10 sự kiện bưu chính - viễn thông, CNTT năm 2006 Trung tâm kỹ thuật truyền hình di động của VTC Chiều 26-12, lần đầu tiên Bộ Bưu chính - viễn thông (BCVT) tiến hành bình chọn, công bố 10 sự kiện BCVT, công nghệ thông tin (CNTT) tiêu biểu của Việt Nam năm 2006. Theo đánh giá của Bộ BCVT, sự kiện ra đời Luật CNTT là sự kiện dẫn đầu do đây là bộ luật cao nhất của ngành BCVT, CNTT được ban hành. Ông Trần Đức Lai, thứ trưởng Bộ BCVT, cho biết hiện tại bộ đang tiếp tục xây dựng Luật Bưu chính và chuyển phát, Luật Viễn thông, Luật Tần số vô tuyến điện nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật của ngành. Sự kiện đứng thứ hai là việc Việt Nam đạt kỷ lục phát triển 10 triệu thuê bao điện thoại/năm tăng 188% so với năm 2005, nâng tổng số máy điện thoại của cả nước lên 25,79 triệu thuê bao. Theo ước tính, doanh thu BCVT năm 2006 sẽ đạt khoảng 48.000 tỉ đồng, tăng 29% so với năm 2005. Danh sách 10 sự kiện BCVT, CNTT tiêu biểu năm 2006 1. Luật CNTT chính thức được thông qua Ngày 22-6-2006, Quốc hội đã thông qua Luật CNTT. Đạo luật quan trọng này đã tạo môi trường pháp lí hết sức quan trọng đối với sự phát triển của ngành CNTT. 2. Việt Nam đạt kỷ lục phát triển 10 triệu thuê bao điện thoại/năm Sự tăng trưởng mạnh mẽ của các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông như VNPT, Viettel, SPT, trong đó có việc tham gia thị trường của 2 mạng di động CDMA là 096 của EVN Telecom và 092 của Hanoi Telecom đã nâng mật độ điện thoại của Việt Nam lên 30,5%, tăng 188% so với năm 2005. 3. CNTT được khẳng định tầm quan trọng đối với sự phát triển của Việt Nam Tầm quan trọng của CNTT đã được thể hiện qua việc Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trực tiếp làm Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT và trở thành nhà lãnh đạo cao nhất của Chính phủ lần đầu tiên giữ vị trí này. 4. Việt Nam - điểm đầu tư hấp dẫn và đáng tin cậy Tập đoàn CNTT khổng lồ Intel đã có một quyết định khiến cả thế giới chú ý: chỉ sau 9 tháng kể từ khi được cấp phép đầu tư đã nâng tổng vốn từ 605 triệu USD lên 1 tỉ USD để xây dựng nhà máy lắp ráp và kiểm thử chip (ATM) tại khu công nghệ cao TP.HCM. Sự kiện này, cùng với hình ảnh Bill Gates - Chủ tịch kiêm Kiến trúc sư trưởng Microsoft - đến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào ngày 22-4-2006 và các cam kết đầu tư gần 1 tỉ USD của các doanh nghiệp điện tử - công nghệ cao Nhật Bản vào tỉnh Hà Tây và một số tỉnh khác, đã khẳng định: Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn và rất đáng tin cậy đối với cộng đồng các nhà đầu tư CNTT-TT nước ngoài. 5. Việt Nam - quốc gia thứ 3 trên thế giới khai thác dịch vụ truyền hình kỹ thuật số trên điện thoại di động Ngày 10-11-2006, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) ra mắt dịch vụ truyền hình kỹ thuật số trực tuyến trên điện thoại di động dựa trên công nghệ DVB-H. Trước đó, dịch vụ xem phim và truy nhập Internet trên ĐTDĐ cũng được S-Fone thực hiện theo công nghệ CDMA 2000 1x/EV - DO. 6. BCVT, CNTT Việt Nam bước nhanh vào “sân chơi” WTO Ngày 8-11-2006, chỉ một ngày sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Chính phủ Việt Nam đã trao giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Chuyển phát nhanh DHL-VNPT, công ty liên doanh đầu tiên trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh được cấp phép. Tiếp đó, Bộ BCVT cũng đã cấp phép cho FPT Telecom cung cấp dịch vụ điện thoại cố định và SPT được thiết lập mạng, cung cấp dịch vụ viễn thông nội hạt và quốc tế. Tất cả các hoạt động này khẳng định độ “nhanh nhạy” của ngành BCVT, CNTT Việt Nam trước “sân chơi” WTO. 7. Hệ thống thông tin hiện đại nhất phục vụ Hội nghị APEC 14 APEC 14 - 2006 là sự kiện quốc tế lớn nhất được Việt Nam đăng cai tổ chức. Để phục vụ hội nghị này, một hệ thống thông tin liên lạc quy mô và hiện đại nhất với 1.000 nút mạng, 1.000 đường điện thoại, mạng WAN, WiFi và các hệ thống di động đã được VNPT, Viettel, VTC triển khai, đáp ứng nhu cầu đưa tin tức thời của gần 2000 nhà báo trong nước và quốc tế, đảm bảo phát đồng thời 20 đường hình, phục vụ gần 500 phiên phát hình quốc tế với tổng thời lượng gần 20 ngàn phút mà không để xảy ra sai sót, an ninh mạng được đảm bảo tối đa. 8. Doanh nghiệp viễn thông Việt Nam mở thị trường ngoài nước Với việc cung cấp ba dịch vụ viễn thông tại Campuchia (VoIP, di động và Internet) Viettel là doanh nghiệp Việt Nam đầu tiên cung cấp dịch vụ viễn thông ở nước ngoài. Trong khi đó, VNPT đã xúc tiến đầu tư sang thị trường Lào và Campuchia để sản xuất cáp đồng và xây dựng mạng, đồng thời mở văn phòng đại diện tại Mỹ để chuẩn bị cho việc kinh doanh tại thị trường này. 9. Hợp tác và cạnh tranh: Tư duy mới của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam Ngày 1-12-2006, các doanh nghiệp viễn thông đã đồng loạt thực hiện ký thỏa thuận kết nối theo cơ chế “hợp đồng kinh tế”. Các doanh nghiệp Viettel, Vinaphone và MobiFone cũng đã có những hợp tác thiết thực để sử dụng chung cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng phục vụ; VNPT hợp tác thu cước cho HT Mobile. Sự hợp tác và cùng cạnh tranh lành mạnh đó đã thể hiện một tư duy mới của các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam trong thực thi chiến lược hội nhập và phát triển. 10. Thiết lập trật tự trong kinh doanh trò chơi trực tuyến Sáu doanh nghiệp cung cấp 13 trò chơi trực tuyến đang phát hành tại Việt Nam lần đầu tiên đã bị Thanh tra Sở BCVT TP.HCM xử phạt vi phạm hành chính. Quyết định dứt khoát và cứng rắn này đã giúp các doanh nghiệp nhận thức sâu sắc việc tuân thủ các quy định của pháp luật - nhất là trong điều kiện đã hội nhập. Sự kiện này khẳng định vai trò của các cơ quan quản lý BCVT và CNTT tại địa phương đang ngày càng được tăng cường. (Tuổi trẻ online)