Vì sao Facebook Home, Amazon Kindle và Samsung không phải là mối đe dọa với Android?

Thảo luận trong 'Android: Tin Tức Chung' bắt đầu bởi journal, 20 Tháng tư 2013.

  1. Facebook Home là sản phẩm đầu tiên trên Android tạo ra một lớp tương tác mới giữa hệ điều hành và người dùng/ứng dụng. Kindle Fire chạy một phiên bản Android gần như không có một dấu tích nào của phiên bản gốc. Samsung bành trướng trên thị trường Android nói riêng và smartphone nói chung. Song tất cả những cái tên này đều không phải là mối đe dọa với Android.

    Nếu như những người khẳng định Facebook Home, Kindle Fire và Samsung là mối đe dọa với Android nhớ lại rằng Android là một hệ điều hành mã nguồn mở, họ sẽ suy nghĩ lại quan điểm của mình. Google đã "nuôi nấng" Android theo cách đó từ khi mua lại hệ điều hành này vào năm 2005. Quyết định đưa Android trở thành một hệ điều hành mở và có tính tùy biến cao chắc chắn đã không phải là một quyết định dễ dàng, và Google, một tập đoàn được điều hành bởi những thiên tài, chắc chắn đã suy nghĩ rất nhiều trước khi đưa ra quyết định đó. Google đã biết trước được "hậu quả" của việc không phát triển Android thành một hệ điều hành đóng như iOS, Windows Phone và BlackBerry, và đây là lý do: nhờ tính mở, Google cho phép tạo ra động lực cạnh tranh bên trong hệ sinh thái Android.

    [​IMG]
    Facebook Home​


    Trang PhoneArena phân tích, sự cạnh tranh và "mối đe dọa" là hai thứ hoàn toàn khác biệt nhau, và điều mà Android làm là tự tạo ra sự cạnh tranh cho mình. Facebook Home là một ví dụ điển hình cho luận điểm này.

    Trước hết, Facebook Home thay đổi cái nhìn về Android, nhưng ngay cả trên những chiếc "Facebook phone" như HTC First, người dùng vẫn có thể xóa Home để trở lại với phiên bản gốc của Android. Song, nếu như Facebook thành công, tất cả mọi người sẽ phải nghĩ lại về trải nghiệm mà họ tạo ra trên Android. Nói một cách cụ thể, Samsung sẽ phải nghĩ lại TouchWiz, HTC sẽ phải nghĩ lại Sense, và chính cả Google cũng phải nghĩ lại giao diện Android gốc. Sự cạnh tranh sẽ trở thành động lực sáng tạo, và cuối cùng, người hưởng lợi nhất vẫn chính là Android.


    [​IMG]
    Kindle Fire​

    Còn trong trường hợp của Kindle Fire, nhà bán lẻ trực tuyến số 1 thế giới đã chứng minh rằng, việc bất kì một công ty nào phát triển một nhánh Android riêng cũng sẽ chỉ góp phần thúc đẩy Google trên con đường hoàn thiện chất lượng cho Android. Nhờ có tính mở của Android, Amazon đã có thể phát triển ra một nhánh Android riêng biệt với Google – công việc mà nhà bán lẻ này thực hiện là tạo ra một phiên bản Android rất khác so với phiên bản Android gốc nhằm phục vụ cho việc bán phim, nhạc, sách và game. Tuy vậy, trong khi Kindle Fire là một công cụ tuyệt vời để Amazon có thể gia tăng doanh số các sản phẩm nội dung số của mình, tất cả các mảng khác của "Amazon Android" đều không bằng được Android gốc, đặc biệt là về mảng ứng dụng. Ngay chính cả Amazon cũng không đủ năng lực để tái hiện lại trải nghiệm Google Apps trên các thiết bị Android của riêng mình. Các ứng dụng cao cấp như Google Maps và YouTube giúp tạo ra một lợi thế rất lớn so với các phân nhánh Android khác như Kindle Fire.

    Nói một cách đơn giản, sẽ gần như không có một công ty nào muốn phải đương đầu với hiểm họa quá lớn từ việc đối đầu với Google trên mặt trận ứng dụng di động, đặc biệt là với vũ khí của chính Google cung cấp cho họ.

    Và đó cũng là lý do vì sao Samsung cũng khó có thể tự tạo ra một mảng Android cho riêng mình. Có rất nhiều lý do để Samsung có thể tách ra khỏi Google, song không ai có thể chỉ ra rằng vì sao công ty Hàn Quốc nên làm như vậy. Android vẫn là một sản phẩm miễn phí với các nhà sản xuất, và ngay đến cả các tính năng "màu mè" nhất của Samsung như Smart Stay hay Smart Scroll cũng khó có thể hoạt động nếu như không có Google: các tính năng này được dựa trên dịch vụ nhận diện khuôn mặt của Android 4.0.


    [​IMG]
    Bỏ Android để đến với Bada, Samsung sẽ mất rất nhiều​

    Samsung có thể tách ra khỏi Android, nhưng làm như vậy cũng có nghĩa là công ty Hàn Quốc sẽ mất đi tất cả các ứng dụng quan trọng của Google, bao gồm cả gian hàng Play. Samsung sẽ phải bỏ công sức và tiền của ra xây dựng ứng dụng YouTube riêng, sẽ phải tìm một đối tác phát triển dịch vụ bản đồ - và dựa vào kinh nghiệm của Apple và Apple Maps, đó là điều không nên làm. Nếu như Samsung mua một ứng dụng có đủ khả năng cạnh tranh với Play Store như GetJar hay Slide ME, công ty Hàn Quốc mới có thể trở thành một mối đe dọa với Android. Song nếu Samsung rời bỏ Android, rất có thể phần đông người dùng sẽ không đi theo tiếng gọi của công ty Hàn Quốc mà chọn cách ở lại với hệ điều hành của Google.

    Cuối cùng, phải nhận ra rõ ràng rằng, tất cả những thứ này đều đang nằm trong thế giới mà Google đã tạo ra, và mọi thứ đang diễn ra theo đúng cách mà Google muốn. Google muốn các công ty thử nghiệm những tư duy mới với Android, như những gì Facebook đã làm với Home. Google muốn các công ty sử dụng Android có thể thành công như Samsung. Google thậm chí còn muốn Android phát triển thành nhiều phân nhánh, như Kindle Fire. Tất cả những cái tên này đều không phải là mối đe dọa đối với Android, chúng chỉ tạo ra sự cạnh tranh ở bên trong hệ sinh thái Android, khiến cho các nhà sản xuất phần cứng, các nhà phát triển phần mềm và ngay chính cả Google buộc phải làm việc để biến Android thành một trải nghiệm ngày càng hoàn thiện hơn. Sự thật là Android cần phải có động lực này: môi trường điện toán di động ngày càng khắc nghiệt hơn bao giờ hết!

    Theo Phonearena/VnReview​
    xxxNMTxxx29 thích bài này.