Tiến lên 3G - đường không phẳng

Thảo luận trong 'Nơi Trao Đổi Chung' bắt đầu bởi hoattunhan, 11 Tháng sáu 2009.

  1. hoattunhan Thành viên

    ICTnews – Kinh nghiệm các chuyên gia quốc tế chia sẻ tại Vietnam Telecom 2009 là: con đường tiến lên 3G không phẳng mà vẫn lắm ngã ba đường.
    Giá cước phải linh hoạt và tránh “sốc”
    Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Phong Nhã, Phó vụ trưởng Vụ Viễn thông (Bộ TT&TT) cho biết, Bộ TT&TT cấp 4 giấy phép 3G và các mạng di động đã cam kết đầu tư khoảng 33 nghìn tỷ đồng trong 3 năm đầu. Đây là thách thức đối với các mạng di động, song sẽ là cơ hội để cung cấp nhiều dịch vụ và tăng doanh thu. Hiện các doanh nghiệp đang tiến hành các thủ tục triển khai mạng 3G của mình, nhưng dịch vụ 3G sẽ phải có giá cước thấp hơn hoặc bằng giá cước dịch vụ 2G. Tại Hội nghị, nhiều chuyên gia đưa ra kinh nghiệm trong quá trình chuyển đổi từ 2G sang 3G và khuyến nghị cần có một chính sách giá cước phù hợp tránh để người dùng “sốc”. Với các quốc gia khác, việc đưa ra một gói cước trọn gói hàng tháng cho phép sử dụng không giới hạn tất cả các dịch vụ (Internet di động, Mobile TV...) là giải pháp tối ưu nhất. Nhưng với một thị trường viễn thông vẫn có thói quen “trả trước” như Việt Nam, các gói cước thuê bao theo ngày, theo tuần sẽ là giải pháp tốt hơn cả. Đại diện PT Telekomunikasi cho rằng, khó có thể đưa ra một khung giá cước cố định cho mọi dịch vụ. Vì vậy, mỗi nhà khai thác phải xây dựng mô hình kinh doanh phù hợp với đối tượng khách hàng của mình.
    Thiết bị đầu cuối vẫn còn trở ngại
    Tại Hội nghị, nhiều chuyên gia cũng đề cập đến những khó khăn về thiết bị sẽ làm trở ngại cho việc triển khai 3G. Ông Tim Storey, người đứng đầu Nghiên cứu Viễn thông châu Á của hãng JP Morgan cho biết, khi cung cấp dịch vụ 3G, các nhà khai thác hướng đến các khách hàng cao cấp. Đó hầu hết là những người dùng smartphone, và họ sẽ dần chuyển từ các dịch vụ 2G sang 3G. “Họ chính là những người mang lại doanh thu 3G cho các nhà khai thác”. Tuy nhiên, thực tế 3G đã triển khai tại nhiều nước châu Á như Indonesia, Malaysia, Philippine, Ấn Độ, Sri Lanka… song mức độ thành công không cao. Đơn cử như tại Indonesia, 3G đã có từ giữa năm 2006 và đến cuối năm 2008 mới đạt 7% trong tổng số thuê bao di động. Còn ở Malaysia, đến nay cũng chỉ có 10% thuê bao 3G. Trong khi tại các nước như Philippine, Srilanka, tình hình còn tệ hơn, với số thuê bao 3G lần lượt là 3% và 2%. Như vậy, thuê bao 3G ở những quốc gia châu Á này chỉ mới đạt dưới 10%. Ông Tim Storey cho rằng, nguyên nhân là giá thiết bị đầu cuối còn quá cao. Ở Ấn Độ, chính phủ còn có chính sách ép nhà sản xuất thiết bị làm việc với hãng viễn thông để cho ra đời các dòng máy 3G giá rẻ, khoảng 20 USD. Hiện nay giá thiết bị 3G là trên 200 USD. Song các hãng di động và sản xuất ĐTDĐ cần xác định sự hợp tác giữa họ là cùng có lợi và nâng tầm hợp tác lên mức khu vực và thế giới. “Giá máy 3G phải ở mức 20-30 USD thì 3G mới thành công”, ông Tim Storey nói.

    Theo một khảo sát được ông Lê Văn Khương, Phó Tổng giám đốc VTC, công bố tại Hội nghị, hiện nay có khoảng 33/71 dòng máy điện thoại di động 3G. Tuy nhiên, thiết bị đầu cuối vẫn là một thách thức được hầu hết đại biểu tại hội nghị thừa nhận. Trước những khó khăn về máy đấu cuối 3G, ông Đỗ Vũ Anh cho biết, MobiFone sẽ xem xét hình thức hợp tác với các hãng sản xuất máy ĐTDĐ để kinh doanh theo kiểu trợ giá cho những khách hàng cam kết dùng dịch vụ của MobiFone. Theo ông Hoàng Sơn, Tổng giám đốc Viettel Telecom, mức trợ giá có thể không cao: “Bởi vì mức ARPU (doanh thu bình quân trên mỗi thuê bao – PV) của Việt Nam còn thấp. Chẳng hạn như tại Mỹ, hay Hàn Quốc, mức ARPU là 40-50 USD/tháng, do đó các hãng di động có thể trợ giá và bán máy với mức giá rẻ được. Song tại Việt Nam, hãng di động sẽ phải tính toán với bài toán thời gian quay vòng, thu hồi vốn”. Ông Sơn cho biết, hiện nay tại Việt Nam mức ARPU của một thuê bao di động trả trước là khoảng 7-8 USD, còn trả sau là 15 USD.
    Chất lượng dịch vụ và nội dung sẽ níu kéo khách hàng
    Ông Nguyễn Phong Nhã cho biết, các nhà mạng đều cam kết tốc độ tối đa 144 kbps tại vùng nông thôn và 380 kbps tại các đô thị trong hồ sơ thi tuyển 3G. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng tốc độ này chưa chắc có thể đáp ứng tốt nhu cầu của một số dịch vụ cao cấp như video on demand, music download... mà đáng nhẽ ra mạng 3G phải có được.
    Bà Karine Dussert - Sarthe, Giám đốc Marketing di động của Tập đoàn Orange France Telecom chia sẻ, khách hàng sẽ không quan tâm đến việc nhà mạng sử dụng công nghệ nào, tốc độ bao nhiêu mà họ chỉ cần biết chất lượng dịch vụ mà nhà mạng cung cấp cho họ có đảm bảo hay không mà thôi. Vì vậy, muốn triển khai 3G thành công thì việc làm hài lòng khách hàng ngay từ lần đầu tiên họ tiếp xúc với dịch vụ 3G là điều hết sức cần thiết và phải có nhiều dịch vụ nội dung hấp dẫn phù hợp với khách hàng. Bà Karine Dussert – Sarthe cho rằng, các nhà cung cấp dịch vụ phải tìm ra dịch vụ “sát thủ” để níu kéo khách hàng. Đối với Orange đó chính là dịch vụ MobileTV. Đại diện của Telecom Malaysia đưa ra cảnh báo, nếu không có những đột phá trong các dịch vụ nội dung và chiến dịch tiếp thị tốt, 3G có thể sẽ gánh chịu thất bại. Bởi tâm lý người sử dụng đa số vẫn chưa sẵn sàng để trả một khoản tiền khá lớn cho những thiết bị đầu cuối hiện đại và những thay đổi trong việc sử dụng công nghệ số.
    Bên cạnh việc quan tâm phát triển thị trường thiết bị, nâng cao chất lượng dịch vụ, muốn triển khai thành công mạng di động 3G tại Việt Nam, hầu hết các chuyên gia nước ngoài còn đưa ra lời khuyên rằng các nhà mạng Việt Nam cần tập trung vào việc phải tiếp tục duy trì doanh thu từ dịch vụ cơ bản như thoại, SMS song song với việc phát triển dịch vụ nội dung, data và có một chính sách giá cước cụ thể, minh bạch đủ để làm yên lòng khách hàng.
    Với chủ đề “Xây dựng một tương lai di động và băng rộng bền vững cho Việt Nam”, Hội nghị Viễn thông quốc tế Việt Nam 2009 do Viện Chiến lược TT&TT phối hợp với Baecon tổ chức đã thu hút được sự tham gia của trên 150 đại biểu đến từ các Bộ, ngành trung ương, các doanh nghiệp viễn thông trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế... Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai cho biết: Trong những năm qua Việt Nam luôn được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng viễn thông cao trên thế giới. Tính đến hết năm 2008, cả nước có trên 82,2 triệu thuê bao điện thoại các loại (trên 16,2 triệu thuê bao cố định và 66 triệu thuê bao di động) và trên 20,6 triệu người sử dụng Internet. Mật độ điện thoại đã đạt 97,5 máy/100 dân, tăng gần 27 lần so với năm 2000. So với năm 2000, số thuê bao cố định hiện có đã cao hơn 6 lần, số thuê bao di động tăng hơn 80 lần, số người sử dụng Internet tăng gấp trên 100 lần. Sự phát triển của các dịch vụ thông tin di động, ADSL cho thấy tiềm năng to lớn của các dịch vụ thông tin di động và băng thông rộng tại thị trường Việt Nam và dự báo các dịch vụ ấy sẽ còn đạt mức tăng trưởng cao trong những năm tới. Theo Thứ trưởng Trần Đức Lai, triển khai 3G sẽ thúc đẩy sự phát triển của các ứng dụng trong đời sống kinh tế xã hội cần đến băng thông rộng và góp phần phổ cập dịch vụ điện thoại cho tất cả người dân.

    Nhóm phóng viên ICT
    anhphe076 thích bài này.