"Alo Game"- Đắt có xắt ra miếng??? (Mobilenet) - “Alo game” từ lâu đã không còn là một khái niệm xa lạ trong làng di động. Tuy nhiên, việc khai thác và phát triển game trên di động đang là một bài toán khó đối với các nhà cung cấp nội dung khi khi vấn đề giá cả game hiện nay vẫn là một rào cản lớn để khách hàng đến được với các game của họ. Di động cùng game Nhu cầu chơi game trên ĐTDĐ (Mobile Game) đã có từ lâu, song hành với sự có mặt của ĐTDĐ trên thị trường. Ban đầu, với những dòng điện thoại màn hình đen trắng, người dùng chỉ được tiếp cận với những trò Game vô cùng đơn giản như Snake, Quattropoli hay Reversi...Với sự phát triển của công nghệ, ĐTDĐ được cải tiến, nâng cao hơn với màn hình màu, hỗ trợ kết nối mạng. Khi đó, ngành kinh doanh Mobile Game mới thực sự bùng nổ trên thế giới và người dùng mới biết đến các trò game đúng nghĩa, được phát triển trên nền Java. Tại Việt Nam, thị trường có tốc độ tăng trưởng thuê bao di động lớn nhất nhì châu Á, đại bộ phận giới trẻ đã biết đến Mobile Game và đã nghiên cứu chúng ngay trên chiếc ĐTDĐ của mình. Một thực tế dễ nhận thấy là đối tượng chơi game trên ĐTDĐ ở nước ta phần lớn không phải là các game thủ vì đặc thù của Mobile game chủ yếu là game chơi đơn lẻ, trong khi các game thủ chơi không phải chỉ để giải trí. Người chơi vẫn thường thụ động trong việc sở hữu game. Do đó game “di động” ở Việt Nam chủ yếu là những game có thể thi thố được với nhau, ganh đua tạo thành một cộng đồng chơi. Các game được phân phối trực tiếp từ các cửa hàng ĐTDĐ nhỏ lẻ, qua Internet (các diễn đàn ĐTDĐ, các trang web cho tải game XXXXX của nước ngoài..) và qua sự chia sẻ của bạn bè. Theo nhận định của các chuyên gia thì những game này phần lớn đều là game bất hợp pháp, được bẻ khóa ( XXXXX) và phát tán trực tiếp hoặc gián tiếp theo các kênh trên. Thị trường game cho ĐTDĐ ở Việt Nam đang bước đầu được hình thành và có thể ví von như một cuộc chiến không cân sức giữa những nhà cung cấp game có bản quyền với nạn sử dụng, kinh doanh game lậu tràn lan. Game lậu và những nguy cơ tiềm ẩn Hiện tại, một số nhà cung cấp đã nhận thức được vấn đề này và thực hiện việc kinh doanh game có bản quyền. Tuy nhiên cũng còn nhiều đơn vị đang công khai đưa game lậu, game XXXXX lên chính tổng đài nhắn tin của mình để phục vụ mục đích kinh doanh. Người dùng bỏ tiền ra mua một sản phẩm bất hợp pháp, chưa kể đến việc game XXXXX thường chứa những rủi ro nhất định đối với các thiết bị đầu cuối của khách hàng. Game XXXXX tràn lan, 99% người dùng đến với game mà không phải bỏ một khoản phí nào để trả bản quyền. Nguyên nhân phần lớn do tâm lý người Việt Nam vốn chuộng hàng miễn phí, và cũng do game của các nhà cung cấp chưa thực sự đến được với khách hàng nên người dùng dù không muốn dùng game XXXXX cũng không còn lựa chọn nào khác khi mà thương mại điện tử và việc mua bán qua mạng vẫn còn là một khái niệm xa lạ với người Việt. Theo các chuyên gia thì khi tải game lậu về máy, khách hàng sẽ phải đối mặt với hai nguy cơ tiềm ẩn. Thứ nhất là về mặt khoa học, các game lậu phần lớn do các hacker lấy về. Nhiều game có chứa virus nhằm mục đích lấy thông tin từ điện thoại của khách hàng để nhằm mục đích phá hoại của các hacker. Thứ hai là xét về góc độ văn hoá, game bất hợp pháp, game lậu ẩn chứa những rủi ro tiềm tàng, ảnh hưởng đến văn hóa, nhận thức và lối sống của người dùng khi chất lượng nội dung các game này không được kiểm soát (có rất nhiều game lậu mang tính đồi trụy, cờ bạc, bạo lực, chính trị...) Đắt hay không đắt? Cùng với sự phát triển của di động, các nhà khai thác nội dung liên tục đưa ra các game được cài đặt và chơi trên điện thoại. Tiêu biểu trong lĩnh vực này có thể kể đến các tên tuổi như VTC, FPT, BX ... Các game được viết bằng Java với giá trung bình 15.000đ/ game. Tuy nhiên không phải ai cũng tải được game về vì việc tải game phải thông qua kết nối GPRS, mà mạng này mới chỉ có tại Hà Nội, TP HCM và một vài thành phố lớn khác. Chưa kể đến rui ro đó thì riêng phí dịch vụ + phí GPRS cho một game đã lên tới 30.000đ. Nếu làm một phép so sánh thông thường thì với số tiền này họ có thể mua được 6 - 10 game tại các cửa hàng bán băng đĩa game. Với suy nghĩ đó, nhiều người chơi game trên di động đã “quay lưng” lại với game mà các nhà cung cấp nội dung mang lại. Thay vì việc soạn tin nhắn rồi gửi đến một đầu số 87xx nào đó, họ sẵn sàng tải game từ các máy vi tính mà chẳng mất 1 khoản phí nào. Một cuộc khảo sát nhỏ cho thấy có tới 55% số người được hỏi cho rằng phí dịch vụ để có một game là quá đắt và 70% trong số họ chọn phương án tải game từ máy tính hoặc các cửa hàng di động, số còn lại chỉ chơi những game đã có sẵn. Các game dịch vụ được tải nhiều nhất là những game giá rẻ (từ 3000-5000đ/game, dễ chơi (của Darlink) và chúng luôn được các game thủ đón nhận nhiều hơn so với các game đắt tiền khác. "Tôi nghĩ việc trả tiền cho game là hoàn toàn hợp lý nhưng cái giá 15.000đ/game chưa bao gồm phí GPRS là quá cao so với mặt bằng chung hiện nay của chúng ta. Một lý do nữa mà người ta không thích bỏ tiền ra mua game về cho điện thoại là vì bản thân họ không muốn đầu tư cho giải trí trên một chiếc máy có màn hình bé tẹo, tuổi thọ pin yếu và chỉ chơi được 10 phút là đã chán"-Quang Hào (công ty Nhất Việt) chia sẻ. Trao đổi với chúng tôi về vấn dề này, đại diện của GAME.LOFT (một đơn vị cung cấp game bản quyền), ông Phạm Trần Dũng (phụ trách Game) cho biết trên thực tế số tiền 15.000đ mà khách hàng trả cho 1 game thì 1/3 trong số đó là tiền bản quyền, 1/3 chi trả cho các nhà cung cấp di động và 1/3 tri trả cho đội ngũ làm dịch vụ. "Hiện nay khi Việt Nam đã gia nhập WTO thì vấn đề bản quyền các sản phẩm trí tuệ là một yêu cầu bắt buộc trong quá trình hội nhập. Mobile game cũng không nằm ngoài phạm vi đó. Khách hàng khi bỏ ra 15.000đ để tải game từ các nhà cung cấp nội dung sẽ được sở hữu một sản phẩm game có bản quyền. Đây là những game đã được Việt hoá, tuyển chọn về chất lượng nội dung và hình ảnh, phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt ". Ông Dũng còn cho biết, ngoài ra khách hàng khi tải game sẽ được khuyến mại nhiều sản phẩm dịch vụ khác như nhạc, hình ảnh và đặc biệt được tham gia vào những trò chơi thú vị do nhà cung cấp tổ chức. "Trong tương lai gần, khi nhận thức của người dân về việc sở hữu game hợp pháp được nâng cao, cơ sở hạ tầng mạng có chất lượng ổn định, các thiết bị đầu cuối được nâng cao về tính năng và giảm giá thành, thị trường game cho ĐTDĐ sẽ thực sự bùng nổ và Mobile Game sẽ trở nên phổ biến hơn với người tiêu dùng". Ông Dũng Khẳng định. Như vậy, khách hàng hoàn toàn có thể tin tưởng rằng họ sẽ tải được những game bản quyền về chơi mà không phải đắn đo nhiều về mặt giá cả của chúng. An Khánh