Thuê bao di động tăng, GDP cũng tăng Theo một nghiên cứu của công ty McKinsey & Co. (Mỹ), lượng thuê bao điện thoại di đông mà tăng 10% một năm thì chỉ số GDP của nước đó sẽ tăng khoảng 0,5%. Một ngư dân tại Ấn Độ đang nói chuyện bằng điện thoại di động. Ảnh: AP. Một vài nước đang phát triển trong khu vực châu Á đang nổi lên về số lượng người dùng điện thoại di động. Tại Philippines, hơn 4 triệu người sử dụng điện thoại như chiếc ví ảo và trả tiền mua đồ hay các dịch vụ khác như vẫn thường thấy ở những nước phát triển. Kể từ năm 2000, Smart Communication, hãng viễn thông lớn nhất của nước này, đã cho phép người dùng mạng điện thoại của họ trả tiền vé tàu xe hay một số mặt hàng lặt vặt qua điện thoại di động. Dùng chiếc “alô” đặc biệt này, người dùng có thể rút tiền từ ngân hàng, trả tiền một số món hàng đặc biệt hay chuyển tiền sang tài khoản khác. Ramon Isberto, một người dân của Philippines cho biết, dịch vụ của Smart Communication rất hữu dụng, đặc biệt với những người có con cái ở xa. “Như nhà tôi chẳng hạn”, Ramon Isberto nói, “hai con đều học ở trường xa nhưng giờ chỉ cần bấm điện thoại là tôi có thể gửi tiền cho chúng”. Dịch vụ trả tiền qua di động cũng đã xuất hiện tại Nam Phi xa xôi từ năm 2005 qua Wizzit, một công ty viễn thông. Vodafone cũng đầu tư khá mạnh vào khu vực này với hợp tác cùng các ngân hàng ở đây. Trung Quốc là một trong những nước có số thuê bao điện thoại lớn nhất thế giới. Ảnh: Cgstock. Nghiên cứu của hiệp hội Viễn thông quốc tế của Liên Hiệp Quốc cho thấy số thuê bao điện thoại di động sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các nước liên quan. Dựa vào nghiên cứu tại các nước như Trung Quốc, Ấn Độ và Philippines, công ty nghiên cứu McKinsey & Co. tại Mỹ cho rằng lượng thuê bao không dây mà tăng 10% một năm thì chỉ số GDP của nước đó sẽ tăng khoảng 0,5%, nghĩa là tương đương với 12 tỷ USD với những nước đông dân cỡ Trung Quốc. Theo các chuyên gia, việc mở rộng mạng di động mang lại cho các nền kinh tế nhiều nguồn lợi như thu hút nhiều đầu tư nước ngoài hơn, mang lại cho các gia đình ở đây những dịch vụ chăm sóc sức khỏe và giáo dục tốt. Bên cạnh đó, chính phủ cũng được lợi nhờ hệ thống thuế quan được kiểm soát chặt chẽ. Tại Việt Nam, nơi nền kinh tế chỉ phát triển 8% một năm, chính phủ cũng đã đầu tư khác mạnh vào viễn thông, đảm bảo phủ sóng điện thoại khắp 64 tỉnh thành. Ông Bùi Quốc Việt, người phát ngôn của tổng công ty Bưu chính viễn thông (VNPT), cho biết ngày càng nhiều người sử dụng điện thoại di động thì nền kinh tế càng phát triển và ngược lại. Hiện tại ở Việt Nam có 6 mạng di động trong đó có 2 mạng có sự góp mặt của doanh nghiệp nước ngoài. Cạnh tranh đã làm cho cước phí di động giảm xuống và tăng lượng thuê bao lên 18 triệu trong 2 năm. Đức Thanh (theo AP)