Thu hồi điện thoại, máy tính bảng cũ : còn nhiều bất cập

Thảo luận trong 'Android: Tin Tức Chung' bắt đầu bởi SangCongDang, 17 Tháng mười 2014.

  1. SangCongDang Thanks for reading

    Gsm.vn- Kể từ ngày 1/1/2015, tất cả điện thoại di động, máy tính bảng hết hạn sử dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam sẽ phải bị thu hồi, theo Quyết định 50/2013/QĐ-TTg về thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ.

    Quyết định này đang gây nhiều thắc mắc cho cả doanh nghiệp lẫn người dân về cách thực thi của nó sẽ như thế nào khi ở Việt Nam còn quá nhiều bất cập phải giải quyết.

    Câu chuyện của nước ngoài

    Trả lời email của Gsm.vn từ Mỹ, anh Quốc Dũng hiện đang sinh sống ở South Bend, IN cho biết ở bang anh có hai cách để xử lý điện thoại, máy tính bảng. Một là đem ra các cửa hàng có chức năng xử lý, tái chế rác thải điện tử. Đây là hình thức tái chế nên chủ sỡ hữu các món hàng này sẽ không được trả phí cho các món đồ mà họ đem đến.

    Hai là bán lại cho các nhà mạng, trong trường hợp mua điện thoại theo hợp đồng, số tiền có được từ việc bán điện thoại cũ sẽ được trừ vào hóa đơn tiền điện thoại hàng tháng. Tuy nhiên, anh Dũng cho biết các nhà mạng thường mua lại với giá rất thấp.

    Còn theo cô Park, hiện đang sinh sống ở Seoul, Hàn Quốc, ý thức bảo vệ môi trường nơi cô ở khá cao nên việc thu hồi là do tự nguyện của người dân. Theo đó, có hai nơi thường thu hồi các thiết bị điện tử cũ là văn phòng quản lý chung cư và bưu điện. Ở hai nơi này cơ quan chức trách sẽ đặt các thùng, thông tin hướng dẫn cho việc thu hồi. Người dân sẽ được trả một khoảng phí tượng trưng, nhưng rất thấp khoảng 5 đô-la Mỹ.

    Các nhà mạng bên Hàn Quốc không thu mua lại điện thoại cũ, cô Park cho biết người sử dụng muốn bán phải đem ra các cửa hàng chuyên thu mua thiết bị điện tử đã qua sử dụng. Các thiết bị này sẽ được chuyển về các nước có nhu cầu như Châu Phí, Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
    [​IMG]

    Nhìn về Việt Nam

    Có thể nói Quyết định 50/2013/QĐ-TTg là có chủ đích khi Chính phủ muốn các nhà sản xuất, phân phối có trách nhiệm hơn với việc xử lý các thiết bị điện tử mà họ đem về Việt Nam.

    Chị Linh Trần, hiện đang sinh sống ở New South Wales, Úc cho biết, người dân ở đay có trách nhiệm phân loại rác hữu cơ và rác vô cơ. Trong tuần ( tùy thành phố) cơ quan chức trách sẽ có những ngày đi thu gom các loại rác hữu cơ và vô cơ.

    Đây là cách đơn giản nhất và Việt Nam có thể áp dụng được nhưng thực tế thì không dễ. Chị Minh Tâm, nhân viên văn phòng, nhà ở Phú Nhuận thắc mắc các cơ quan chức năng, doanh nghiệp sẽ ứng phó như thế nào với đội quân ve chai hiện nay. “Chỉ cần trong rác thải có nhựa, bao xốp, hộp các-tông thì đã bị những người nhặt ve chai lấy mất thì nói gì đến rác điện tử.”, chị Tâm nói.

    Chưa hết, ông Tuấn, nhà ở Quận 1 cho biết ông đang sử dụng điện thoại iPhone 3GS, ông thắc mắc rằng điện thoại ông theo Quyết định đã hết hạn chưa ? Và Quy định như thế nào là hết hạn ?

    Trên thực tế, việc hết hạn của các thiết bị điện tử như di động hay máy tính bảng rất khó xác định. Anh Dũng, ở Mỹ cho rằng nếu như theo quy định của Apple, thì iPhone 4 đã hết hạn sử dụng, chứ đừng nói đến 3GS vì hãng đã không còn sản xuất cũng như hỗ trợ phần mềm cho các dòng điện thoại này.

    Tuy nhiên trên thực tế, các thiết bị này vẫn hoạt động tốt nên khái niệm hết hạn sử dụng theo anh Dũng chỉ là tương đối. “ Vòng đời sản phẩm điện tử trung bình là 18 tháng nhưng sau đó phần lớn chúng vẫn chạy tốt.”anh Dũng nói. Dũng cho biết, ở Mỹ không có quy định về việc thải bỏ các thiết bị điện tử mà phụ thuộc vào ý thức của người dân.

    Còn ở Hàn Quốc, cô Park cho biết do công nghệ ở đây phát triển rất nhanh nên khoảng 2 đến 3 năm là người dân lại đổ xô đi mua điện thoại mới, dù điện thoại hiện tại vẫn còn sử dụng tốt và họ ý thức được điện thoại cũ là rác điện tử nên đem bỏ.

    Không chỉ người dân, doanh nghiệp cũng thắc mắc với Quyết định 50/2013/QĐ-TTg, theo luật quy định các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sản phẩm thải bỏ có trách nhiệm thiết lập các điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ. Những doanh nghiệp này phải thỏa thuận với người tiêu dùng về cách thức chuyển giao và tiếp nhận sản phẩm thải bỏ tại điểm thu hồi, vận chuyển đến cơ sở xử lý, và cách thức xử lý sản phẩm thải bỏ. Ngoài ra cơ sở thu gom và xử lý sản phẩm thải bỏ thực hiện hợp đồng với doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu để thu hồi và xử lý sản phẩm thải bỏ phải thuân thủ quy định của pháp luật bảo vệ môi trường.

    Giám đốc một công ty phân phối thiết bị di đông không muốn nêu tên thắc mắc, giả sử công ty ông phân phối mẫu điện thoại A và một đại lý ở Cần Thơ bán chúng thì ai sẽ là người thực hiện hợp đồng với cơ sở thu gom và xử lý sản phẩm ở Cần Thơ ? Chưa hết, hiện nay tình trạng hàng xách tay khá phổ biến ở Việt Nam, như điện thoại Samsung chẳng hạn, vừa có chính hãng, vừa chàng xách tay. “Vậy khi luật này áp dụng, ai có trách nhiệm xử lý các hàng xách tay mà người sử dụng đã mua ?”, vị này thắc mắc.

    Trong khi đó, đại diện một hãng điện thoại lớn ( không muốn nêu tên) ở Việt Nam cho biết hiện phòng pháp lý công ty ông vẫn chưa nhận được quyết định này nên chưa có bước triển khai cụ thể.

    Trao đổi với gsm.vn tại Sony Show 2014, ông Yuzo Otsuki, Tổng Giám đốc Sony Việt Nam cho biết, Sony Việt Nam đã làm việc với Bộ Tài nguyên – Môi trường về vấn đề này từ khá lâu và sẽ thông báo với khách hàng của mình trong việc hỗ trợ xử lý các thiết bị điện tử của Sony hết hạn sử dụng trong thời gian tới.
    [​IMG]
    Các hộ gia đình ở VIệt Nam vẫn chưa phân loai rác vô cơ và rác hữu cơ. Nguồn : Internet
    Ngoài ra, một chuyên gia môi trường lo ngại về khả năng xử lý rác thải điện tử ở các cơ sở thu gom rác hiện nay không đáp ứng được yêu cầu về kỹ thuật. Lo ngại này là có cơ sở, tại hội thảo “Giới thiệu, trình diễn công nghệ xử lý rác đô thị” dẫn lời PGS.TS Trần Thị Hường, ĐH Kiến trúc Hà Nội theo báo điện tử Một Thế Giới, đa số các bãi chôn lấp hiện chỉ đơn thuần là nơi đổ rác, chưa được quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành đúng quy định; vị trí gần khu dân cư (cách 200 – 500m, thậm chí có bãi chỉ cách 100m); không có lớp chống thấm ở thành và đáy ô chôn lấp; không có hệ thống thu hom và xử lý nước rác, khí rác nên gây ô nhiễm đất, nước, không khí và hệ sinh thái, ảnh hưởng sức khỏe cộng đồng.

    Chưa kể, ở nhiều đô thị trong nước hiện nay còn phổ biến tình trạng chôn lấp chất thải y tế và công nghiệp nguy hại chưa qua xử lý chung với chất thải sinh hoạt.
    Chỉnh sửa cuối: 17 Tháng mười 2014