cao làm ảnh bị hạt. DSLR có thể khắc phục hạn chế này bằng ống kính một độ mở, ví dụ ống 24-70 mm f/2.8 chẳng hạn. Lúc này thì dù chụp ở tiêu cự nào độ mở tối đa vẫn được duy trì ở mức f/2.8. Điều này là không thể đối với các máy ảnh số bình dân. Với DSLR bạn có thể tự xác định cho mình ống kính phù hợp với nhu cầu. Ảnh: Wholesaledigital. 3. DSLR cho phép bạn chọn ống kính Điều đặc biệt nhất của máy DSLR là bạn có thể chọn bất kỳ ống kính nào bạn muốn tùy túi tiền trong vô vàn dòng ống kính của hãng máy ảnh bạn có. Thậm chí, nếu không có đủ kinh phí dùng ống chính hãng, bạn cũng vẫn còn vô khối lựa chọn từ các hãng thứ ba như Sigma, Tamron, and Tokina. Bạn có thể tự xác định cho mình những ống kính phù hợp với nhu cầu. Nhiều người thì thích chỉ một ống có dải zoom rộng như 18 - 200 mm chẳng hạn, phục vụ đủ hết mọi nhu cầu. Tuy nhiên, các ống có dải zoom quá dài thường có chất lượng không cao. Nếu rủng rỉnh tài chính, bạn có thể chọn cho mình một vài ống bao trùm dải zoom này thay vì chỉ một ống, như bộ ba 16 - 35 mm, 24 - 70 mm và 70 - 200 mm chẳng hạn. Nếu nhiều tiền hơn chút nữa, vẫn những ống với các dải tiêu cự xấp xỉ thế này, có thể lên đời từ ống hai độ mở thành ống một độ mở cố định (thường là f/2,8 chẳng hạn). Lúc này bạn có thể thỏa thích thử nghiệm những gì mà máy DSLR có thể mang lại. Một khía cạnh khác của DSLR, là việc chọn đúng ống kính để chụp trong mỗi trường hợp cụ thể, đối tượng cụ thể khiến cho bạn luôn phải suy nghĩ, tìm tòi, và thử nghiệm. Chính quá trình này sẽ tạo nên sự khác biệt giữa một tay ảnh và người chỉ cầm máy ảnh lên để "ngắm và chụp". Máy ảnh số linh hoạt hơn ở khả năng tinh chỉnh các thông số. Ảnh: Penncamera. 4. DSLR linh hoạt hơn Hầu hết những người sở hữu máy ảnh bình dân thì nghĩ chính các máy này mới linh hoạt hơn so với DSLR do họ có thể chụp ảnh, quay phim, thu âm… bất cứ thứ gì họ thích với một chiếc máy ảnh nhỏ gọn. Mặc dù ngày nay với với sự tiến bộ của công nghệ thì DSLR đã có thể làm được hết những gì mà máy ảnh bình dân làm được, nhưng tính linh hoạt của DSLR không nằm ở các yếu tố này. Tính linh hoạt của DSLR chính là ở chỗ bạn có thể "chơi" với ánh sáng thông qua việc tỉnh chỉnh các thông số phơi sáng trên máy ảnh, rồi chỉnh đèn, dùng kính lọc, dùng tản sáng… để cho ra những bức ảnh theo cách riêng của bạn. Đó là sự linh hoạt trong sáng tạo. 5. DSLR cũng dễ dàng sử dụng Không ít người nghĩ rằng họ bỏ ra một đống tiền để mua một máy ảnh DSLR vừa đắt tiền lại vừa khó sử dụng. Thực ra không hẳn như vậy. Bất kỳ máy ảnh số ống kính rời của hãng máy ảnh nào cũng đều có chức năng tự động hoàn toàn (full-auto), giúp những người ngại tìm hiểu có thể nhanh chóng chuyển sang chế độ này, giơ máy ảnh lên, ngắm và chụp. DSLR lúc này vận hành dễ dàng không khác gì máy ảnh bình dân cả, không đòi hỏi chút kiến thức nào từ người chụp mà vẫn có thể sản sinh ra những bức ảnh chất lượng tốt nếu không muốn nói là vẫn qua mặt các dòng máy bình dân. Còn nếu bạn chịu khó mày mò, thì chất lượng ảnh của DSLR so với máy ảnh thông thường không có gì cần phải tranh cãi. Mặc dù DSLR đúng là chưa phải dành cho tất cả mọi người, ít nhất do kích cỡ cồng kềnh hơn của nó. Nhưng khi bạn bắt đầu muốn một máy ảnh nhanh hơn, muốn thỏa sức sáng tạo nhiều hơn, hay một chất lượng ảnh tốt hơn, bạn sẽ không thể không nghĩ tới việc trang bị một DSLR bên mình. Theo Số hóa