"So găng" trên sàn netbook Netbook giờ không còn là đấu trường của những nhà sản xuất máy tính mà đã có thêm đối thủ nhảy sang từ lĩnh vực sản xuất di động. Netbook trở thành đấu trường xôm tụ cả những nhà sản xuất máy tính và sản xuất di động. Ảnh Minh họa. Lớn hơn điện thoại thông minh (smartphone) một chút, nhỏ hơn laptop một chút, những chiếc netbook được thiết kế để sẵn sàng kết nối Internet đang trở thành một điểm sáng trong bức tranh màu xám của kinh tế thế giới. Không chỉ khiến các hãng sản xuất máy tính "đánh nhau vỡ đầu", netbook còn là thủ phạm của nhiều "trận quyết đấu" khác bởi các "đấu sĩ" luôn hy vọng mình sẽ được làm bá chủ thị trường. Đối thủ mới - trận đấu mới Suốt 3 năm qua, thế giới CNTT đã không còn lạ lẫm với những trận quyết đấu giữa những ông lớn trong làng sản xuất máy tính như Dell, HP, Acer và Asus với việc họ liên tục so kè nhau trong từng mẫu sản phẩm netbook mới được đưa ra thị trường. Bắt đầu kể từ năm 2009, sân chơi netbook đã xuất hiện thêm một đối thủ mới đầy tiềm năng mang tên: Nokia - hãng sản xuất điện thoại di động lớn nhất thế giới. Không chỉ xuất hiện thêm kình địch từ thị trường di động sang, thị trường netbook thế giới còn đang bắt đầu nảy sinh một cuộc đấu mới và cuộc đấu này còn quan trọng đến mức kết quả của nó sẽ quyết định vận mệnh và tương lai của cả 2 thị trường máy tính và điện thoại di động: Cuộc đấu giữa các nhà bán lẻ máy tính và các nhà cung cấp dịch vụ di động - Internet. Nhà sản xuất di động Nokia đang lăm le nhảy vào thị trường netbook. Cả 2 "đấu sĩ" này đều có trong tay những vũ khí lợi hại. Với các nhà mạng di động, chắc chắn họ sẽ tiếp tục sử dụng chiến thuật: trợ giá thiết bị để bán dịch vụ. Nếu chiến thắng thuộc về phe này, điều dễ thấy nhất là những chiếc netbook sẽ có giá bán rẻ "khủng khiếp" hơn nữa và tương lai của dòng sản phẩm này sẽ trở nên phổ biến không kém những chiếc điện thoại di động ngày nay. Thế nhưng, cái giá phải trả cho chiến thắng này là người dùng cuối sẽ không có cơ hội lựa chọn những mẫu máy mà mình thích, cấu hình mà họ mong muốn hay dịch vụ mà họ muốn sử dụng. Tất cả phụ thuộc vào quyền định đoạt của các nhà mạng. Ngược lại với viễn cảnh đó, nếu các hãng bán lẻ máy tính giành được thắng lợi cuối cùng? Túi tiền của người tiêu dùng sẽ "thủng" sâu hơn nhưng đồng thời quyền lựa chọn của họ cũng vì thế mà được mở rộng hơn. "Thực tế, việc trợ giá hay không trợ giá sẽ không quyết định nhiều đến chiến thắng chung cuộc mà vấn đề là ai có mối quan hệ với những kênh phân phối bán lẻ toàn cầu tốt hơn?" Ilkka Rauvola - Chuyên gia phân tích thị trường của hãng chứng khoán Danske ở Helsinki (Phần Lan) phát biểu. Nhà mạng đang tạm thắng thế Cho đến nay ở châu Âu, các nhà mạng đang tạm thời giành thế thượng phong. Trong khi đó, trên các thị trường châu Á và Bắc Mỹ, netbook vẫn chủ yếu được bán tại các siêu thị máy tính mặc dù kể từ tháng 12/2008, nhà mạng AT&T (Mỹ) đã bắt đầu bán netbook mang nhãn hiệu Dell và Acer cùng với bản hợp đồng dịch vụ. Ở Anh, hãng chuyên bán lẻ điện thoại di động Carphone Warehouse tuyên bố họ là hãng bán nhiều netbook nhất nhưng không tiết lộ doanh số là bao nhiêu. Hiện hãng này đang phân phối các dòng netbook mang nhãn hiệu Samsung, Acer, Asus, Fujitsu và Sony cùng với bản hợp đồng cam kết sử dụng dịch vụ trong vòng 2 năm. Ở các quốc gia vùng Baltic và Đức, chiến thắng cũng đang tạm nằm trong tay của các nhà mạng di động. Orange - hãng di động của tập đoàn viễn thông Pháp France Telecom, hồi đầu tháng 2 vừa qua cũng đã ký hợp đồng với nhà sản xuất HP để phân phối ra thị trường các sản phẩm được cài đặt sẵn ứng dụng và dịch vụ của Orange tại hơn 10.000 cửa hàng của họ. "Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng chương trình này đến hàng ngàn cửa hàng khác trong năm nay bởi đây là một phần trong kế hoạch chiến lược của chúng tôi" Olaf Swantee - Phó chủ tịch điều hành của Orange tuyên bố. Theo hãng nghiên cứu thị trường Gartner, doanh số tiêu thụ netbook toàn cầu trong năm nay sẽ đạt mức 21 triệu chiếc trong khi đó, doanh số của các dòng laptop khác lại giảm 9% xuống chỉ còn 156 triệu chiếc và dòng máy tính để bàn cũng tiếp tục có doanh số giảm 32% xuống còn 101 triệu sản phẩm. Chắc chắn những con số dự báo trên đã khiến Nokia "không thể cầm lòng". Trong một lần trả lời phỏng vấn trên truyền hình hồi tháng 2, Olli-Pekka Kallasvuo, Tổng giám đốc Nokia đã úp mở rằng Nokia đang "xem xét một cách nghiêm túc" việc tham gia vào thị trường sản xuất laptop cũng như netbook. Nhưng theo John Strand - nhà phân tích của hãng tư vấn đầu tư Strand Consult (Copenhagen - Đan Mạch) việc các nhà mạng di động chuyển từ chiến lược trợ giá cho di động sang trợ giá cho netbook đã khiến Nokia buộc phải nhảy vào sân chơi netbook nếu không muốn "lụi tàn". Có vẻ như nhận định đó đã đúng khi ngay sau đó Arja Suominen - phát ngôn viên chính của hãng di động Phần Lan đã không thể bình luận gì khác. Không chỉ "bỏ rơi" điện thoại di động, mô hình nhà mạng - nhà phân phối netbook còn trở thành một thách thức mới cho các nhà sản xuất máy tính bởi từ nay việc những chiếc netbook có thiết kế thế nào, hình dáng, cấu hình, tính năng... ra sao đều do các nhà mạng quyết định. Và tất nhiên, các nhà mạng sẽ chẳng mấy quan tâm đến những việc đó mà cái họ cần nhất là lợi nhuận. Trong bối cảnh kinh tế khủng hoảng, điều này có thể tạm chấp nhận. Nhưng liệu đây có nên là tương lai của netbook? Theo ICTnews