Sự kiện Google I/O của người khổng lồ tìm kiếm Mỹ vừa diễn ra đã không giới thiệu được nhiều thay đổi cách tân như người ta vẫn kì vọng. Điều được báo chí nhắc đến nhiều nhất chỉ là một chiếc Galaxy S4 chạy bản Android gốc thay vì một chiếc Nexus thế hệ mới, và trên tất cả, điều mà mọi người dùng cũng như lập trình viên mong ước là phiên bản Android mới (mang số hiệu 4.3) thì vẫn bặt vô âm tín. Vậy ta có thể đặt câu hỏi, tại sao một thay đổi mang tính bước ngoặt với Android như vậy lại không diễn ra trong hội nghị phát triển phần mềm quan trọng bậc nhất của Google? Điều đó được nhiều người lý giải rằng Google đang cố gắng thay đổi cách thức update truyền thống. Như đã biết, Android luôn bị phàn nàn về độ phân mảnh và kém tương thích của các phần mềm. Rất có thể từ hội nghị Google I/O 2013 trở đi, Google sẽ chủ yếu tập trung vào nâng cấp các ứng dụng nền tảng, thay vì cố gắng thay đổi bộ lõi mã nguồn như trước đây. Nhìn tổng thể có thể tóm gọn rằng, Google I/O năm nay đã đem lại những thay đổi lớn như sau: Trước tên là về ứng dụng bản đồ Google Maps, phiên bản mới sẽ xuất hiện trên Android trước tiên, sau đó đến iOS vào cuối mùa hè, và phiên bản trên máy tính cũng sẽ có nhiều nâng cấp. Tiếp đó là phiên bản nền WebGL của trình duyệt web chủ lực là Chrome, cùng bộ mã API để lập trình game trên nền trình duyệt này. Các dịch vụ mới giúp đồng bộ hóa dữ liệu giữa PC-iOS-Android như Google Play Services, Google Play Music All Access, và Hangouts cũng đồng loạt được ra mắt. Cuối cùng, không kém phần quan trọng là màn trình diễn các cải tiến mới của bộ máy tìm kiếm khổng lồ Google Search. Điểm khác biệt cơ bản nhất giữa iOS và Android mà những người từng sử dụng qua cả hai hệ điều hành này đều dễ dàng nhận thấy là việc update các ứng dụng. Với iOS, chúng ta chỉ có thể có được các bản nâng cấp của những phần mềm lõi, hay chính xác hơn là ứng dụng chính hãng đi kèm máy do Apple lập trình khi tiến hành up firmware. Với Android thì ngược lại, bạn có thể lên đời cho các ứng dụng như Maps, Gmail, Youtube bất kì lúc nào có bản cập nhật mới, bất kể máy đang chạy Android 2.3 hay 4.0, hoặc cao hơn. Tuy nhiên, iOS cho phép mọi thiết bị update cùng một ngày, ngay khi mở cửa bản mới, còn người dùng Android phải chờ "dài cổ", vì họ phụ thuộc vào các nhà mạng và hãng sản xuất. Android của Samsung khác Android của HTC, và dĩ nhiên cũng chẳng giống Sony, vì thế Google đành bất lực trong việc thống nhất hệ điều hành của mình. Và đó chỉ là một phần trong nỗ lực đẩy lùi sự phân mảnh Android của Google. Còn nhớ, liên minh update Android ra đời vào I/O 2011 hứa hẹn đem đến sự thống nhất tuyệt đối cho hệ điều hành này. Thế nhưng, việc liên kết giữa các hãng sản xuất phần cứng với nhau là quá khó, và cuối cùng mọi việc đã đổ bể. Vì thế Google đã thực hiện một cách làm mới, khá giống với những gì người ta thấy trên Firefox OS: Tung ra các bản update dành riêng cho các ứng dụng lớp trên, chứ không phải là lõi nguồn của hệ điều hành, những lớp này độc lập với nhân kernel và không cần các OEM và nhà mạng phải tùy chỉnh gì thêm nữa. Theo những thông tin xuất hiện từ I/O 2013 thì những gì Google sẽ update trong thời gian tới mà không động chạm đến bộ lõi của Android bao gồm: Những dịch vụ đầu-cuối, các phần mềm chính hãng Google (như Gmail và Maps), các phần mềm mới chạy nền API của Google cung cấp (như Google Play Services). Những thứ kể trên không thay đổi gì nhân lõi của hệ điều hành, nhưng nó cho người dùng những trải nghiệm hoàn toàn khác khi sử dụng. Tất cả những thay đổi trên được áp dụng cho phiên bản Android đời cổ 2.2 trở đi. Đây quả là một bước đi khôn ngoan của Google, khi mà nếu có cho ra mắt ngay tại thời điểm hiện tại, Android 4.3 cũng chỉ có thể hoạt động trên chiếc Nexus đời mới nhất, và có lẽ lại phải mất đến cả năm trời để các hãng khác chạy theo việc update. Nhìn lại phiên bản 4.1 ra mắt vào I/O năm ngoái, cho đến nay mới chỉ có 26.1% số thiết bị Android là được chạy phiên bản này, đa phần trong số đó là những chiếc đời mới được cài sẵn 4.1 ngay khi xuất xưởng. Phiên bản 4.2 thì còn thê thảm hơn khi mới chỉ chiếm 2.3% thị phần. Trải qua nhiều lần đại update, phần lõi của Android đã dần đạt đến ngưỡng hoàn chỉnh, và Google có lẽ đã nhận ra không nên can thiệp gì vào nó nữa. Và càng nâng cấp, các tính năng càng hiện đại thì càng ít thiết bị kham nổi, thêm vào đó là hàng loạt các vấn đề phát sinh về lỗ hổng bảo mật, và các lỗi lặt vặt. Hiện tại, sau khi bản 4.0 đem đến sự đại tu về giao diện người dùng, 4.1 là sự mượt mà của Project Butter, và 4.2 thì đồng nhất tablet với smartphone, có lẽ phần lõi của Android không cần phải tiến hành cuộc đại phẫu nào nữa. Và với chiến lược mới này, Google có thể tự mình giải quyết vấn nạn phân mảnh mà không cần phải nhọc công gõ cửa từng OEM như trước nữa. Theo ArsTechnica, Genk