Toshiba Regza 42AV550 – cạnh tranh bằng xuất xứ Regza 42AV550E là dòng TV HDTV bình dân mới nhất của Toshiba với mức giá khoảng 24 triệu đồng. 'Con bài' cạnh tranh duy nhất của model này là độ tương phản cao và xuất xứ Nhật. Toshiba Regra 42AV550 có xuất xứ từ Nhật. Ảnh: Cnet. Tương tự như các dòng rẻ tiền khác, 42AV550E không được mong đợi nhiều là một thiết kế đặc sắc hay mang thẩm mỹ cao. Có hình dáng rất bình thường với các góc vát tròn và khung hình bóng bẩy, 42AV550E cũng khá dễ làm quen với hệ thống các nút điều chỉnh TV đặt dưới cùng dễ nhìn và điều chỉnh hơn so với các nút ẩn phía sau hay trên nóc của một số hãng khác. Chân đế cũng được thiết kế cố định thay vì các chân đế xoay sành điệu ở các mẫu đời cao. Điều khiển LCD mới là nỗi thất vọng lớn nhất với thiết kế màu xám khá "rẻ tiền", tương tự như những chiếc điều khiển TV thường những năm trước đây. Các nút được thiết kế tối giản, đến mức chỉ còn biểu tượng mà không có text mô tả khiến cho việc làm quen và mò mẫm chức năng cũng khá mất thời gian. Tuy vậy khi hiển thị dạng chữ lên màn hình thì menu trở nên sáng sủa và dễ dùng hơn. Các kết nối sau lưng máy. Ảnh: Cnet. Có độ phân giải HD thường 1.366 x 768 pixel, không khác gì các dòng bình dân đến từ các hãng khác nhưng riêng về độ tương phản 15.000:1 thì có thể nói 42AV550E là cao nhất. Các đặc tính kỹ thuật khác cũng không có gì đặc biệt như thời gian phản hồi 5 ms, góc nhìn rộng 178 độ… "Điểm cộng" cho 42AV550E là màn hình được bao phủ một lớp gương nên bóng bẩy và trông cứng cáp hơn các màn để trần, nhưng không vì thế mà gây lóa hay ảnh hưởng tới chất lượng hiển thị hình ảnh. 42AV550E có lợi thế, tuy là dòng bình dân nhưng vì ra sau nên vẫn thừa hưởng được bộ xử lý hình ảnh mới của hãng 10-bit Power Meta Brain thường thấy trên các dòng Regza trung cấp như CV500 hay RV500 với khả năng hiển thị lên tới 1 tỷ màu (theo lời quảng cáo của hãng). Nhưng trái với ưu ái dành cho hình ảnh, hệ thống âm thanh tích hợp trên 42AV550E lại không phải là hệ thống giả lập âm thành vòng SRS TruSurround XT vốn đang dần trở thành tiêu chuẩn trên những hệ thống 2 loa tích hợp của LCD hay máy tính xách tay. Bù lại, loa này có chức năng tăng cường tiếng bass và tinh chỉnh đồng bộ hóa âm thanh hình ảnh. Điểm đáng phàn nàn nhất của màn hình này là đã lên tới 42 inch, kích cỡ mà phần lớn người mua sẽ chọn làm trung tâm giải trí trong gia đình, nhưng 42AV550E chỉ hỗ trợ một cổng HDMI in. Nút "thắt cổ chai" này sẽ khiến cho bạn chỉ có thể kết nối được một thiết bị HDMI vào màn hình, mà thông thường sẽ là đầu phát DVD. Như ở Việt Nam, nếu muốn xem truyền hình HD, bạn buộc phải dùng tới cổng component để nối màn hình với bộ giải mã hay khi muốn xem phim nén trong máy tính bạn buộc phải dùng cổng VGA. Thân TV dày khoảng 10 cm. Ảnh: Cnet. Rõ ràng là do màn hình lớn nên khi bắt sóng các chương trình TV chuẩn thường, hình ảnh trên 42AV550E vẫn bị hạt và không sắc nét. Tuy nhiên do độ tương phản khá cao nên khả năng hiển thị các vùng sáng tối của hình ảnh khá tốt. Chức năng nâng cấp hình ảnh (từ DVD lên HD chẳng hạn) dù không phải là hoàn hảo và vẫn thể hiện răng cưa nhưng rõ ràng cũng đã có chút cải thiện. Màu sắc tuy không thiên về rực rỡ nhưng lại có vẻ "thật" với đời thường hơn. Kết nối máy tính qua cổng VGA và nếu bạn đặt độ phân giải output của card màn hình ở 1.360 x 768 pixel (gần đúng với độ phân giải LCD), chất lượng hình ảnh, kể cả text khi bạn lướt web chẳng hạn, khá sắc nét. Với độ phân giải này, bạn hoàn toàn có thể xem phim HD trên máy tính thông qua cổng VGA mà không lo mất đi độ sắc nét của hình ảnh cũng như giải quyết được vấn đề thiếu cổng HDMI. Hệ thống loa dù không giả lập surround nhưng cũng không đến nỗi quá tệ, không bị vỡ tiếng kể cả khi âm lượng đạt khoảng 50%. Tuy nhiên âm trầm thì vẫn kém dù đã có hỗ trợ Bass Boost phần mềm. Với mức giá khoảng 1.400 USD cho một model 42 inch, nếu chỉ dựa vào mỗi mác là TV Nhật và độ tương phản cao, 42AV550E chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn khi vào thị trường Việt Nam, nhất là khi đối thủ là những tay "giảm giá chuyên nghiệp" đến từ Hàn Quốc như Samsung series 3 hay series 4 và đặc biệt là LG. Theo Số hóa