Sáng 11/6, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã qua đời vì bệnh tuổi già, hưởng thọ 86 tuổi. Tang lễ của ông được quyết định tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong 2 ngày. Ông Võ Văn Kiệt. Ảnh: VNU. Thông cáo đặc biệt của Ban chấp hành Trung ương Đảng chiều nay viết, sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từ trần hồi 7h40 ngày 11/6/2008, thọ 86 tuổi. "Đồng chí mất đi là một tổn thất đối với Đảng, nhà nước và nhân dân ta, để tỏ lòng tưởng nhớ và biết ơn đồng chí Võ Văn Kiệt, Ban chấp hành trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam quyết định tổ chức tang lễ đồng chí Võ Văn Kiệt với nghi thức quốc tang", thông cáo viết. Linh cữu ông quàn tại Hội trường Thống Nhất, TP HCM. Lễ viếng được tổ chức tại Hội trường Thống Nhất, bắt đầu từ 8h ngày 14 đến 8h30 ngày 15/6. Lễ truy điệu bắt đầu lúc 9h ngày 15/6. Lễ an táng được tổ chức cùng ngày tại nghĩa trang TP HCM. Cùng thời gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu ông Võ Văn Kiệt ở TP HCM, Ban tang lễ sẽ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu tại trung tâm Hội nghị quốc tế số 11 Lê Hồng Phong, quận Ba Đình, Hà Nội và trụ sở UBND tỉnh Vĩnh Long. Trong hai ngày quốc tang (14-15/6), các công sở, nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí. Ban lễ tang nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt gồm 33 lãnh đạo cấp cao do Tổng bí thư Nông Đức Mạnh làm trưởng ban. Ông Võ Văn Kiệt có tên khai sinh là Phan Văn Hòa, sinh ngày 23/11/1922 tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Cửu Long. Bí danh hoạt động cách mạng là Sáu Dân. Tham gia cách mạng năm 1938, vào Đảng tháng 11 năm 1939, ông là Thủ tướng Chính phủ khóa 1991-1997. Từ tháng 12/1997, ông Kiệt được Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VIII) chấp thuận rút khỏi Bộ Chính trị và cử làm Cố vấn Ban chấp hành Trung ương. Ông là đại biểu Quốc hội các khóa 6, 8, 9, huân chương Sao Vàng, huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Những năm cuối đời, ông Kiệt sống tại TP HCM. Với tư cách công dân, nguyên Thủ tướng vẫn hết sức quan tâm đến những vấn đề thời sự nóng bỏng của đất nước và thường xuyên đóng góp ý kiến, viết bài thể hiện quan điểm, chính kiến. Ông Võ Văn Kiệt được xem là nhà chính trị, "tổng công trình sư" nhiều dự án táo bạo của thời kỳ đổi mới. Từ năm 1988, với tư cách Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông Sáu Dân đã có những quyết đoán cho chủ trương thực hiện chương trình 10 năm đầu tư khai phá vùng Đồng Tháp Mười, khu tứ giác Long Xuyên và bán đảo Cà Mau vốn bị nhiễm phèn, mặn thành vùng đất trù phú, người dân có nước ngọt để dùng. Năm 1992, ông Kiệt duyệt luận chứng kinh tế và trực tiếp chỉ đạo công trình đường dây tải điện Bắc - Nam. Đây là hệ thống tải điện với đường dây siêu cao áp 500 kV đầu tiên ở Việt Nam, chuyển tải năng lượng từ Nhà máy thủy điện Hòa Bình vào miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam. Năm 1993, ông ký quyết định xây dựng con đường Trường Sơn công nghiệp hóa, chia sẻ mật độ phương tiện lưu thông cho quốc lộ 1A vốn thường xuyên bị lũ lụt ngăn trở. 7 năm sau, từ quyết định của người tiền nhiệm, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ra lệnh khởi công con đường huyền thoại mang tên Hồ Chí Minh. Ông Kiệt cũng là người ký nghị định thành lập ĐHQG năm 1993, chủ trương xã hội hóa giáo dục. Sự ra đời của hai trường ĐH Quốc gia Hà Nội và TP HCM là mốc đổi mới sâu sắc trong cơ cấu hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên xuất hiện loại trường đại học đa lĩnh vực có quyền tự chủ cao trong hệ thống giáo dục đại học Việt Nam. Chủ trương mở ra con đường cao tốc Láng - Hòa Lạc của Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã giúp cả phía Tây của Hà Nội phát triển mạnh. Thời gian đi từ Hà Nội đến Hòa Lạc được rút ngắn chỉ còn 30 phút, nhanh hơn đi trong nội thành vào giờ cao điểm. Khi về hưu, ông Kiệt vẫn tiếp tục cống hiến như góp ý về việc xây dựng tòa nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình; dự án xây dựng nhà máy dầu Dung Quốc; đề xuất nghiên cứu xử lý hai cửa sông để khai thác giao thông sông Tiền, sông Hậu; khởi công tuyến cao tốc TP HCM - Trung Lương thuộc tỉnh Tiền Giang; dự án mở rộng Hà Nội sáp nhập Hà Tây, xây dựng thành phố dọc sông Hồng. Vnexpress.net
Một trái tim lớn đã ngừng đập Không sao tin được trái tim lớn ấy lại có thể ngừng đập vào lúc mà dân tộc, đất nước, nhân dân, Đảng mong chờ và đòi hỏi ở Anh; và cả tuổi trẻ Việt Nam gửi gắm niềm tin vào con người tuy đã 86 tuổi mà vẫn rất trẻ trong tình cảm và tư tưởng, trong hành động và ước mơ. Vậy mà con người ấy đã đột ngột ra đi... Thế kỷ XXI với những biến động dữ dội không sao lường hết trên hành tinh chúng ta đang sống. Đó cũng chính là lúc mà trí tuệ và cảm xúc của con người cũng theo tốc độ của khoa học và công nghệ phát triển mạnh mẽ vượt bậc mà lịch sử chưa từng biết đến. Nhưng cũng chính vào lúc ấy, một sự thật oái oăm và nghiệt ngã đã xảy ra... Tin đồng chí Sáu Dân qua đời gây chấn động mạnh trong tâm tư, tình cảm của biết bao người thầm mong mỏi, vững tin vào vận nước. Có biết bao người đang thiết tha gửi gắm niềm tin và khát vọng vào con người ấy - một trái tim, một khối óc, một bản lĩnh nổi trộitrong những trái tim và bộ óc của một thế hệ; con người đã được tôi luyện trong ngọn lửa cách mạng, kháng chiến và Đổi Mới để rồi thật sự tỉnh táo và bản lĩnh trong hội nhập và phát triển của đất nước. Sau những phút giây lạnh người với tin dữ, sau những thương cảm trào dâng tưởng chừng khó mà viết được gì khi nước mắt nhòe mặt kính, hình ảnh lớn của con người ấy cứ như mỉm cười nhắc nhở: đừng ủy mị chỉ biết sụt sùi thương cảm, hãy làm một cái gì đó cho đất nước, cho nhân dân. *** Khi chia tay chuẩn bị lên đường đi Hà Lan, để rồi đến phút cuối lại phải đi cấp cứu, ông vẫn nói rõ dự định, mà giờ phút này có thể nói, đó là dự định dang dở cuối cùng: “Thử học hỏi kinh nghiệm về chống nước biển dâng tại nơi mà bao thế kỷ nay người ta đã có biết bao tri thức, công nghệ và bản lĩnh sống dưới mực nước biển, đây là nơi số một cần phải tìm đến vào lúc này”. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt chào đón John McCain trong chuyến trở lại Việt Nam. Ông Sáu Dân vừa cười vừa nói đùa “không được nản, nghe chưa”. Ấy là ông muốn nhắc nhở điều mà ông thường nhắc nhở “thua keo này phải bày keo khác, cứ phải tin rằng, dân tộc sẽ thắng, Đảng của chúng ta sẽ thắng”. Niềm tin mãnh liệt ấy của ông đã truyền một sức mạnh bất tận cho những ai có dịp được ông tiếp sức. Có một chuyện ông nói đùa song nội dung thì thật nghiêm túc: “Tôi sẵn sàng ký gửi tấm thẻ Đảng của tôi cho các anh giữ, kể cả những huân chương, huy chương mà Đảng và Nhà nước đã trao cho tôi, các anh cũng có thể xem là vật ký cược cho điều mà tôi đang làm, đang đề nghị, đang giới thiệu mà tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm”. Con người ấy từng được tôi luyện trong ngọn lửa của “Nam kỳ khởi nghĩa” năm 1940, qua thử thách khốc liệt của các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm đến từ mọi hướng, qua những suy tư dằn vặt để dám chịu trách nhiệm về những sáng tạo trong cách nghĩ và cách làm của một trong những người đi đầu của công cuộc Đổi mới. Con người ấy, cho đến khi đột ngột ra đi, vẫn trước sau như một, là con ngườihết lòng vì sự nghiệp của dân tộc, của Đảng, tuyệt đối trung thành với tư tưởng Hồ Chí Minh nên đã học theo bản lĩnh và sự kiên trì thuyết phục của Hồ Chí Minh để không chút mệt mỏi, ngừng nghỉ phấn đấu cho mục tiêu chân chính trước mắt cũng như lâu dài của đất nước. Mục tiêu trước mắt và lâu dài ấy được đúc kết qua trải nghiệm một người chiến sĩ cách mạng biết vượt lên chính mình, biết và dám học hỏi quần chúng, đặc biệt là biết lắng nghe và dám nghe những ý kiến trái tai của những người dám có chính kiến. Võ Văn Kiệt đúng là người có "con mắt xanh" khi nhận ra thời điểm cần phải tập trung đưa sự nghiệp đại đoàn kết dân tộc lên một tầm vóc mới, đáp ứng được đòi hỏi của dân tộc trong vận hội mới của đất nước, trong thời cơ mới của hội nhập quốc tế với bối cảnh thời đại thế kỷ XX bước sang thế kỷ XXI. Ông không mệt mỏi, kiên trì thuyết phục và tự mình làm gương cho việc chăm chút vun đắp sự nghiệp cao cả ấy từ những ý tưởng táo bạo được nhiều tờ báo có uy tín quốc tế xem là những “ý tưởng cách tân mang tầm cỡ thời đại”, đến việc làm cụ thể sẵn sàng tiếp và đối thoại thẳng thắn với bất kỳ cá nhân nào bày tỏ tấm lòng yêu nước theo cách của họ. Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt thắp nén nhang cuối cùng cho người đồng chí, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng. (Ảnh VNN)Có lẽ vì thế chăng mà ngày 11/6/2008, khi trong nước chưa đưa tin, thì các các hãng truyền thông lớn của thế giới như BBC, AP đã nhanh chóng bình luận và trang trọng đưa những bức ảnh của nhân vật chính trị mà họ đánh giá rất cao. BBC bình luận: Trong một phỏng vấn hiếm hoi với BBC, ông Kiệt nói: "Tổ quốc là của mình, dân tộc là của mình, quốc gia là của mình, Việt Nam là của mình, chứ không phải là của riêng của người cộng sản hay của bất cứ tôn giáo hay phe phái nào cả". Ông cũng kêu gọi đối thoại với những người bất đồng chính kiến. Có phải vì thế chăng mà trong điện thoại hỏi tin, một trí thức yêu nước ở Mỹ vừa được ông hai lần nói chuyện vào đầu tháng 5 vừa qua đã nghẹn ngào mãi mới thốt lên “rồi đây chúng tôi biết nói chuyện với ai đây?!”. Có lẽ, nếu nghe được lời nói chân tình ấy, ông Sáu sẽ tủm tỉm cười như mọi bận: “Đất nước này là của những người cùng một tấm lòng yêu nước như chúng ta, sẽ còn biết bao người sẵn sàng nghe các anh” . *** Ông gần gũi với giới trí thức, thật lòng lắng nghe họ, khuyến khích họ thẳng thắn nói hết những nhận xét của họ cho dù là gay gắt, thậm chí không dấu được sự phẫn nộ. Trong một bữa cơm thân mật ở nhà con gái ông vào hồi tháng Tư vừa rồi, cách nói chuyện của ông cũng như lối ứng xử của ông không chút phân biệt giữa một giáo sư sử học vừa ở Mỹ về đến thăm ông, một giáo sư kinh tế - người ngoài đảng vừa hoàn thành một công trình nghiên cứu kinh tế mà ông nhận viết lời giới thiệu, một ông Viện trưởng một Viện Nghiên cứu tư nhân vừa mới thành lập mà ông hết lòng cổ vũ, một nhà thơ từng có những câu thơ nổi tiếng là “ngang ngạnh” dám nói “rất ngang” với ông, khiến cho bữa cơm mang đầy đủ không khí cởi mở, thoải mái của đúng “một bữa nhậu lai rai”. “Bữa nhậu lai rai” là lời của ông Sáu Dân khi yêu cầu con gái ông tiếp thêm món nhậu mà bớt đi những đĩa cơm. Ấy thế mà lắng nghe kỹ thì dư âm của bữa nhậu ấy lại tràn đầy ý tưởng phải làm một cái gì cho đất nước, để vuột mất cơ hội là lỗi của tất cả chứ không của riêng ai. Ông đã truyền niềm tin và sức mạnh của ông cho mọi người “lai rai” cùng ông! Với ông, tập hợp cho được trí tuệ và đóng góp của giới trí thức trong ngoài nước lúc này phải là một đột phá nhằm khởi động một sức mạnh mới của đất nước. Theo ông, đây phải là một ý tưởng cần chiếm lĩnh trong tư duy của những người đang gánh trên vai mình trọng trách của đất nước. *** Với một năng khiếu trời phú, Võ Văn Kiệt có sự nhạy cảm với vai trò của người trí thức và hết lòng tôn trọng sự đóng góp của họ. Ngay khi còn là phó bí thư Tỉnh ủy một tỉnh năm 1947, ông thà chịu kỷ luật của tổ chức chứ không đồng ý gạt bỏ chức trách bí thư vốn xuất thân là một trí thức để ông thay thế vào vị trí ấy, vì ông chính là một người cố nông đúng với nghĩa đen của nó. Và trong sâu thẳm tình cảm của con người xuất thân từ nông dân nghèo khổ ấy, ông viết với tất cả tấm lòng mình “không thể để thân phận người nông dân bị gạt ra ngoài rìa của của sự phát triển” vừa đăng trên báo ít lâu. Chuyến đi dài của ông dọc các tỉnh Miền Trung vừa rồi là để tận mắt nhìn thấy những mất mát mà người dân, trước hết là nông dân phải gánh chịu cùng với cách xử lý của các cấp Đảng và chính quyền sau những thiên tai dữ dội giáng xuống khúc ruột của đất nước. Đi về, ông bắt tay vào viết ngay những bài báo nói trên. Ông nhiều lần nhắc nhở các nhà xã hội học phải điều tra ngay cuộc sống của công nhân ở những xóm lao động, ở những khu nhà trọ với tất cả những vấn nạn mà họ đang gánh chịu. Có lần ông không dấu được phẫn nộ khi nghe nói rằng: “Có khi những tình cảnh mà người lao động phải bán sức lao động rẻ mạt với đồng lương không đủ sống còn thê thảm hơn điều mà Ph.Ăngghen miêu tả trong tác phẩn từng được gọi là kinh điển “Tình cảnh giai cấp công nhân Anh ”. Ông dằn giọng, “thế thì sao anh không viết đi. Chỉ phê phán, than vãn suông thì ích gì? Chính vì thề, ông đặc biệt quan tâm đến cách làm việc của cấp ủy và chính quyền địa phương. Có lần trong một chuyến đi khảo sát ở Lâm Đồng, sau suốt buổi sáng đi thăm nhiều cơ sở sản xuất, do đường vào xã quá gồ ghề khiến chiếc xe xóc dựng, người bảo vệ phải quài tay giữ chặt lấy ông, thế mà sau bữa trưa, ông kiên quyết không đồng ý với bố trí nhằm dành để ông nghỉ trưa chút đỉnh mà hủy cuộc gặp huyện ủy và ủy ban huyện. “Làm sao đã đến được đây mà chỉ ăn cơm rồi về. Tôi đâu phải khách mời của các anh. Tôi đi để gặp anh em mình ở cơ sở”, ông chân tình nói với đồng chí Chủ tịch tỉnh. Ông cũng không đồng ý chỉ gặp Bí thư và Chủ tịch huyện tại phòng làm việc của Bí thư huyện có ghế bành, để ông ngồi thoải mái. Ông dành trọn buổi chiều tại phòng họp nghe huyện ủy và ủy ban báo cáo tình hình, hỏi tỉ mỉ từng việc rồi thẳng thắn góp nhiều ý kiến cụ thể. Ông ôm chặt cả Bí thư và Chủ tịch trong vòng tay thân thiết và thân mật dặn “tụi bây phải thật gần dân, lắng nghe dân, tiếp thu ý kiến đóng góp của bà con các dân tộc”. Cũng vẫn ứng xử như vậy, trong một chuyến đi thăm Bình Định, giữa trưa đứng bóng, sau chuyến đi thẳng từ Dung Quất vào. Mặc cho bác sĩ đi kèm nhăn nhó cự nự với bí thư tỉnh, ông cười cười gạt đi. Vẫn cứ đầu trần, để người cầm ô “thất nghiệp”, ông ra thẳng công trường đang thi công chiếc cầu, mà theo Bình Định là dài nhất nước, để động viên công nhân và nhận lời trao giải thưởng cho đơn vị xuất sắc. Ông dí dỏm hỏi Bí thư tỉnh - bây giờ là Bộ trưởng Giao thông Vận tải: “Liệu giữa cầu có chú ý thi công chỗ đứng hóng mát cho tụi trẻ ra đây ngắm cảnh và hò hẹn không. Cảnh trí tuyệt vời này mà quên mất điều đó thì phí quá ”! *** Trong trái tim lớn mà nhịp đập dành cho vận mệnh của đất nước, vẫn đủ chỗ cho những cảm xúc rất nhân văn. Có lẽ vì thế mà Võ Văn Kiệt có rất nhiều người bạn là những Hai Lúa ở miệt vườn đồng bằng sông Cửu Long cũng như những bà con người Dao ở thung lũng Điện Biên tít tắp vùng Lai Châu - Tây Bắc phải chuyển cư ra khỏi vùng đất màu mỡ để dành cho việc xây dựng thành phố hiện đại. Những bà con dân tộc ấy đã kết nghĩa anh em với ông Sáu Dân. Họ nhận ông làm xã viên danh dự của họ, điều mà ông vẫn thường tự hào nhắc đến, và tiếc cho trong dịp vừa rồi, ông chưa có dịp lên thăm lại những người bà con thân thiết mà ông luôn nhớ họ. Ông cũng sẵn sàng nhận một lời mời về bữa nhậu ngẫu hứng của cánh nhà văn và nghệ sĩ quen biết, bỏ bữa cơm nhà để sau 30 phút đã có mặt “để anh em khỏi sốt ruột”, ông vừa ngồi xuống vừa nói. Nhưng, ông cũng lại hết sức chu đáo và nghiêm túc chỉ thị chuẩn bị cho một bữa cơm thân mật để tiếp mấy trí thức Việt Kiều sao cho thân mật đơn giản, nhưng lịch sự và tế nhị. Trong bữa cơm ông mời anh em trí thức Hà Nội trong dịp ông ra công tác, ông không quên nhắc phải chuẩn bị một suất ăn kiêng cho một người có mặt trong bữa cơm đạm bạc ấy. Ông rất hào hứng và thú vị đến với thế hệ trẻ vì ông tin ở trí tuệ, bản lĩnh và sức mạnh của họ, đó là lý do ông hay về thăm và viết bài cho các tờ báo nhiều độc giả trẻ tìm đọc. Trong trái tim lớn ấy có đủ chỗ cho những tấm lòng thiết tha vì vận mệnh của đất nước, từ những người cộng sản trung kiên và trong sáng mà ông hết mực tin cậy và chia sẻ, cho đến những trí thức ngoài nước mà ông chỉ gặp qua bức thư tâm huyết trình bày ý tưởng của họ, cùng với biết bao những người Việt Nam tin vào vận nước đã tìm đến ông, và ông hết lòng chia sẻ. Cũng đã có những người đã giữ những trọng trách trong chế độ cũ nay thành tâm muốn đóng góp cho đất nước, ông đã tìm cách cảm thông, động viên, dám bỏ qua những nghi ngờ định kiến thiếu thiện chí, để có thể hướng những đóng góp của họ vào sự nghiệp chung không của riêng ai. Dân Sài Gòn đã nói nhiều đến chuyện này với sự khâm phục và tin cậy, họ biết là ông đã phải vượt qua những thử thách như thế nào, và cuộc sống đã chứng minh rằng ông đúng. Vì quả thật, thời đại mà chúng ta đang sống là thời đại của những chuyển động khó lường và những đột biến cũng không sao có thể hình dung trước được mà không phải ai cũng đủ khả năng nhìn ra được quy luật về sự vận động của nó. Khi mà những con người cụ thể không phân biệt quốc tịch và màu da bước từ tàu vũ trụ ra ngoài không gian, chập chững những bước đi khám phá nhằm khắc phục sự hạn hẹp của quả đất - “ngôi làng toàn cầu”- đã quá chật chội. Rồi lúc con tàu vũ trụ đáp xuống Sao Hỏa, mở ra một chân trời mới, để cho những ai chần chừ, còn tin rằng tương lai chỉ sẽ là sự tiếp tục đơn giản của quá khứ, sẽ sớm thấy mình bị hụt hẫng trước sự thay đổi. Họ buộc phải suy nghĩ lại, sẽ đi đến đâu và bằng cách nào đi đến đó, khi mà có lẽ đã quá muộn để tránh được điều không thể tránh khỏi. Nhưng khi những điều ấy xảy ra, thì oái oăm thay, điều không thể tránh khỏi trước tiên vào lúc này, lại là nỗi đau nhân thế mà chúng ta phải nhận lĩnh: Trái tim lớn của con người đã từng cống hiến hết sức mình và để lại dấu ấn đậm nét vào lịch sử, đặc biệt là giai đoạn Đổi Mới với những quyết sách táo bạo và đầy trách nhiệm của một vị Thủ tướng dám ra quyết định và chịu trách nhiệm về những quyết định của mình, đã ngừng đập. Nhưng chính vì trái tim lớn ấy đã biết dành trọn vẹn cho Đảng của Hồ Chí Minh, cho sự nghiệp bất tử của dân tộc, trái tim ấy dành cho vận mệnh của đất nước, luôn đập trong nhịp đập mạnh mẽ của khối đại đoàn kết dân tộc, vào lúc mà nhân dân không cho phép để vuột mất vận hội của đất nước; cho nên, trái tim ấy tuy ngừng đập trong cơ thể của một con người, song nhịp đập của nó lại mãnh liệt và không phút giây ngừng nghỉ trong trái tim của mọi người Việt Nam yêu nước và tin vào sức mạnh bất diệt của một dân tộc chưa bao giờ chịu đầu hàng số phận. Trái tim lớn ấy biết đập theo nhịp đập của thời đại và truyền thống quật cường Việt Nam luôn biết vượt qua mọi thách thức mà lớn lên, để cả dân tộc biết mình từng có sức mạnh của Thánh Gióng. Trái tim mãnh liệt của Võ Văn Kiệt vẫn đập mạnh mẽ và sôi động hơn bao giờ hết trong mạch sống của dân tộc!
Một tấm gương sáng cho thế hệ trẻ nôi theo,một người thầy,người cha của các con đã ra đi.Đây thực sự là 1 tổn thất của chúng ta.Nhưng chúng ta sẽ cố gắng giữ vững và phát huy tinh thần mà thầy Võ Văn Kiệt đã để lại.
Nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã ra đi * Tổ chức quốc tang nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt Đồng chí Võ Văn Kiệt (bìa trái) ra quân cùng lực lượng TNXP năm 1976. Theo thông cáo đặc biệt của Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản VN, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN và Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc VN: "Sau một thời gian lâm bệnh nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sĩ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, đồng chí Võ Văn Kiệt đã từ trần hồi 7g40 ngày 11-6-2008, thọ 86 tuổi. Hoạt động cách mạng liên tục trên 70 năm, đồng chí đã có nhiều công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Đồng chí mất đi là một tổn thất đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta". Tang lễ sẽ được tổ chức theo nghi thức quốc tang trong hai ngày 14 và 15-6-2008. Ban lễ tang gồm 33 vị, do Tổng bí thư Nông Đức Mạnh làm trưởng ban. Tổ chức quốc tang Tang lễ đồng chí Võ Văn Kiệt được tổ chức trọng thể theo nghi thức quốc tang. Linh cữu đồng chí Võ Văn Kiệt quàn tại hội trường Thống Nhất, TP.HCM. Lễ viếng đồng chí Võ Văn Kiệt được tổ chức tại hội trường Thống Nhất, TP.HCM, bắt đầu từ 8 giờ ngày 14-6-2008 đến 8g30 ngày 15-6-2008. Lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt được tổ chức tại hội trường Thống Nhất, TP.HCM, bắt đầu từ 9 giờ ngày 15-6-2008. Lễ an táng đồng chí Võ Văn Kiệt được tổ chức cùng ngày tại nghĩa trang TP.HCM. Đài truyền hình VN và Đài Tiếng nói VN sẽ tường thuật trực tiếp lễ truy điệu và lễ an táng đồng chí Võ Văn Kiệt tại TP.HCM. Cùng thời gian tổ chức lễ viếng và lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt tại TP.HCM sẽ tổ chức lễ viếng, lễ truy điệu đồng chí Võ Văn Kiệt tại Trung tâm Hội nghị quốc tế (số 11 Lê Hồng Phong, Ba Đình, Hà Nội) và tại trụ sở Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long. Trong hai ngày quốc tang (14 và 15-6-2008), các công sở, các nơi công cộng treo cờ rủ và ngừng các hoạt động vui chơi giải trí. ........................ Con người hào kiệt Tiếng gọi thanh niên Những ngày tháng đầu tiên ngay sau ngày Sài Gòn giải phóng 30-4-1975, những cán bộ Thành đoàn lứa tuổi 20 chúng tôi đã có dịp tiếp cận với chú Sáu Dân - Võ Văn Kiệt, khi ấy là bí thư Thành ủy TP.HCM. Mỗi lần nghe chú Sáu Dân gọi cả Ban chấp hành Thành đoàn - gần 50 người - đến làm việc là chúng tôi mừng rơn như trẻ nhỏ được cha mẹ dắt đi dạo phố mua đồ chơi. Không chỉ vì nơi hội nghị là một ngôi nhà tọa lạc ven sông Sài Gòn lộng gió, mà chính vì phong cách làm việc với giới trẻ của chú rất thuyết phục chúng tôi. Chú nêu ra yêu cầu, mục tiêu của phong trào vận động thanh niên rất cao, rất quyết liệt, nhưng luôn đòi hỏi chúng tôi phải tranh luận, phản biện và đề xuất những giải pháp đột phá, sáng tạo để thực hiện mục tiêu. Những cuộc làm việc này có khi kéo dài hai, ba ngày, nhưng cứ đúng 11g30 trưa và 5g chiều thì chú ngừng ngay, ra sân đạp xe đạp, chơi thể thao, còn chúng tôi thì tự do bơi lội, xem phim, ăn cơm. Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt cùng các đồng chí lãnh đạo đến dự Đại hội đại biểu Đoàn TNCS Hồ Chí Minh TP.HCM lần thứ VIII (2007 - 2012) - ảnh: Manu Thành phố soi thấy tương lai rất sáng của mình trên vầng trán của các em (Đồng chí Võ Văn Kiệt phát biểu với các cháu thiếu niên - nhi đồng TP.HCM) Một hình ảnh nữa khó quên đối với giới trẻ Sài Gòn là những lần chú Sáu Dân xuất hiện, nói chuyện với thanh thiếu niên với số lượng hàng chục ngàn người ở công viên Tao Đàn hoặc sân dinh Thống Nhất. Lớp lớp thanh niên đi như trẩy hội, chịu ngồi trật tự hai, ba giờ trở lên để lắng nghe và hò reo, vỗ tay hưởng ứng những ý tưởng gợi mở sáng tạo, những phát động ra quân phong trào thanh niên lao động tình nguyện, phong trào thanh niên xung phong. Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đến tham dự giải bóng đá học sinh sinh viên TP.HCM năm 2006 - ảnh: A.P Là một nhà lãnh đạo Đảng nhưng chú Sáu Dân đã nói với thanh niên, đến với thanh niên với phong cách một thủ lĩnh thanh niên giàu bản lĩnh chính trị, năng động, sáng tạo, đột phá, không thúc thủ trước khó khăn. Chiêu hiền đãi sĩ Tôi đã được dịp làm việc nhiều ngày với chú Sáu Dân khi cùng là đại biểu Quốc hội khóa IV (1976-1981). Quốc hội khóa này qui tụ nhiều nhân sĩ - trí thức miền Nam, những vị đã ít nhiều đóng góp vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Một hôm, trong kỳ họp khai mạc Quốc hội thống nhất cả nước đầu tiên này, chú gọi tôi và anh Huỳnh Tấn Mẫm lại dặn dò: "Các cậu hay gần gũi, giao tiếp với các anh, chị trí thức Sài Gòn trong Quốc hội, xem thử với tiền công tác phí Quốc hội cấp cho đại biểu có đủ xài hay không, báo lại cho chú biết". Sáng hôm sau, ở quán cà phê trong sân hội trường Ba Đình, Hà Nội, chúng tôi ngồi uống nước với một số vị như GS Lý Chánh Trung, bà luật gia Ngô Bá Thành. Các vị cho biết tiền sinh hoạt phí Quốc hội hằng tháng chỉ đủ uống cà phê, điểm tâm (khoảng vài chục đồng, tiền mới đổi sau 1975). Sau khi nghe chúng tôi báo cáo lại, chú Sáu đưa chúng tôi vài phong thư - mỗi cái đựng khoảng 200 đồng - nhờ trao đến các vị đại biểu trí thức trên, với lời nhắn: "Chú Sáu Dân gửi chút ít để các vị uống cà phê”. Một chuyện khác mà tôi biết về sự quan tâm, trân trọng của chú Sáu Dân đối với trí thức - văn nghệ sĩ là chuyện liên quan nhà văn Sơn Nam, xảy ra khoảng 1977-1979. Do giao du thân mật với nhà văn Sơn Nam, một hôm ông hỏi tôi một cách thân mật: "Nuôi, mày gần gũi ông Sáu Dân, tao nhờ mày một chuyện. Thời kháng chiến 1945, tao có cùng tham gia Ủy ban hành chánh kháng chiến tỉnh Rạch Giá, do ông Sáu làm chủ tịch. Bây giờ tao đang gặp khó khăn là cái nhà nhỏ tao ở đang nóc dột, cột xiêu, không có tiền sửa. Mà tao đâu có gặp ổng xin được, vậy nhờ mày nói giùm!". Vài bữa sau, tôi đến nhà chú Sáu thăm, kể chuyện nhà văn Sơn Nam, hỏi chú Sáu có nhớ ông Sơn Nam cùng hoạt động kháng chiến với chú ở Rạch Giá không, chú Sáu nói: "Nhớ chứ!". Nhưng khi tôi nói đến chuyện ông Sơn Nam nhờ giúp sửa nhà thì chú Sáu la tôi: "Công việc thành phố bề bộn, chuyện gì ở cơ sở giải quyết được thì chủ động giải quyết, chứ dồn hết lên chú thì sao chịu nổi!". Tôi gãi đầu, ấp úng: "Cháu cũng biết vậy, nhưng chuyện giúp sửa nhà, cần tiền. Mà nghèo rớt mồng tơi như cháu thì sao giúp được". "Thôi được rồi! Để chú bàn với Văn phòng Thành ủy tính. Ghi cho chú địa chỉ nhà ông Sơn Nam đi". Tôi thở phào ra về, báo tin cho ông Sơn Nam mừng. Một tháng sau, ông Sơn Nam gặp tôi khoe: "Ê Nuôi, ông Sáu ổng cho quân xuống sửa nhà tao ngon lành rồi! Ngày hôm kia ổng còn cho xe hơi tới đón tao cùng ổng ra nhà hát lớn coi cải lương. Rồi trên đường về nhà còn tặng tao 500 đồng xài chơi. Ông Sáu đối xử với tao quá nghĩa tình. Mày thấy hôn!". Nghe ông Sơn Nam kể mà tôi ngẩn người. Không ngờ chú Sáu tuy ban đầu la tôi, nhưng lại tận tình với đồng đội cũ đến vậy. Chú Sáu Dân - con người hào kiệt - là như thế. LÊ VĂN NUÔI "Ông sẽ được tất cả mọi người nhớ đến!" Nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt và Bộ trưởng cố vấn Lý Quang Diệu Sự ra đi của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt đã được hầu hết các hãng thông tấn và tờ báo lớn trên thế giới đưa tin. Báo chí thế giới đã gọi nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt là "một nhà cải cách", là "kiến trúc sư của công cuộc cải cách định hướng thị trường ở VN" vào cuối thập niên 1980 và trong thập niên 1990. * Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã bày tỏ nỗi buồn sâu sắc khi nghe tin về sự ra đi của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt. Trong điện chia buồn gửi đến gia đình ông Võ Văn Kiệt, nhân dân và Chính phủ VN, ông Ban Ki Moon viết: "Là một lực lượng quan trọng đằng sau sự cải cách kinh tế của VN từ cuối thập niên 1980, ông Võ Văn Kiệt đã mở đường cho sự chuyển đổi đất nước từ nghèo đói sang một thập niên phát triển kinh tế ấn tượng". Được tin anh Võ Văn Kiệt đột ngột từ trần, tôi vô cùng xúc động. Anh Võ Văn Kiệt là một người cộng sản kiên cường, trung trực, một nhà lãnh đạo nhà nước xuất sắc, sâu sát thực tiễn, năng động sáng tạo, có uy tín cao. Anh đã có nhiều công lao trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và trong công cuộc đổi mới xây dựng đất nước. (Trích thư chia buồn của đại tướng Võ Nguyên Giáp) * AFP ghi nhận: "Nguyên thủ tướng còn được nhớ đến vì những nỗ lực bình thường hóa quan hệ VN với thế giới. Ông xây dựng quan hệ gần gũi với các nước châu Á. Trong thời gian ông làm thủ tướng, Mỹ đã dỡ bỏ lệnh cấm vận VN và hai nước cuối cùng đã bình thường hóa quan hệ năm 1995. Cũng trong năm này VN gia nhập Hiệp hội Các nước Đông Nam Á". * Thông cáo đăng trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 11-6 viết: "Sự lãnh đạo của ông Võ Văn Kiệt đã cải thiện cuộc sống của hàng chục triệu người VN. Những nỗ lực của ông đã giúp mở đường cho bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và VN". * Trong điện chia buồn gửi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long mô tả nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt là một người bạn lâu năm của Singapore, đã giúp đặt nền tảng cho mối quan hệ khăng khít giữa hai nước. "Dưới sự lãnh đạo của ông, VN đã mở cửa với thế giới, từng bước tự do hóa thương mại và đầu tư, tạo ra những tiến bộ vượt bậc". Trong điện chia buồn gửi bà quả phụ của nguyên thủ tướng Võ Văn Kiệt, Bộ trưởng cố vấn Lý Quang Diệu nói ông Kiệt đã đem lại tầm nhìn và sự lãnh đạo trong giai đoạn chuyển đổi quan trọng của VN vào thập niên 1990. "Tôi đã biết ông Kiệt từ năm 1991. Tôi vẫn nhớ cuộc nói chuyện cuối cùng của chúng tôi ở TP.HCM khi tôi và vợ đến thăm VN vào tháng 1-2007. Ông Kiệt sẽ được tất cả mọi người nhớ đến!". Theo TTO Tóm tắt tiểu sử nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt Đồng chí Võ Văn Kiệt, tên khai sinh là Phan Văn Hòa, bí danh: Sáu Dân. Sinh ngày 23-11-1922, tại xã Trung Hiệp, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Năm 1938, đồng chí tham gia hoạt động trong phong trào Thanh niên phản đế. Tháng 11-1939, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, làm bí thư chi bộ, huyện ủy viên và tham gia cuộc khởi nghĩa Nam kỳ ở huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Từ năm 1941-1945, đồng chí hoạt động cách mạng ở Rạch Giá, tham gia tỉnh ủy lâm thời và tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền ở tỉnh Rạch Giá. Sau tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, khi thực dân Pháp tái chiếm Nam bộ, đồng chí làm ủy viên chính trị dân quân cách mạng liên tỉnh Tây Nam bộ. Năm 1950, đồng chí được điều về tỉnh Bạc Liêu làm phó bí thư rồi bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu. Năm 1955, đồng chí được bầu làm ủy viên Xứ ủy Nam bộ, phó bí thư liên Tỉnh ủy Hậu Giang. Năm 1959, đồng chí được điều về khu Sài Gòn - Gia Định làm bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn - Gia Định) cho đến cuối năm 1970. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (năm 1960), đồng chí được bầu làm ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng. Là ủy viên Trung ương Cục miền Nam, đồng chí tiếp tục làm bí thư Khu ủy T.4 (Sài Gòn - Gia Định), rồi bí thư Khu ủy khu 9 (khu Tây Nam bộ). Năm 1972, đồng chí được bầu làm ủy viên chính thức Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa III. Từ năm 1973-1975 đồng chí được điều về công tác ở Trung ương Cục và là ủy viên thường vụ Trung ương Cục miền Nam. Trong thời gian chuẩn bị giải phóng Sài Gòn, đồng chí được Trung ương Cục phân công làm bí thư đảng ủy đặc biệt trong Ủy ban Quân quản thành phố Sài Gòn. Năm 1976, đồng chí làm phó bí thư Thành ủy, chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM. Đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VI. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng (năm 1976), đồng chí được bầu lại vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Ban chấp hành Trung ương Đảng bầu làm ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị và được phân công làm bí thư Thành ủy TP.HCM. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3-1982), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Ban chấp hành Trung ương Đảng bầu làm ủy viên Bộ Chính trị. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12-1986), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Ban chấp hành Trung ương Đảng bầu làm ủy viên Bộ Chính trị. Tháng 2-1987, đồng chí được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa VIII và được Quốc hội phê chuẩn giữ chức chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước, phó chủ tịch thường trực rồi phó chủ tịch thứ nhất Hội đồng Bộ trưởng. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6-1991), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Ban chấp hành Trung ương Đảng bầu làm ủy viên Bộ Chính trị. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa VIII, đồng chí được Quốc hội phê chuẩn giữ chức phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Sau đó tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII (tháng 8-1991), đồng chí được Quốc hội bầu giữ chức chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6-1996), đồng chí tiếp tục được bầu lại vào Ban chấp hành Trung ương Đảng, được Ban chấp hành Trung ương Đảng bầu làm ủy viên Bộ Chính trị và được cử làm ủy viên thường vụ Bộ Chính trị. Tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa IX (1992-1997), đồng chí được Quốc hội bầu làm Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa VN, phó chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và an ninh. Từ tháng 12-1997 đến tháng 4-2001, đồng chí được Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII cử làm cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản VN. Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VIII, IX. Do có công lao to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, nhiều huân chương, huy chương cao quí khác và huy hiệu 60 năm tuổi Đảng. Theo TTXVN