Trên Co.Design, Bruce “Tog” Tognazzini và Don Norman - hai cựu nhân viên của Apple đã chia sẻ về xu hướng thiết kế trên thế hệ các sản phẩm mới được công ty ra mắt trong những năm gần đây. Cả hai cho rằng công ty đã đặt tính thanh lịch và sự đơn giản, trực quan lên trên độ dễ hiểu và dễ sử dụng. Được biết, Bruce “Tog” Tognazzini là nhân viên thứ 66 của Apple và ông cũng là người đã viết sách hướng dẫn người dùng đầu tiên, trong khi Don Norman là một trong những nhà thiết kế trải nghiệm người dùng cho các sản phẩm của Apple trong giai đoạn từ năm 1993-1996. Theo Bruce “Tog” Tognazzini và Don Norman, Apple "đang phá hủy thiết kế", "Táo Khuyết" đã quên đi những nguyên tắc cơ bản trong triết lý phát triển sản phẩm của công ty để tiếp cận với ngôn ngữ tối giản kiểu mới, thể hiện rõ nét nhất trong việc hãng đã sử dụng font chữ San Francisco, thay thế cho tùy chọn Helvetica Neue truyền thống trên các thế hệ trước đó. Không chỉ Norman và Tog, rất nhiều người dùng cũng tỏ ra khó chịu với thay đổi này của Apple khi phông chữ mới được cho là có kích thước quá nhỏ. "Không có gì tốt hơn. Mặc dù các sản phẩm đã đẹp hơn rất nhiều so với trước đây nhưng chính những thay đổi đó phải đánh đổi bởi cái giá quá đắt." "Chúng ta hoàn toàn không còn nhìn thấy những triết lý thiết kế cơ bản, khả năng khám phá, phản hồi, phục hồi,... Thay vào đó, công ty lại chỉ tập trung vào cái "đẹp", họ sử dụng phông chữ có kích thước quá nhỏ, trong khi nét chữ lại mỏng và không có độ tương phản cao, sẽ rất khó để có thể đọc được đối với hầu hết người dùng có nghị lực ở mức bình thường.", trích dẫn một đoạn trong bài viết trên Co.Design của Bruce “Tog” Tognazzini và Don Norman. Bên cạnh đó, Bruce “Tog” Tognazzini và Don Norman còn thể hiện sự không hài lòng khi Apple đến giờ vẫn chưa trang bị cho người dùng hai nút điều khiển cơ bản là undo và back như trên Android. Ngoài ra, giao diện người dùng của hãng chứa quá nhiều những trình đơn "ẩn" và đòi hỏi khách hàng phải sử dụng nhiều cử chỉ khác nhau để truy cập. Tính đơn giản, trực quan, dễ sử dụng vốn là truyền thống của Apple giờ đây đã bị các nhà phát triển thay thế bằng một ngôn ngữ khác. "Một thiết kế tốt cần phải hấp dẫn, thú vị, tuyệt vời và dễ sử dụng. Tuy nhiên, những điều tuyệt vời như vậy yêu cầu thiết bị có thể hiểu và dễ dàng thao tác. Nó phải tuân thủ các nguyên tắc tâm lý cơ bản như khách hàng phải hiểu, kiểm soát được chúng và cảm thấy vui khi sử dụng, bao gồm khả năng sáng tạo, phản hồi, kết nối chính xác, có độ tương phản vừa đủ và đương nhiên có khả năng làm ngược lại (undo) những thao tác mà một người sử dụng đưa ra. Đây là những nguyên tắc cơ bản nhất mà chúng tôi dạy cho những sinh viên năm nhất về thiết kế tương tác. Nếu Apple tham gia vào lớp học này, họ sẽ bị đánh trượt ngay từ những vòng đầu tiên." Norman và Tog cho rằng sự vi phạm về các quy tắc trong thiết kế của Apple đã đi quá xa, không chỉ dừng lại ở mặt phông chữ trên điện thoại. Nguyên nhân là do ảnh hưởng rộng lớn của Apple trong văn hóa thiết kế, vì vậy những thay đổi này có thể lan rộng tới các lĩnh vực khác như cơ sở hạ tầng và những dịch vụ chăm sóc sức khỏe. "Apple đang củng cố cho cái cũ, làm mất đi triết lý làm việc của các nhà thiết kế đó là tạo ra cái đẹp, thậm chí còn đưa ra những chức năng đúng đắn, đảm bảo khách hàng có thể hiểu được và dễ sử dụng". Không chỉ Apple, Bruce “Tog” Tognazzini và Don Norman còn chỉ trích thiết kế của Google Maps và Android khi hai sản phẩm này cũng vấp phải những sai lầm tương tự. Nhưng khi bạn là công ty lớn nhất trên thế giới và bán những chiếc smartphone nổi tiếng nhất trên toàn cầu, bạn sẽ là tâm điểm của mọi sự chỉ trích. “Sản phẩm đẹp! Và thú vị. Thế nên khi mọi người gặp khó khăn khi sử dụng, họ tự đổ lỗi cho mình. Tốt cho Apple. Tệ cho người dùng” Tuy nhiên, cả Norman và Tog không bác bỏ Apple đã thành công trong việc biến các thiết bị của họ trở nên trực quan và cực kỳ hấp dẫn và chính những điều đó đã phần nào thuyết phục được người dùng trước những nhược điểm còn tồn tại trên sản phẩm của họ. Theo: TheVerge.com