Nhiều dấu hiệu cho thấy nhà mạng quân đội, Viettel, đang có ý định nhảy sang kinh doanh loại hình dịch vụ nhắn tin và thoại miễn phí (OTT). OTT: Cuộc cách mạng thực sự Tại buổi Tọa đàm "Dịch vụ OTT ở Việt Nam và chính sách quản lý" do Bộ TT&TT tổ chức diễn ra mới đây, các nhà mạng đã dần bớt đi cái nhìn tiêu cực về OTT. Đặc biệt là Viettel, nhà mạng này cho rằng, đã đến lúc các doanh nghiệp viễn thông cần bắt tay hợp tác với đơn vị cung cấp dịch vụ OTT. Trái với những phát biểu gay gắt trên báo chí trước đó về OTT, tại buổi Tọa đàm lần này, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel, đã dành cho dịch vụ nhắn tin và thoại miễn phí này những lời "có cánh". Ông Hùng cho rằng, OTT là một cuộc cách mạng thực sự trong lịch sử 100 năm của ngành viễn thông thế giới. Viettel: OTT là một cuộc cách mạng thực sự trong lịch sử 100 năm của ngành viễn thông thế giới. Theo ông Hùng đánh giá: Nhờ sức ép từ OTT mà cách nhà mạng sẽ chuyển dần từ việc cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống sang dịch vụ phi thoại. Trong tương lai, doanh thu của các nhà mạng từ dịch vụ thoại chỉ còn 1/3 - 1/4, 1/3 sẽ đến từ doanh thu data và 1/3 còn lại sẽ đến từ các dịch vụ như mobile banking, điện toán đám mây… Đồng thời, ông Hùng cũng đưa ra lời khuyên đối với các nhà mạng nên coi việc hợp tác với với những dịch vụ OTT là cơ hội kinh doanh thực sự. Với số lượng người dùng lớn mà các nhà mạng hiện có, việc bắt tay với OTT sẽ có thể tạo ra 70% doanh thu đến từ các dịch vụ kinh doanh cũng như phí dữ liệu. Cùng quan điểm với Viettel, đại diện của Ericsson Việt Nam cũng cho rằng, OTT sẽ là cơ hội để các nhà mạng tăng doanh thu. Thông qua OTT, nhà mạng sẽ có thể đưa ra được gói cước dữ liệu phù hợp hơn với nhu cầu của người dùng. Nhận định trên được Ericsson đúc rút sau khi phối hợp thành công với một nhà mạng của Malaysia đưa ra gói cước dữ liệu giúp nhà mạng này tăng trưởng 600% thuê bao dữ liệu chỉ sau đúng 1 năm. Không chỉ gợi mở cơ hội để nhà mạng bắt tay với OTT, Viettel còn đề nghị các cơ quan quản lý đưa ra các chế tài thích hợp nhằm tạo điều kiện cho dịch vụ này phát triển trong tương lai. Theo đó, Bộ TT&TT cần có khung pháp lý về việc hợp tác cung cấp dịch vụ giữa nhà mạng và doanh nghiệp OTT. Nhà mạng tham chiến cách nào? Trước đây, các nhà mạng đều có ý định sẽ thu phụ phí đối với người tham gia sử dụng OTT và coi đây là khoản đền bù phần doanh thu bị thâm hụt. Tuy nhiên, những động thái mới từ Viettel có thể thấy nhà mạng này đã bắt đầu có bước tính xa hơn. Theo thống kê, các ứng dụng OTT như Kakao Talk, Viber, Line, Zalo ... đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Ước tính tại Việt Nam có khoảng 9 triệu người sử dụng các ứng dụng dạng này. Rõ ràng, đây là một số lượng khách hàng rất lớn và sẽ còn tăng thêm trong tương lai, đủ để tạo ra nguồn thu khổng lồ cho các nhà mạng nếu họ biết cách khai thác hợp lý. Kịch bản đầu tiên về mối "lương duyên" của Viettel với OTT sẽ là hình thức hợp tác. Bắt tay với một doanh nghiệp cung cấp OTT, đồng nghĩa với việc Viettel sẽ có cơ hội tiếp cận với tập người dùng của đơn vị đó. Việc này sẽ giúp hãng viễn thông quân đội có cơ hội mở rộng số lượng khách hàng tham gia mạng của mình cũng như ăn chia thêm qua các dịch vụ giá trị gia tăng đi kèm. Rõ ràng, việc liên kết này sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Viettel. Hiện các doanh nghiệp OTT đều có nguồn nhân lực riêng để phát triển các dịch vụ kiếm tiền như game, nhạc, mạng xã hội..., vì vậy nhà mạng sẽ giảm tải đáng kể vấn đề bố trí nhân sự cho việc hợp tác mà vẫn thu được lợi nhuận. Bên cạnh đó, việc hợp tác sẽ giúp phần quảng bá những dịch vụ hiện có của Viettel đến với đông đảo người dùng hơn mà không phải chi trả quá nhiều cho các phương thức truyền thông khác. Khả năng thứ hai, Viettel tự mình sở hữu một ứng dụng OTT mới. Với tiềm lực tài chính cũng như chất lượng nhân sự mà Viettel đang có ở thời điểm hiện tại, việc mua lại và Việt hóa một ứng dụng OTT của nước ngoài là hoàn toàn có thể. Không những thế, tự cho ra mắt ứng dụng OTT thuần Việt do mình sản xuất cũng nằm trong khả năng của nhà mạng này. Được biết trong 2 năm gần đây, Viettel đã đầu tư khá nhiều cho mảng cung cấp dịch vụ của mình. Hiện số lượng nhân sự dành cho phát triển ứng dụng của Viettel lên tới hơn 10.000 người và dự kiến đến năm 2015, 40% số nhân viên của Viettel sẽ tập trung và phát triển ứng dụng. Đây là cơ sở để Viettel hoàn toàn tự tin khi muốn có một ứng dụng OTT cho riêng mình. Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực OTT, nếu quyết tâm nhảy vào thị trường này, nhiều khả năng Viettel sẽ lựa chọn phương án thứ 2, trong đó việc tự ra mắt ứng dụng riêng sẽ được ưu tiên. Bởi ngoài việc đầy đủ về tiềm lực kinh tế cũng như nhân sự, Viettel cũng có truyền thống tự phát triển các dịch vụ của mình hơn là bắt tay với một đơn vị khác. Theo VTC
Theo OTT viettel sẽ đuối sức. chắc chắn như vậy tin nhắn sms sẽ từ từ sẽ không đủ lơi nhuận để trả cho OTT đâu