Kobe Bryant và vợ. Một vài giờ sau khi ngôi sao bóng rổ Mỹ Kobe Bryant “quan hệ” với một nhân viên khách sạn Vail mùa hè 2003, người phụ nữ này đã nhắn tin cho bạn trai của cô ta và một người khác. Những thông điệp này sau đó đã trở thành bằng chứng cho việc phán xét liệu cầu thủ nọ có hiếp dâm hay không. Vụ án Bryant không phải là trường hợp đầu tiên ở Mỹ mà trong đó những tin nhắn trên điện thoại di động (ĐTDĐ) được trưng dụng vào việc xử án. Tin nhắn từng có vai trò quan trọng ở một vụ án tại bang Oregon mà trong đó, một người đàn ông bị kết tội giết vợ trước đó đã gửi nhiều e-mail và tin nhắn để khủng bố cô ta. Trong khi đó, ở bang Georgia, một cậu bé 17 tuổi đã bị bắt sau khi bố mẹ một bé gái 12 tuổi phát hiện ra con mình nhận được rất nhiều tin nhắn “rủ rê” ân ái mà cậu trai nọ gửi đến. Trong trường hợp của ngôi sao bóng rổ Bryant, luật sư của anh này khẳng định đã có những tin nhắn mà người phụ nữ được coi là nạn nhân trao đổi với 2 người khác vài tiếng sau khi sự vụ xảy ra hôm 30/6/2003. Bốn tháng sau, luật sư của Bryant yêu cầu công ty viễn thông AT&T Wireless Communications ra tòa và cung cấp lại nội dung những thông điệp đó. Hãng này không chịu ra tòa nhưng có giữ lại số tin nhắn nói trên. Tuy nhiên, sau đó tòa án bắt họ phải chuyển giao những nội dung này cho cơ quan pháp luật. Quan tòa sẽ xem xét riêng và quyết định chúng có liên quan gì đến vụ án hay không. Mark Siegel, phát ngôn viên của AT&T, cho biết công ty đã hợp tác với các nhà điều tra nhưng từ chối nói về chính sách lưu trữ những tin nhắn của khách hàng. Trên website của mình, công ty này cho biết tin nhắn nào không thể gửi đi được trong 72 tiếng sẽ bị xóa. Tuy nhiên, những đoạn text trong vụ Bryant lại nằm nguyên tới 4 tháng sau đó và rất có thể chúng đã được lôi ra từ hệ thống lưu trữ. Tại châu Âu và châu Á, nơi hình thức nhắn tin hiện rất phổ biến, đã có những quy định riêng để xử lý nhiều trường hợp tương tự. Ví dụ như ở Thụy Điển, cảnh sát và cơ quan tư pháp đã dùng tin nhắn để chứng minh việc một cô bảo mẫu, dưới sự chỉ đạo của một giáo chủ, bắn chết vợ ông này trong khi đang ngủ và còn “thịt” luôn cả người hàng xóm mà cô ta đang có quan hệ lòng thòng. Cảnh sát ở Nhật cũng đang phân tích một số e-mail và tin nhắn text trong quá trình điều tra việc một học sinh 11 tuổi giết chết cô bạn cùng lớp tuần trước. Châu Âu quy định tất cả các công ty viễn thông phải lưu lại những nội dung text ĐTDĐ và một số hình thức liên lạc khác để phục vụ cho các mục đích tư pháp. Trong khi đó thì Mỹ lại chưa có bất cứ một điều luật nào tương tự. Những công ty viễn thông lớn nhất nước này cho biết tin nhắn được xóa hoặc là ngay khi gửi hoặc sau một khoảng thời gian nhất định nếu chúng không được chuyển đi. Hãng Cingular Wireless thường đợi 7 ngày trước khi xử lý những tin nhắn không thể gửi. Hai công ty Verizon Wireless và Sprint PCS thì tuyên bố họ không lưu bất kỳ nội dung text nào sau khi tin nhắn đã gửi. Trong khi đó, Hiệp hội Internet và viễn thông di động Mỹ lại tuyên bố những thông tin liên quan đến tin nhắn - bao gồm người gửi, người nhận và vị trí của người nhận - luôn được lưu lại để phục vụ cho việc tính tiền. Phần mềm chuyên dùng để lưu những dữ liệu đó có thể lưu cả nội dung tin nhắn. Giới quan sát cho rằng từ nay những người nhắn tin sẽ phải cảnh giác. Giống như e-mail và tin nhắn IM, thông điệp ĐTDĐ giờ đây cũng được nhà cung cấp dịch vụ lưu lại trên máy chủ. “Người sử dụng thường sai lầm khi nghĩ rằng chỉ cần bấm nút Delete trên điện thoại là những tin nhắn họ đã nhận sẽ biến mất vĩnh viễn”, Jeff Kagan, chuyên gia viễn thông ở Atlanta (Mỹ), cho biết. “Tôi cho rằng trong tình hình hiện nay đầy rẫy những vụ lừa đảo và khủng bố, người ta ngày càng thấy có nhiều lý do để lưu lại nội dung thông tin liên lạc”, Kagan cảnh báo. “Chính vì vậy, tốt nhất là mọi người không nên trình bày bất cứ điều gì nhạy cảm trên e-mail hay tin nhắn di động mà về sau có thể gây hậu họa”. Lưu thông tin nhắn ĐTDĐ đang tăng rất nhanh ở Mỹ, đạt gần 2,1 tỷ thông điệp trong lần khảo sát gần nhất vào tháng 12 năm ngoái. Tuy nhiên, một thống kê của hãng Forrester cho thấy ở Mỹ chỉ có 17% người dùng di động hay nhắn tin, trong khi tỷ lệ này ở châu Âu là 71%, phổ biến nhất là trong số khách hàng ở độ tuổi từ 35 trở xuống. Phan Khương (theo AP) Theo vnexpress.net