Một công ty đang trong thời hoàng kim của sự phát triển, vừa phát hành một phiên bản hệ điều hành mới. Một số tính năng của hệ điều hành được cho là học hỏi ý tưởng từ những hãng sản xuất khác trên thị trường. Nếu đây là năm 1995 thì công ty đó là Microsoft và nền tảng kia có tên Windows 95, còn nếu là năm 2012 thì những cái tên mà chúng ta đang nói đến không ai khác hơn chính là Apple và iOS 6. Hai đối thủ không đội trời chung dường như lại đang có những bước đi khá giống nhau, liệu lịch sử có lập lại? Bài phân tích dưới đây của tác giả Tristan Louis sẽ cho chúng ta một cái nhìn khác về Apple và mối tương quan của hãng với Microsoft. Steve Jobs đâu rồi? Hai năm trước, chiếc iPhone 4 được trình làng, và người dùng không mất nhiều thời gian để nhận ra sản phẩm của họ bị lỗi ăng ten. Các ăng ten bắt sóng của iPhone 4 được thiết kế ngay trên viền kim loại của máy, vì thế hiện tượng tụt sóng và mất sóng có thể xảy ra khi người dùng cầm máy ở một số vị trí nhất định. Áp lực từ phía khách hàng buộc Apple phải công khai xin lỗi về khuyết điểm phần cứng của sản phẩm, đồng thời cung cấp một số giải pháp khắc phục tạm thời. Năm ngoái, Apple ra mắt iPhone 4S với điểm nhấn mang tính cách mạng chính là công cụ nhận diện giọng nói Siri. Cô nàng trợ lý này mới nhìn thì rất thú vị, song thực tế nó chưa được phát triển và hoàn thiện đúng mức. Vì thế, đã có khá nhiều ý kiến bày tỏ sự thất vọng về hiệu năng hoạt động của Siri trên iPhone 4S. Năm nay, iOS 6 được giới thiệu để phục vụ cho iPhone 5. Một trong những điểm mới trên phiên bản iOS 6 so với các thế hệ trước đó là Apple đã loại bỏ Google Maps, và thay bằng dịch vụ bản đồ do chính hãng phát triển. Lời quảng cáo "dịch vụ bản đồ đẹp mắt và hiệu quả nhất từ trước đến nay" của Apple có thể làm bạn thích thú, song khi sử dụng thật sự thì không ít người dùng đã phàn nàn về những nhược điểm cơ bản của bản đồ Apple. Có một quy luật trong ngành báo chí, tạm gọi là quy luật "3s". Quy luật này có nghĩa là 3 sự kiện tương tự nhau xảy ra sẽ hình thành nên một xu hướng. Nhìn lại 3 năm qua, với mỗi lần ra mắt sản phẩm mới, Apple gặp phải ít nhất là một vấn đề nghiêm trọng. Khi Steve Jobs còn sống và điều hành Apple, sản phẩm của hãng chỉ được ra mắt khi nó được xem là đã hoàn thiện. Đến thời kỳ hậu Steve Jobs, có vẻ như công tác kiểm soát chất lượng sản phẩm đã không còn được đảm bảo như trước. Sự sáng tạo đã không còn? Gọi Apple là một công ty sáng tạo có phần hơi quá, nhưng quả thật trong những năm qua, hãng đã thực sự thổi vào những dòng sản phẩm cũ kỹ một luồng gió mới mát mẻ và mới lạ. Khi Apple giới thiệu iPod, nó không phải là chiếc máy nghe nhạc MP3 đầu tiên trên thế giới, nhưng iPod chính là chiếc máy nghe nhạc kỹ thuật số dễ sử dụng đầu tiên. Khi hãng trình làng iPhone, nó cũng chẳng phải là chiếc điện thoại thông minh duy nhất trên thị trường, nhưng chắc chắn là chiếc điện thoại có trải nghiệm thú vị nhất. Khi iPad xuất hiện vào năm 2010, nó không hề là sản phẩm máy tính bảng đầu tiên, nhưng kiểu dáng bóng bẩy cùng trải nghiệm hoàn hảo đã thu hút được sự quan tâm của cả thị trường. Trong mỗi ví dụ vừa nêu, Apple đều làm cùng một việc là lấy những thứ có sẵn, thay đổi và nâng cấp chúng lên, khác biệt hẳn với những sản phẩm cùng loại trên thị trường. Tuy nhiên, với những lần ra mắt gần đây, chúng ta có thể nhận thấy cái cảm giác ngạc nhiên "ồ, à" lúc trước dần không còn nữa. Ừ thì đưa ăng ten bắt sóng lên viền kim loại là đổi mới, nhưng nó có hoạt động không? Không! Siri là một cô thư ký ngọt ngào, nhưng hiệu suất làm việc có cao không? Không! Bản đồ 3D của Apple đẹp đấy, nhìn bóng bẩy hơn hẳn Google Maps, nhưng nó có làm được việc không? Không! Nếu tất cả những điểm nhấn nói trên đều hoạt động chúng có thể được xem là những cải tiến đáng kể, giúp Apple gia tăng cách biệt với các đối thủ cạnh tranh. Thế nhưng, trong ba trường hợp vừa nêu thì chúng sẽ bị xem là những bước lùi đáng xấu hổ. Mọi việc chưa dừng lại ở đó. Kích thước màn hình và khả năng sử dụng bằng một tay Một điểm khác biệt lớn trong dịp ra mắt sản phẩm này là lần đầu tiên sau 5 năm, Apple gia tăng kích thước màn hình của iPhone. Màn hình 3,5" truyền thống nay đã được nâng lên thành 4", hứa hẹn đem lại trải nghiệm sử dụng tốt hơn cho người dùng. Tuy nhiên, có một vấn đề với thiết kế màn hình của iPhone 5, đó là độ phân giải khá lạ lùng, chưa từng có trên thị trường từ trước đến nay. Hiện tại, các mẫu điện thoại thông minh đa phần đều sử dụng những tỷ lệ chuẩn như WVGA hay qHD, và HD 720p tỷ lệ 16:9 đang là tỷ lệ phổ biến cho phân khúc điện thoại cao cấp. Giữa bối cảnh như vậy, Apple đem đến một màn hình cảm ứng với độ phân giải đặc biệt: 1136 x 640 điểm ảnh. Điều này có nghĩa là so với iPhone 4S, Apple đã tăng chiều dài của màn hình nhưng vẫn giữ nguyên chiều rộng. Lý do cho quyết định này, theo giám đốc thiết kế Jonathan Ive, là để đảm bảo người dùng vẫn sử dụng máy thoải mái với một tay. Apple thậm chí đã làm một đoạn quảng cáo để chứng minh cho người dùng thấy họ có thể sử dụng iPhone 5 dễ dàng như thế nào với chỉ một ngón cái của bàn tay. Thế nhưng, một điều khá mỉa mai là trong những đoạn quảng cáo khác cho iPhone 5 thì đa số mọi thao tác của người dùng đều thực hiện bằng hai tay. Vậy thì tập trung vào tính năng sử dụng một tay để làm gì. Chi tiết bạn đọc có thể xem trong hai đoạn quảng cáo bên dưới: Apple: một Microsoft mới chăng? Dường như có một vòng tuần hoàn tất yếu cho sự phát triển của tất cả các công ty. Một vài thập niêm về trước, Microsoft có xuất phát điểm khá chênh vênh (cho đến khi hệ điều hành Windows 3.1 ra đời), để rồi thành công rực rỡ và dẫn đầu thị trường, trong đó đáng kể nhất là sự kiện phát hành Windows 95. Microsoft vẫn tiếp tục phát triển, đến mức trở thành độc quyền và phải đối mặt với một số vụ kiện chống độc quyền vào năm 1999. Sau những rắc rối pháp lý, Microsoft hoạt động có phần "nhẹ nhàng" hơn, dưới sự kiểm soát của chính phủ, và quay trở lại thị trường với tư cách là một đối thủ mới đáng kể. Trở lại với Apple, chúng ta có thể nhìn thấy một số điểm tương đồng. Vào thời điểm trước năm 1997, Apple là một công ty máy tính hoạt động rất chật vật, hiếm khi nào đạt được hơn 10% thị phần. Với sự ra mắt của iPod, iPhone và iPad, Apple có một cú phi nước đại thần kỳ, nghiễm nhiên trở thành người dẫn đầu, định nghĩa là một số danh mục sản phẩm trên thị trường và đe dọa đến sự sống còn của nhiều tên tuổi từng là các ông lớn. Nhưng nếu bạn nhìn lại những sản phẩm ra mắt gần đây nhất của hãng thì sẽ thấy Apple có vẻ như đang muốn chơi một bài toàn an toàn, ra sức củng cố thành quả đã đạt được thay vì sáng tạo ra những cái hoàn toàn mới. Để đối phó với những áp lực cạnh tranh ngày càng lớn từ Google (Android), Amazon (Kindle Fire) hay Microsoft với Windows Phone 8, Apple phải tập trung hoàn thiện giá trị cốt lõi, đó chính là hệ điều hành iOS. Trên iOS 6, chúng ta đã thấy những động thái rõ rệt của Apple trong việc ngăn chặn hoặc giảm bớt sự ảnh hưởng của đối thủ, điển hình là việc loại bỏ ứng dụng YouTube và Google Maps. Apple đã hiểu những ứng dụng này không còn là tiện ích, mà đã trở thành mối đe dọa cho sản phẩm/dịch vụ của hãng, vì thế cần phải có quyết định loại bỏ hoặc thay thế. Siri được giới thiệu năm ngoái cũng là một bước đi đầu tiên trong việc đổi mới tác vụ tìm kiếm, và bản đồ Apple là nỗ lực mới nhất của hãng nhằm đem đến một trải nghiệm tìm đường thú vị hơn. Trọng tâm của Apple lúc này tập trung vào hai việc: một là bảo vệ và mở rộng tính năng cho iOS, và hai là làm mọi cách để tối ưu hóa năng lực sản xuất, từ đó tăng sản lượng sản phẩm bán ra hết mức có thể. Những số liệu ban đầu ấn tượng về tốc độ tiêu thụ iPhone 5 cho thấy Apple đã đầu tư rất nhiều để nâng cao năng lực của chuỗi cung ứng. Tuy nhiên, hãng nên nhớ rằng việc phát triển quá nhanh như thế có khả năng dẫn đến những mối lo ngại về độc quyền. Những biện pháp Apple đưa ra nhằm bảo vệ và gia tăng thị phần cho iOS, nếu như nhìn dưới những góc độ cực đoan một chút, có thể bị hiểu thành hãng đang ra sức độc quyền hóa thị trường. Hi vọng rằng các nhà lãnh đạo tại Apple đủ thông minh để nhìn vào lịch sử và tránh rơi vào vết xe đổ của Microsoft. Nếu không, Apple có thể bị gắn cái mác độc quyền, và tòa án là điều khó tránh khỏi. Khi ấy, những phát biểu của Steve Jobs như "tuyên bố chiến tranh hạt nhân với Android" sẽ trở nên bất lợi cho Apple, dù rằng đó chỉ là câu nói nhất thời khi tức giận. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo? Như vậy, Apple đang có trong tay một số vấn đề cần giải quyết: một mặt, hãng phải nhanh chóng khắc phục nhược điểm của dịch vụ bản đồ; mặt khác, Apple cần tái lập lòng tin của khách hàng về chất lượng sản phẩm của hãng. Bên cạnh đó, Apple cũng cần lưu ý hạn chế tối đa việc thương hiệu của hãng bị gắn với hai từ độc quyền. Vấn đề thứ ba có thể làm giới hạn số lượng phương án mà Apple có thể làm đối với dịch vụ bản đồ. Dĩ nhiên là với hầu bao dày cộp như hiện nay, Apple hoàn toàn có thể mua lại một công ty bản đồ nổi tiếng (như Tom Tom chẳng hạn), song việc làm đó có thể gây ra một ấn tượng xấu về công ty trên thị trường. Vì thế, Apple buộc phải tự thân vận động, như việc tuyển dụng thêm kỹ sư và yêu cầu nhóm phát triển bản đồ phải khắc phục sản phẩm càng sớm càng tốt. Apple vốn được biết đến như là một trong những công ty rất kỹ lưỡng trong mọi hoạt động. Lúc sinh thời, Steve Jobs quan tâm đến mọi mặt của công ty, từ các mẫu quảng cáo, đến phần mềm, và nhất là các sản phẩm mới sẽ có thiết kế vật lý như thế nào. Tuy nhiên, về sau này thì trọng tâm đó đã phần nào giảm sút, và Apple hơn lúc nào hết, phải tìm cách quay trở lại mô hình này, để đảm bảo có một Apple thống nhất từ trên xuống dưới, trong ra ngoài. Với iPhone 5, Tim Cook đã khẳng định được năng lực lãnh đạo của mình ở mặt sản xuất và kinh doanh. Song, đã đến lúc Tim cần bước ra khỏi "sân nhà" của mình và tìm lại điều đã giúp cho Apple có được ngày hôm nay: sự hòa hợp một cách hoàn hảo giữa phần cứng và phần mềm để đem lại cho người dùng những sản phẩm/dịch vụ mang tính cách mạng. Chỉ có như thế mới giúp Apple giữ vững vị trí dẫn đầu thị trường hiện nay, cũng như giữ vững hình ảnh một công ty luôn đổi mới và sáng tạo trong lòng người tiêu dùng. Theo : tinhte