Liên minh viễn thông quốc tế xếp Việt Nam ở thứ hạng 122 trong số 178 nước và nền kinh tế trên thế giới, là vị trí áp chót của những nền kinh tế "nhóm thứ ba", chỉ trên nhóm cuối cùng là nhóm có khả năng tiếp cận thấp. Xét về chỉ số DAI (Digital Access Index, chỉ số tiếp cận về công nghệ số hóa), xác định khả năng tiếp cận của người dân đến công nghệ thông tin, bao gồm tám nhóm tiêu chí liên quan đến trình độ đào tạo của người dân, chất lượng và trình độ kết cấu hạ tầng, khả năng thanh toán của người dân theo tỉ lệ 20 giờ dùng Internet so với thu nhập hằng tháng. Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU, International Telecommunication Union), có trụ sở ở Geneva, VN đạt chỉ số DAI 0,31, được xếp thứ 122 trong số 178 nước và nền kinh tế trên thế giới. Đó là vị trí áp chót (trên Armenia) của những nền kinh tế xếp vào nhóm thứ ba, chỉ trên nhóm cuối cùng là nhóm có khả năng tiếp cận thấp. Trong thời đại kinh tế tri thức, khả năng tiếp cận công nghệ thông tin có ý nghĩa sống còn đối với một nước muốn thoát khỏi tình trạng lạc hậu và kém phát triển. Khả năng tiếp cận công nghệ thông tin được xác định trong mục tiêu thứ tám của các mục tiêu thiên niên kỷ do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc năm 2000 đã thông qua. Xét về mật độ điện thoại cố định và điện thoại di động, vị trí của VN trong khu vực rất khiêm tốn. Nếu lấy chỉ tiêu 10 máy điện thoại cố định/100 dân mà ta đang phấn đấu đạt được thì vị trí của VN vẫn chưa vượt lên trên Thái Lan. Nếu so sánh số người sử dụng Internet thì vị trí của VN lại càng thấp. Đáng chú ý là cước viễn thông quốc tế của VN được xếp vào loại đắt thứ ba trên thế giới, chỉ sau Cuba và Guyana. Cơ quan Xúc tiến thương mại Nhật JETRO đã so sánh chi phí viễn thông quốc tế của VN và các nước trong khu vực (xem ảnh). Ta thấy giá cước viễn thông VN đắt nhất trong khu vực và cao gấp hơn năm lần so với Singapore. Trong khi VN giảm thì nhiều nước khác cũng giảm, thậm chí còn giảm mạnh hơn VN. Điều đáng chú ý là năng suất lao động trên máy và lợi nhuận trên đường dây của viễn thông VN ở mức rất thấp. Theo đại diện VNPT, 57% lao động của ngành bưu chính viễn thông làm việc trong ngành viễn thông, thì số máy trên một lao động cũng chỉ đạt 154 máy. Nếu chia số doanh thu 1,6 tỉ USD cho số 45.600 lao động hoạt động riêng trong viễn thông thì doanh thu trên đầu người đạt 350 USD/người. Song, ITU theo số liệu năm 1999 và thông lệ lấy số lao động toàn ngành đã công bố số liệu trên đây. Chất lượng dịch vụ cũng thấp so với khu vực. Theo điều tra của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương năm 2000, có 90% khách hàng bị gián đoạn liên lạc điện thoại không dưới ba lần trong ba tháng gần nhất, 45% khách hàng mất hơn 10 ngày để lắp đặt điện thoại. Theo điều tra của Diễn đàn kinh tế thế giới năm 2002, đa số doanh nghiệp phải đút lót mới được lắp điện, nước, điện thoại... Cho đến trước ngày 1-4-2004, hằng tháng các hộ sử dụng điện thoại đều nhận được thông báo giá phải trả với lời chỉ dẫn, nếu không, nợ sau bảy ngày sẽ bị cắt dịch vụ. Việc cắt dịch vụ diễn ra không được báo trước và đã diễn ra đối với cả cán bộ cao cấp của Chính phủ chứ không phải đối với khách hàng bình thường. Gần đây, sau nhiều lần góp ý, thông báo trên đã được thay đổi. Văn phòng bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM nhận được rất nhiều than phiền của khách hàng, song những lời mời để đề nghị giải đáp không được đáp ứng. Rõ ràng, mặc dù đã có nỗ lực nhất định, song trong bối cảnh độc quyền chiếm giữ dịch vụ thiết yếu này, những nhược điểm đã bộc lộ ngày càng rõ nét hơn. Nếu so với chuẩn mực quốc tế thì khoảng cách thật đáng lo ngại. Điều quan trọng là những yếu kém của ngành viễn thông làm giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và bước tiến của dân tộc ta vào kỷ nguyên kinh tế tri thức. Vì lợi ích của đất nước, cần có những thay đổi và cải cách càng sớm càng tốt. Theo www.tintucvietnam.com