Alpha A850, DSLR full-frame giá rẻ

Thảo luận trong 'Tin Công Nghệ' bắt đầu bởi Kelbin, 1 Tháng chín 2009.

  1. Kelbin Thành viên

    Chiếc máy ảnh này của Sony mở ra một cuộc đua mới - DSLR full-frame giá rẻ - khi thân máy dưới 2.000 USD, rẻ hơn Canon EOS 5D Mark II, mà chất lượng không kém.
    Khi được giới thiệu lần đầu tiên vào tháng 9/2008, Sony A900 đã tạo ra cú sốc giá rẻ cho dòng DSLR full-frame vốn nổi tiếng đắt đỏ. Chỉ sau đó một thời gian ngắn, Canon lập tức đáp trả bằng EOS 5D Mark II với mức giá còn thấp hơn. Tưởng chừng như cuộc chiến DSLR full-frame giá rẻ đã vãn hồi thì Sony tái lập thế thượng phong vào cuối tháng trước bằng phiên bản A850 với mức giá kỷ lục, dưới 2.000 USD cho thân máy, thấp hơn A900 và EOS 5D Mark II tới 700 USD. Mặc dù vậy, A850 được các chuyên gia đánh giá là không hề thua kém hai "tiền bối" về tính năng cũng như chất lượng hình.
    [​IMG]
    Sony Alpha A850 nổi bật với cảm biến full-frame và mức giá rẻ. Ảnh: Imaging-resouce.
    Sony quảng cáo rằng sản phẩm mới nhất này thừa hưởng gần như hoàn toàn thiết kế về cảm biến, thân máy cũng như hệ thống điện tử của model cao cấp A900. Các bài test với độ tin cậy cao cho thấy chất lượng ảnh của 2 máy này cũng tương đương nhau. Những tính năng khác trừ tốc độ chụp liên tiếp và độ phủ của viewfinder cũng gần như đồng nhất.
    Về ngoại hình, máy trông khá giống phiên bản A700, tuy nhiên, phần tay cầm hơi phồng lên một chút cho vừa lòng bàn tay. Thân máy nặng 932 gram (nhẹ hơn Canon EOS 5D Mark II và Nikon D700) với kích thước các chiều là 156 x 117 x 82 mm. Phím xoay chọn chế độ nằm thẳng và song song với đáy trong khi trên A700 lại hơi nghiêng.
    Màn hình LCD của A850 có độ lớn 3 inch với độ phân giải 921.000 điểm ảnh cùng một lớp phủ chống lóa hứa hẹn cho màu sắc tuyệt đẹp trong mọi điều kiện ánh sáng. Viewfinder hơi đáng thất vọng do chỉ có độ phủ 98%. Tuy nhiên, Sony lại cẩn thận trang bị một cảm biến hồng ngoại ngay phía dưới ống ngắm đảm nhận chức năng tự động tắt LCD khi ghé mắt lại gần. Chốt nhỏ nằm bên trái viewfinder cho một tùy biến nhỏ: chặn hình ảnh đi vào khung ngắm trong các trường hợp không cần thiết (như khi đặt máy ở chế độ phơi sáng lâu).
    Máy sử dụng thẻ nhớ MemoryStick Duo vốn là định dạng độc quyền khá đắt của hãng. Tuy nhiên, Sony cũng mở lối thoát cho người dùng bằng cách hỗ trợ thêm thẻ CompactFlash I hoặc II. Pin lithium của máy có khả năng chụp khoảng 880 kiểu và hỗ trợ báng Sony VG-C90AM.
    [​IMG]
    Thân máy A850 khá giống phiên bản A700. Màn hình độ phân giải cao rất hấp dãn khi xem lại hình.
    Ảnh: Imaging-resource.
    Phần quan trọng nhất của A850 là cảm biến CMOS độ phân giải "đạt ngưỡng" 24,6 Megapixel, tương đương dòng máy chuyên Nikon D3x (tuy nhiên, "hàng khủng" của Nikon có mức giá lên tới 8.000 USD). Cảm biến full-frame của A850 sử dụng công nghệ Exmor do Sony phát triển, hứa hẹn độ nhạy sáng và khả năng khử nhiễu ưu việt. Với trên 6.000 cổng chuyển đổi Analog/Digital, các dữ liệu màu sắc gần như ngay lập tức được chuyển về vi xử lý, hạn chế tối đa các tạp nhiễu điện tử phát sinh do quá trình nóng lên của sensor đồng thời tăng tốc quá trình ghi dữ liệu vào thẻ nhớ. Tuy nhiên, A850 chỉ hỗ trợ dải ISO trong khoảng 200-3200 mở rộng lên ISO 6400, vẫn còn thua xa so với mức ISO 25.600 của Canon EOS 5D Mark II. Ảnh test của Imaging Resource cho thấy khả năng khử nhiễu và độ nét của 5D Mark II cũng khá hơn A850, dù rằng sự khác biệt này khó có thể nhận ra. Các fan của Canon cũng có thể tạm yên tâm khi dòng máy full-frame này của họ có khả năng trung hòa màu rất tốt với quá ít chi tiết giả ảnh, vượt trội hai sản phẩm của Sony là A900 và A850, đôi lúc còn hơn cả Nikon D3x.
    [​IMG]
    Những ảnh trên đều dùng ống kính Sigma 70 mm f/2.8 macro tại khẩu độ F/8, ISO đặt tại giá trị thấp nhất (ISO 200 trên A850 và A900, ISO 100 trên 5D Mark II và Nikon D3x). Ảnh chụp bởi 5D Mark II hơi nhỏ hơn do độ phân giải cảm biến chỉ 21.1 Megapixel. Ảnh cho bởi A850 hơi kém nét hơn A900 một chút ít, trong khi ảnh cho bởi 5D Mark II có độ bão hòa màu chuẩn nhất và chi tiết nhất. Ảnh từ D3x rất nét nhưng các vùng màu trên váy nhân vật và phần rìa khung tranh tái hiện chưa thật sự xuất sắc.
    Sony cũng chu đáo tích hợp cho A850 hệ thống chống rung cảm biến SteadyShot. Cơ chế này có thể hoạt động trên mọi ống kính của hãng. Việc tích hợp chống rung cảm biến đối với các máy full-frame thường rất khó khăn vì đòi hỏi hệ thống cơ học hỗ trợ phải có vận tốc và khả năng đáp ứng cực nhanh. Tuy nhiên, các bài test tại SLRgear cho thấy khả năng chống rung của A850 hoạt động quá tuyệt vời. Máy có thể tăng phơi sáng lên 2.5-4 stop so với bình thường mà hầu như không gặp bất cứ hiệu ứng phụ nào do quá trình di chuyển cảm biến. Hơn thế nữa, cơ chế chống bụi kép của A850 cũng được đánh giá nhỉnh hơn so với các đối thủ đến từ Canon và Nikon. Ngoài việc sử dụng những rung động mạnh của hệ thống cơ học để đẩy bụi khỏi cảm biến, một lớp khử tĩnh điện công nghệ mới cũng được phủ lên sensor để hạn chế số bụi "cứng đầu" cố tình bám chặt trên bề mặt.
    Sony A850 sử dụng hai vi xử lý Bionz cho khả năng chụp liên tiếp tốc độ 3 hình/giây (tuy nhiên vẫn thua A900 với 5 hình/giây). Máy đã được tích hợp công nghệ Peripheral Illumination nhằm sửa lỗi đen 4 góc ảnh vốn hay xảy ra khi sử dụng các ống kính góc rộng.
    Hệ thống lấy nét tự động của A850 hoàn toàn tương tự như A900 với 9 điểm lấy nét chính và 10 điểm phụ trợ cho tốc độ và khả năng chính xác rất cao. Bạn có thể chuyển đổi qua lại giữa chế độ lựa chọn điểm nét bằng tay Local AF hay để máy tự chọn trong chế độ Choose Wide. Tuy nhiên, người dùng sẽ cảm thấy hơi khó chịu do các điểm lấy nét này có kích thước tương đối nhỏ khi xem trên viewfinder.
    [​IMG]
    Hệ thống điểm lấy nét của A850 hơi nhỏ. Bốn thay mỏng xuất hiện trên khung hình cho thấy chế độ sensor APS-C được kích hoạt. Ảnh: Imaging-resource.
    Điểm đặc biệt ở Sony A850 là hỗ trợ dòng ống kính DT series. Những ống này vốn là sản phẩm được thiết kế cho các máy có cảm biến nhỏ APS-C. Chúng vẫn có thể thể lắp vừa trên các máy full-frame của Sony tuy nhiên thường gây ra hiện tượng đen 4 góc ảnh khá nặng nề. Sony A850 giải quyết vấn đề này bằng cách tự động chuyển khung hình về cỡ APS-C, tức là cắt bớt các pixel thừa của cảm biến đi khi các ống kính dòng DT được lắp vào. Bốn thanh mỏng xuất hiện trên ống ngắm sẽ cho thấy khung hình thực (đã crop) của ảnh khi chụp qua các ống loại này. Thậm chí, bạn cũng có thể chọn chế độ chụp với sensor cỡ APS-C khi một ống kính hỗ trợ full-frame được cắm vào. Bức ảnh xuất ra sẽ có phân giải khoảng 11 Megapixel.
    [​IMG]
    Các thước chụp tại mọi tùy chỉnh ISO đều cho thấy Canon EOS 5D Mark II cho bão hòa màu và khả năng khử noise tốt hơn Sony Alpha A850. Ảnh: Imaging-resource.
    Nhược điểm đáng kể nhất ở máy là tốc độ chụp chỉ 3 hình/giây, thấp nhất trong các máy full-frame. Tốc độ kế tiếp nhau giữa 2 ảnh cũng hơi chậm, máy sẽ không chụp nếu bạn nhấn nút quá sớm kể từ lúc bức ảnh trước đó được chụp xong. Thậm chí khi chuyển về chế độ APS-C (phân giải chỉ còn khoảng 11 Megapixel), tốc độ chụp liên tiếp của máy vẫn ì ạch như cũ. Máy cũng không hỗ trợ xem ảnh sống Live View và quay video dù hai chức năng này đã dần trở nên quen thuộc với hầu hết các máy DSLR.
    Mặc dù còn một số nhược điểm cần khắc phục song Sony A850 xứng đáng là sự lựa chọn hoàn hảo nếu bạn muốn có một chiếc DSLR full-frame với chất lượng ảnh đỉnh cao mà giá lại phù hợp túi tiền. Cảm biến độ phân giải "hàng khủng" cũng rất hấp dẫn nếu bạn muốn sử dụng để chụp ảnh quảng cáo mà ngại đầu tư Nikon D3x với mức giá "trên trời": hơn 8.000 USD. Sony A850 có thể tương thích tốt với các ống dòng A của Minolta. Thân máy dự kiến sẽ được bán trong tháng 9. Bộ kit 28-75mm F2.8 SAM có lẽ phải đợi đến tháng 11 mới phát hành với mức giá 800 USD.
    Sohoa.net