Sau một thời gian im hơi lặng tiếng, gần đây tin nhắn rác đang xuất hiện trở lại với nhiều nội dung nhảm nhí và có dấu hiệu lừa đảo khách hàng. Sau hơn 5 tháng “mai danh ẩn tích”, tin nhắn rác lại “tái xuất giang hồ”. Trong tháng 9 và tháng 10/2009, Báo BĐVN liên tục nhận được thông tin từ bạn đọc phản ánh về tình trạng tin nhắn rác SMS được phát tán từ số thuê bao di động trả trước quảng cáo cho dịch vụ của các doanh nghiệp cung cấp nội dung số (CP). Đáng nói, nhiều tin rác được nhắn từ những số di động có thông tin đăng ký hợp pháp, nhưng nội dung lại bịa đặt, thiếu trung thực do các đại lý kinh doanh tự khai báo và dùng sim đa năng, thiết bị kích hoạt sim trả trước tự kích hoạt để tung ra thị trường kiếm lời. Ngoài những tin “dụ” nhận quà tặng là những chiếc điện thoại Nokia N97 từ… trên trời rơi xuống, những “quả táo” iPhone, rồi “vô thiên lủng” quà tặng trị giá từ vài triệu đến vài chục triệu đồng… nếu nhắn vào đầu số 6782, 6766… Thậm chí, còn xuất hiện nhiều tin nhắn chạy theo cả vấn đề thời sự xã hội “nóng” là dịch cúm H1N1 để tranh thủ quảng cáo như trường hợp số thuê bao 0439964026 “loan tin” hơn 10.000 ca nhiễm và 23 người chết xuất hiện tại Việt Nam, để được tư vấn phòng chống H1N1 soạn tin H1N1 gửi 6766. Hiện nay việc nhắn tin rác từ các số điện thoại di động trả trước đang vô hiệu hóa cả cơ quan quản lý lẫn nhà mạng. Ông Nguyễn Việt Dũng, Phó Giám đốc Viettel Telecom thừa nhận, nếu các CP sử dụng số điện thoại của thuê bao trả trước để nhắn tin sẽ rất khó xử lý. “Khi chúng tôi truy những đầu số của CP qua phản ánh của khách hàng thì họ nói là họ bị ai đó chơi xấu chứ không hề gửi thư rác đến khách hàng. Thực tế Viettel đã rất mạnh tay cắt đầu số của một số CP để bảo vệ quyền lợi khách hàng”, ông Dũng nói. Đại diện truyền thông của Viettel cho biết, nếu như trước đây, các CP sử dụng số nội mạng để nhắn tin rác, thì nay lại sử dụng số thuê bao ngoại mạng để né việc bị nhà mạng “soi”. Tuy nhiên, nếu các CP bị 10 khách hàng phản ánh về việc trong tin nhắn rác có đầu số của CP thi Viettel sẽ lập biên bản cảnh cáo lần thứ nhất. Nếu sau đó Viettel tiếp tục nhận được tin nhắn của khách hàng thì sẽ tiến hành tạm cắt đầu số để điều tra và có thể sẽ tiến hành xử phạt. Cũng như Viettel, VinaPhone đã tiến hành xử lý nhắc nhở và xử phạt nhiều CP nhắn tin rác tới khách hàng trong thời gian vừa qua. Nhưng VinaPhone cũng thừa nhận để giải quyết triệt để rất khó khăn. Trong khi đó, MobiFone đang áp dụng các biện pháp chặt chẽ để chặn SMS rác bảo vệ quyền lợi khách hàng như lập đường dây nóng 9241 để tiếp nhận phản ánh của khách hàng. Thế nhưng, thực tế các CP dùng số điện thoại trả trước nhắn tin làm cho nhà mạng này rất khó xử lý. Trả lời ý kiến cho rằng phải chăng các nhà mạng và đơn vị chức năng đang “bó tay”, để tin rác hoành hành trở lại, ông Đỗ Ngọc Duy Trác, Trưởng phòng nghiệp vụ Trung tâm ứng cứu khẩn cấp và xử lý sự cố máy tính Việt Nam (VNCERT) nhấn mạnh: Thời gian qua, VNCERT, Thanh tra Bộ TT&TT cùng các nhà mạng như VinaPhone, MobiFone, Viettel đã có những động thái rất mạnh nhằm xử lý các đơn vị cung cấp nội dung vi phạm như công ty PT&T, VietNam2You, AVA… Tuy nhiên, việc triển khai chống tin nhắn rác thời gian vừa qua mới chỉ đơn thuần về mặt quản lý và hành chính, chính vì vậy thời gian tới sẽ tăng cường một số giải pháp kỹ thuật và sự phối hợp đồng bộ giữa nhà mạng. Ông Trác cũng cho biết, hiện tại, VNCERT đã xây dựng tạm thời kênh thông tin tiếp nhận các thông báo về thư điện tử rác, người dùng thư điện tử có thể chung tay chống thư rác bằng cách chuyển tiếp (forward) thư điện tử rác tới địa chỉ canhbaothurac@vncert.vn. Một chuyên gia viễn thông cho rằng, vấn nạn tin nhắn rác sẽ xử lý được nếu đi kèm với đó là việc thắt chặt quản lý thuê bao trả trước. Chỉ có như thế mới không còn cửa cho các CP lừa đảo nữa. Theo ICTnews