Ăn chay thời 3-MCPD

Thảo luận trong 'Trò Chuyện Tổng Hợp' bắt đầu bởi haidove, 26 Tháng sáu 2007.

Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.
  1. haidove Ex-Mod

    Ngày nay việc ăn chay không chỉ do tín ngưỡng mà đã trở thành “nơi cân bằng” thực phẩm (động vật - thực vật) của nhiều người. Thế nhưng, giữa thời rau nhiễm thuốc trừ sâu, nấm Trung Quốc không “date” rồi đến nước tương có 3-MCPD (chất có khả năng gây ung thư)… thì ăn chay không còn an toàn.

    Không phải là người mộ đạo, Nguyễn Vân Anh (quận 5) cho biết “cái duyên” đến với các món ăn chay vì trước đây cứ nghe đến cúm gia cầm, heo lở mồm long móng, trâu điên, bò điên là cả gia đình chị phát hoảng nên chuyển sang ăn chay.

    “Chúng tôi nghĩ rằng, thức ăn chay được chế biến từ thực vật có thể ngăn ngừa được các bệnh. Thế nhưng, mới đây các cơ quan chức năng công bố nhiều loại nước tương - gia vị chính cho bữa ăn chay mà nhiều năm qua gia đình tôi thường sử dụng có chất gây ung thư, khiến gia đình tôi… lạnh cả gáy!”, chị Vân Anh kể.

    Chị Vân Anh bức xúc kể tiếp “Chẳng biết rồi đây còn những loại thực phẩm nào không đảm bảo chất lượng. Ngay những “thương hiệu” nổi tiếng thậm chí được chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao” cũng không an toàn, thì giờ người dân biết tin vào đâu?”.

    Anh Phan Anh Đức, một công chức ở quận 1 phải thường đi tiếp khách, nên anh thường ăn quá nhiều cá, thịt. Vì sợ dư đạm, tăng cholesterol dẫn đến bệnh gout, tiểu đường… nên tuần nào anh cũng tranh thủ 1- 2 bữa đến tiệm ăn chay cho cân bằng sức khỏe. Thế nhưng, nhiều tháng nay anh phải từ giã quán chay vì nghe nhiều loại thực phẩm chưa kiểm định, không an toàn. Anh nói: “Nhà nước kiểm soát mà nhiều loại nước tương khi kiểm tra còn có chất gây ung thư, vậy những thực phẩm chay nhập từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Hong Kong… không rõ nguồn hàng thì làm sao dám ăn?!”.

    Bác Nguyễn Văn Bốn nhà ở Tân Bình là khách hàng thường xuyên của các tiệm cơm chay, dí dỏm: “Tôi bị máu nhiễm mỡ nên mới phải ăn chay để phòng bệnh chứ không phải vì tín ngưỡng, nào ngờ...”.

    Ngày nay có rất nhiều khách“chán thịt thèm chay” nên để đáp ứng nhu cầu, quán chay đang mọc lên như nấm, nhưng những quán có tên tuổi như: Thuyền Viên (đường Nguyễn Văn Đậu), Hương Viên (đường Vườn Chuối), Giác Duyên (gần chợ Đa Kao), Tịnh Tâm Trai (đường Võ Thị Sáu)… vẫn chật cứng người.

    Thực phẩm “3 không”

    Đến quán chay trên đường Phạm Ngũ Lão. Nghe nước tương có chất 3-MCPD nên bạn tôi đã “tẩy chay” nước tương, yêu cầu chủ quán đổi thành chao để chấm rau. Vậy mà chén chao bé xíu ấy bị chủ quán tính đến… 3.000 đồng (bằng một suất ăn ở quán bình dân). Bởi theo giải thích của nhân viên trong quán, giá thực phẩm chay rất mắc, chỉ tính riêng bột nêm gà (gia vị chay) thôi đã hơn 300.000 đồng/kg, nếu tính các loại nấm, ngũ cốc đóng hộp nhập khẩu thì không có món nào dưới 500.000 đồng/kg. Thí dụ như cá chép chay dạng nguyên con ướp lạnh ngoại nhập (làm bằng bột đậu nành với các phụ gia tạo chất kết dính đổ vào khuôn hình con cá chép) với giá rất cao.

    Đó là lý do vì sao các buffet chay ở nhà hàng Vân Cảnh, Đồng Khánh... thường có giá rất cao. Hỏi vì sao nhiều quán chay khác lại bán giá mềm hơn, chỉ vài nghìn đồng/món thì chị trả lời là “những quán ấy lấy hàng chợ, không đảm bảo an toàn chất lượng, vệ sinh thực phẩm”.

    Quả thật, khi đến quán chay Thuyền Viên, giá cả các món ăn cực rẻ, bún ốc chỉ giá 5.000 đồng/tô, đùi gà chỉ 2.500 đồng/cái… và điều khách hàng quan tâm là nước tương thì ở đây đựng nước tương trong chai nước suối nên khách hàng chẳng biết nước tương đó nhãn hiệu gì. Đến một số quán chay bình dân khác cũng thế, giá rẻ nên nước chấm làm bằng… thủ công theo “công thức” nước chấm = muối + bột ngọt + nước sôi để nguội. Còn nước tương mua ở chợ, đựng từng can, không nhãn mác, giá chỉ 4.000 đồng/lít. Các loại nấm, rong biển là hàng nhập từng thùng từ Trung Quốc, Hong Kong cũng không nhãn mác, thời hạn sử dụng… Gia vị chế biến thức ăn chay ở các quán bình dân chủ yếu là muối, nước màu, dầu, bột ngọt.

    Nhiều người nghĩ ăn chay là ăn kiêng, ít béo, ít năng lượng, nhưng thực tế theo giải thích của bác sĩ, thức ăn chay có hàm lượng dầu rất cao do các món chiên xào. Bữa ăn chay chủ yếu chế biến từ bột, mì căn... nên có rất nhiều chất bột đường. Khi chế biến thức ăn chay, để tạo vị ngon ngọt người ta có khuynh hướng dùng nhiều bột ngọt, không tốt cho sức khỏe, nhất là những người cần kiêng muối (cao huyết áp, tim mạch). Đó là chưa kể các thực phẩm chay khác như chao, tàu hủ… là do các quán tự chế biến thủ công nên nếu đặt vấn đề về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm thì như chuyện… mò kim đáy biển!

    (Theo Sài Gòn Giải Phóng)
Trạng thái chủ đề:
Không mở trả lời sau này.