Thị trường điện thoại di động ở Việt Nam tăng trưởng trung bình 30%/năm, được xem là một thị trường hấp dẫn. Nhiều hãng điện thoại đang nhắm đến thị trường này, tạo nên sức ép cạnh tranh khá gay gắt. Theo công ty nghiên cứu thị trường GfK Asia, Việt Nam được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng do có tốc độ tăng trưởng trung bình 30%/năm. Bên cạnh đó, tỷ lệ điện thoại di động trên đầu người còn thấp, chiếm 3% so với 60% của Thái Lan. Cơ cấu dân số của Việt Nam thuộc loại trẻ. Những yếu tố này kết hợp với sự xuất hiện của nhiều hãng cung cấp dịch vụ, giá cước hạ, khiến sức mua trên thị trường điện thoại di động ngày càng tăng. Dự kiến cả năm 2004 sẽ có 1,6 triệu thuê bao điện thoại di động mới. Đua mẫu mã Dù đông, nhưng thị phần chính thuộc về 5 "đại gia" Nokia, Samsung, Motorola, SonyEricsson và Siemens. Hai gương mặt chính, "song mã" trong thế giới di động hiện nay là Nokia và Samsung, với tổng thị phần là 84%, trong đó Nokia chiếm 47%. Tuy vậy, khoảng cách này đang được Samsung cố gắng thu hẹp bằng nhiều động thái. Một trong những yếu tố ảnh hưởng đến thị phần của Nokia là sự chậm thay đổi. Năm nào, Nokia cũng đưa ra nhiều mẫu mã mới nhưng vẫn trung thành với thiết kế vỏ đơn, trong khi thị trường châu Á rất chuộng loại vỏ gập. Chính vì vậy mà Nokia để vị trí số 1 lọt vào tay Motorola tại Trung Quốc. Còn ở Việt Nam, vị thế của Nokia có phần thua sút sau vụ Đông Nam, khiến họ mất đi một kênh phân phối mạnh. Trong lúc đó, Samsung liên tục phát triển mẫu mã, thay đổi thiết kế mang tính thời trang, hợp thị hiếu người tiêu dùng. Trong khi các sản phẩm như TV, đầu máy chọn hàng bình dân là phân khúc chính, Samsung chọn dòng sản phẩm điện thoại cao cấp là khâu đột phá. Chiến lược này nhằm thay đổi nhận thức của người tiêu dùng bởi lâu nay, trong tâm lý mua hàng, sản phẩm của Hàn Quốc được xem là dòng bình dân. Vì vậy mà trong hai năm qua, giá trung bình của điện thoại Samsung từ 4 triệu đồng trở lên. Khi có thị phần ổn định, cuối năm 2003 Samsung bắt đầu mở rộng dãy sản phẩm với các phân khúc từ thấp đến cao. Đó cũng là thời điểm thích hợp để Samsung tuyên bố, đến năm 2010 sẽ vượt qua Nokia, trở thành hãng điện thoại di động số 1 thế giới. Đánh bóng hình ảnh Ở Việt Nam, Samsung đặt ra mục tiêu vượt qua Nokia trong năm 2004. Cuộc cạnh tranh này diễn ra trên ba lĩnh vực: hình ảnh, kênh phân phối và mặt hàng. Từ đầu năm đến nay, Samsung đã đưa ra một loạt chương trình khuyến mãi, đánh bóng hình ảnh như mua điện thoại có camera được in ảnh miễn phí, bốc thăm trúng thưởng. Chỉ riêng chương trình "Trúng thưởng lớn cùng Samsung Mobile" đã tốn 1,7 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các cửa hàng chuyên doanh của Samsung đua nhau phát triển. Đến đầu năm 2004, Samsung có hơn 180 cửa hàng chuyên doanh, với mức đầu tư trung bình 250 triệu đồng/cửa hàng. Theo nhận định, cửa hàng chuyên doanh sẽ giúp các hãng tạo dựng hình ảnh, cũng như cách tiếp cận với người tiêu dùng. Trên phương diện phân phối, Nokia và Samsung đều dựa vào công ty FPT để phân phối. Ngoài ra, hai hãng này đều có các nhà phân phối khác nhưng kênh chính vẫn là FPT. Ngoài đánh bóng hình ảnh, chọn kênh phân phối, cạnh tranh gay gắt nhất là ở từng sản phẩm. Sức ép cạnh tranh khiến các hãng đua nhau giảm giá. Từ đầu năm đến nay, Nokia, Samsung, Sony Ericsson và Siemens thi nhau giảm giá. Theo GfK Asia, vòng đời của một sản phẩm hiện nay là 1 năm, trong đó thời gian giữ giá trung bình từ 2-3 tháng. Phụ trách marketing của một hãng điện thoại di động cho biết, cố gắng lắm mới có thể giữ giá của một sản phẩm trong vòng 2 tháng. Đeo bám tốp đầu Bám sát song mã dẫn đầu là các ngựa đua mang nhãn hiệu Sony Ericsson, Motorola và Siemens. Trong đó, SonyEricsson có bước phát triển khá nhanh kể từ khi thành lập liên doanh. Với thế mạnh sản phẩm có công nghệ cao, tính năng giải trí mạnh, mẫu mã phù hợp thị hiếu, SonyEricsson đang được thị trường chấp nhận. Không phải ngẫu nhiên mà năm 2003, sản phẩm T610 của Sony Ericsson được hiệp hội GSM trao giải thưởng điện thoại tốt nhất. Tuy nhiên, tốc độ ra sản phẩm của Sony Ericsson vẫn còn chậm so với các hãng khác. Một gương mặt khác tuy quen thuộc nhưng vắng bóng lâu ngày trên thị trường, Motorola đang quay trở lại với các mẫu E360, E380 và mới đây là đôi uyên ương V690 và V878. Theo nhận định của chuyên gia thị trường, chiến lược của Motorola là tập trung vào thị trường có ưu thế. Chính vì vậy mà Motorola đã "tạm quên" thị trường Việt Nam trong hai năm qua để tập trung đánh thị trường Trung Quốc. Giờ đây Motorola đang xây dựng chiến lược để vực dậy vị thế của mình ở Việt Nam. Tuy nhiên, điều này rất khó vì phải tốn nhiều công sức để đánh bóng hình ảnh. Đó là nguyên nhân mà dù thị trường có bị xáo trộn do hậu quả vụ Đông Nam, các hãng điện thoại vẫn đổ tiền quảng cáo, tránh cho người dùng khỏi quên. Vị trí số 1 rồi sẽ thuộc về Samsung? Câu hỏi đó hiện tại vẫn chưa rõ ràng. Theo một nhà kinh doanh điện thoại, hầu hết người tiêu dùng đều đánh giá cao sản phẩm Nokia nhờ phần mềm thân thiện. Điều đó đồng nghĩa với việc thương hiệu này đã đi vào nhận thức của người dùng, chứ không còn nằm ở kiểu dáng. Để thay đổi điều này, không chỉ trong vòng 1 hay 2 năm là có thể làm được. Quốc Khánh Báo SGTT Thông tin twf www.tintucvietnam.com