Do bản thân mình không chịu xem kỹ thông tin nên bị mua nhầm SanDisk Ultra USB Type-C, thay vì chọn loại USB có hỗ trợ 2 cổng giao tiếp khác nhau. Thật ra, mình muốn mua những sản phẩm như dòng Sandisk Ultra Dual Drive USB Type-C có hỗ trợ cả 2 cổng giao tiếp, dễ dàng kết nối với máy tính qua cổng USB thông thường (Type-A). Tuy nhiên, SanDisk Ultra USB Type-C chỉ hỗ trợ duy nhất cổng giao tiếp USB Type-C. Trong khi đó, cả 2 chiếc máy tính của mình lại không tích hợp sẵn cổng USB Type-C, khá bất tiện khi phải đầu tư thêm thiết bị chuyển đổi nếu muốn sử dụng sản phẩm này lâu dài. Do đặt hàng cùng lúc nhiều sản phẩm, không quan sát thật kỹ, mình đã mua nhầm loại USB hỗ trợ duy nhất cổng USB Type-C của hãng SanDisk và sẵn làm bài trên tay luôn Nhằm tránh cho các anh chị em ở diễn đàn phải đọc tên sản phẩm dài dẫn đến tình trạng mỏi mắt, mình sẽ rút gọn dòng chữ “SanDisk Ultra USB Type-C” đầy đủ thành “Ultra Type-C”. Theo thông tin từ hãng SanDisk, Ultra Type-C dùng chuẩn USB 3.1 cho hiệu năng lên đến 150MB/s (32GB-128GB). Đây là điểm mạnh của sản phẩm nhằm rút ngắn thời gian chờ đợi mỗi khi sao chép dữ liệu từ điện thoại hoặc máy tính vào chiếc USB Ultra Type-C. Mặt trước và sau hộp sản phẩm Ultra Type-C Phần lớn tín đồ công nghệ lựa chọn Ultra Type-C chủ yếu cho nhu cầu mở rộng bộ nhớ điện thoại, sao chép dữ liệu quan trọng theo dạng backup. Riêng về việc phần sao chép qua lại giữa Ultra Type-C với máy tính, mình nghĩ rằng những ai đang sở hữu PC hoặc Laptop không hỗ trợ cổng USB Type-C khuyến cáo đừng mua loại này. Thay vào đó, anh chị em ở diễn đàn hãy chọn mua loại sản phẩm khác có hỗ trợ cho cả cổng USB thông thường (Type-A) và USB Type-C, tránh rơi vào trường hợp khó xử như mình. Mặt trước Ultra Type-C có thiết kế bên ngoài bằng kim loại nhìn khá đẹp Mặt sau Ultra Type-C in các thông số cơ bản về sản phẩm, riêng miếng dán nilon vì mình vẫn chưa muốn gỡ ra Ultra Type-C khi kéo cổng giao tiếp USB Type-C lên để kết nối tới thiết bị di động hoặc máy tính có hỗ trợ tiêu chuẩn trên Ultra Type-C hỗ trợ khá tốt cho những dòng điện thoại Android nhờ vào các tiện ích đi kèm theo sản phẩm. Tất cả tiện ích này đều dễ dàng tìm thấy trên Google Play Store. Vì bản thân mình chỉ có mỗi dòng Lumia 950 hỗ trợ cổng USB Type-C, chưa thể trải nghiệm thực tế các tính năng, tiện ích đi kèm Ultra Type-C. Ultra Type-C cho tốc độ truy xuất dữ liệu nhanh khi kết nối tới Lumia 950 Giao diện trình quản lý tập tin ổ đĩa USB mới trên Lumia 950 khi Ultra Type-C đã kết nối tới điện thoại Nhìn chung, Ultra Type-C có thiết kế tương đối khá đẹp, nắp bảo vệ thân sản phẩm chắc chắn. Mình khá hài lòng về Ultra Type-C vì giá bán phù hợp với giá trị thật của sản phẩm. Do lỡ mua nhầm loại này, mình vẫn đắn đo, không biết có nên mua thêm thiết bị chuyển đổi để hỗ trợ cho Ultra Type-C hay đặt mua thêm chiếc USB khác vì máy tính ở nhà không hỗ trợ cổng USB Type-C. Ngay lúc này đây, Ultra Type-C có nhiệm vụ sao lưu dữ liệu, nguồn backup tài liệu, hình ảnh và video quan trọng cho chiếc Lumia 950 của mình. Bài viết và hình ảnh: BinhDa