Apple ví PC như những chiếc xe tải sẽ chỉ còn chiếm một phần nhỏ trên thị trường dù vẫn đóng vai trò nhất định trong cuộc sống và phục vụ nhiều nhu cầu riêng mà các thiết bị hào nhoáng khác không thay thế. Quan điểm trên được Steve Jobs, CEO của Apple nêu trong hội thảo D8 từ năm ngoái và tuần trước, khi công bố iPad 2, ông một lần nữa khẳng định rằng các thiết bị di động như smartphone và tablet đang đưa thế giới sang thời kỳ "hậu PC". Steve Jobs gọi iPad là thiết bị của kỷ nguyên 'hậu PC'. Ảnh: Telegraph. Dù doanh thu máy Mac tiếp tục tăng lên, nó còn cả một chặng đường dài để đạt được thị phần to lớn trên thị trường máy tính. Trong khi đó, iPhone, iPod và iPad đang đạt thành tích đáng ngưỡng mộ và đóng góp phần lớn doanh thu cho Apple. Android và nhiều đối thủ khác vẫn tiếp tục cạnh tranh quyết liệt, nhưng lợi nhuận họ có được lại bị chia năm xẻ bảy cho Google, HTC, Motorola, Samsung... Còn Apple thì sao? Họ thiết kế, xây dựng và quản lý từ phần cứng, phần mềm đến kho ứng dụng. Do đó, họ mong mỏi "thời kỳ hậu PC" diễn ra với sự bùng nổ của các sản phẩm di động hơn bao giờ hết. Hãng nghiên cứu thị trường Gartner ủng hộ quan điểm này: "Chúng ta đang chứng kiến sự hào hứng của người tiêu dùng trước các thiết bị có khả năng thay thế PC như iPad. Tablet đang tác động mạnh mẽ đến doanh số máy tính, đặc biệt là ở các thị trường đã trưởng thành". Tablet và smartphone cũng đang thay PC thực hiện hầu hết tác vụ thông thường như lướt web, xem video, nghe nhạc, chơi game... Còn lợi thế của PC là khả năng làm việc hiệu quả hơn, nhất là trong các lĩnh vực đồ họa, lập trình... Tuy nhiên, chuyên gia phân tích Dave Schumaker mỉa mai rằng, có thể giai đoạn hậu PC sắp thành hiện thực, nhưng để làm được điều đó, trước tiên người dùng phải kết nối các thiết bị di động đó với máy tính đã. Tạp chí PC World (Mỹ) cho rằng cần hiểu rõ personal computer (PC - máy tính cá nhân) là gì? Nó được phân biệt qua hệ điều hành Windows, Mac OS và Linux? Hay nó phải có bàn phím cứng thì mới được gọi là PC? Theo quan niệm chung, máy tính cá nhân là máy tính có kích cỡ, khả năng và mức giá phù hợp với người dùng cá nhân, do người dùng cá nhân điều khiển mà không bị người khác can thiệp. Trang CNet đặt câu hỏi tablet có được coi là thiết bị cá nhân (personal) không? Có khả năng thực hiện các tác vụ điện toán (computing) không? Nếu có, thì tablet là PC. Chưa kể, smartphone và tablet ngày nay có sức mạnh xử lý tương đương PC 5-6 năm về trước. Những cỗ máy thời xưa như MITS Altair, Osborne 1, Apple II cho đến IBM ThinkPad, Asus EEE PC hiện nay đều là máy tính cá nhân. Chúng làm nên những cuộc cách mạng qua từng năm với sự bổ sung giao diện người dùng đồ họa, ổ cứng, ổ CD, kết nối Internet, Wi-Fi... và thay đổi cách nhìn nhận về máy tính so với cách đây vài chục năm. Với tablet, người sử dụng có thêm màn hình cảm ứng, cảm biến nhận dạng chuyển động, định vị toàn cầu... Trong tương lai, PC sẽ là thiết bị điều khiển bằng giọng nói, bằng chuyển động của mắt, nhận diện sinh học, thậm chí được tích hợp trong kính áp tròng... Nhiều chuyên gia phân tích nhận đinh không có khái niệm hậu PC mà con người chỉ chuyển hóa định nghĩa "personal computer" thành "pervasive computing" (điện toán mọi lúc mọi nơi) và máy tính sẽ được trang bị khả năng khác nhau trong kiểu dáng và kích cỡ khác nhau. Nguồn : vnexpress.net