Mới đây, theo báo Dân trí, Sở giao thông vận tải TPHCM vừa đề nghị lên Bộ Giao thông vận tải và Tổng Cục đường bộ Việt Nam có chỉ đạo để làm rõ tính pháp lý đối với dịch vụ xe Uber. Theo đó, Sở GTVT cho biết, dịch vụ này về bản chất là loại hình xe hợp đồng vận tải nhưng chưa được các cơ quan chức năng cấp phép và không có phù hiệu xe chạy hợp đồng theo quy định. Cụ thể, những xe tham gia dịch vụ Uber tại Việt Nam đều chạy theo đơn đặt hàng thông qua ứng dụng Uber được cài đặt trên điện thoại. Khi truy cập vào ứng dụng Uber, khách hàng có thể đặt lịch trình sẽ đi và dịch vụ sẽ tự động liên kết với một chủ xe có tham gia vào hoạt động của Uber để báo giá cũng như thông tin qua lại cho đôi bên. Sau khi đã hoàn tất đơn đặt hàng, khách hàng trả bằng thẻ thanh toán quốc tế Visa, Mastercard, chủ xe hưởng 80% và Uber hưởng 20%. Hiểu nôm na rằng, Uber như là một đơn vị trung gian, đứng giữa và ăn “hoa hồng”, đồng thời chủ xe tham gia dịch vụ này không có gắn phù hiệu cũng như đồng hồ tính tiền. Đây không phải là lần đầu tiên Uber gặp rắc rối về mặt pháp lý với hơn 100 chi nhánh trên thế giới của dịch vụ chia sẻ xe này. Uber đã từng bị cấm tại các quốc gia Đức, Pháp, Bỉ, Hà Lan, Hàn Quốc với cùng những lý do như “không có giấy phép thích hợp về mặt pháp lý", “vi phạm nhiều đạo luật về vận chuyển hành khách”, “không kiểm tra lý lịch tài xế với những chiếc xe không hợp pháp", đồng thời để bảo vệ dịch vụ taxi truyền thống. Ở Hà Lan, cảnh sát đã bắt giữ 4 tài xế sử dụng ứng dụng Uber để cung cấp dịch vụ taxi, và họ bị phạt một khoản tiền $5.300. Uber đang trở thành nạn nhân của chính sự thành công của mình. Thậm chí ở ngay San Francisco, Uber cũng đang phải đối mặt với “những hậu quả nghiêm trọng" nếu không thay đổi mô hình kinh doanh hiện tại. Người biểu tình Châu Âu phản đối dịch vụ Uber. Như vậy, nếu Uber không đáp ứng được đòi hỏi về tính pháp lý và bị cấm tại Việt Nam, các cơ quan chức năng sẽ sử dụng cách nào để loại trừ ứng dụng Uber khỏi Việt Nam, cũng như biết được chiếc xe nào đang sử dụng ứng dụng Uber? Có 2 cách để các cơ quan chức năng Việt Nam có thể giám sát và xử lý được ứng dụng Uber. Thứ nhất, Việt Nam có thể áp dụng phương pháp mà Pháp đã sử dụng, đó là cấm các tài xế Uber chia sẻ vị trí xe của mình qua GPS, nhằm bảo vệ người dùng tránh khỏi những lời mời từ các xe gần nhất trên ứng dụng điện thoại. Cách thứ hai, áp dụng phương pháp của Hà Lan, Việt Nam có thể thành lập một tổ thanh tra và thường xuyên vào vai các khách hàng sử dụng dịch vụ Uber, nhằm tìm kiếm những chiếc xe vi phạm quy định. Thành phố Berlin của Đức đang áp dụng mức phạt $33.400 cho Uber mỗi lần vi phạm lệnh cấm, đồng thời các tài xế sẽ chịu mức phạt $26.750 cho mỗi lần bắt khách. Hi vọng Uber có khả năng đáp ứng được những đòi hỏi về pháp lý trên thị trường Việt Nam cũng như trên thế giới, để người dùng có thêm lựa chọn rẻ hơn, tiện dụng hơn về dịch vụ vận chuyển và mang lại nhiều lợi ích cho người dùng.